Đến sáng 27/7, Đà Nẵng có 12 ca nghi nhiễm Covid-19, hơn 760 trường hợp âm tính với SARS-CoV-2 và khoảng 10.000 ca cần lấy mẫu xét nghiệm.
Sáng 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19 với TP Đà Nẵng. Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá số ca lây nhiễm đến nay chưa dừng lại, do đó phải tập trung khống chế được dịch, không để lây lan rộng hơn. Diễn biến những ngày qua cho thấy chủng virus mới xâm nhập cơ thể rất mạnh, các bệnh nhân phải thở máy ngay khi phát hiện.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng, đến sáng 27/7, toàn TP có 3 bệnh nhân Covid-19, 12 ca nghi nhiễm, 761 trường hợp âm tính với SARS-CoV-2 và khoảng 10.000 ca cần lấy mẫu xét nghiệm.
Cụ thể, 761 mẫu âm tính với SARS-CoV-2 chủ yếu là những trường hợp tiếp xúc với 2 bệnh nhân 416 và 418. Trong số này có 285 trường hợp cách ly, theo dõi tại nhà, còn 276 cách ly tập trung tại các khu cách ly, bệnh viện...
Lực lượng chức năng phun thuốc diệt khuẩn tại khu vực nơi bệnh nhân 418 sinh sống.
Ông Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hôm qua, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã gọi điện đề nghị cho Đà Nẵng giãn cách toàn TP. Bộ Y tế thống nhất với địa phương, trong đó, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng phải được phong toả toàn bộ khu vực.
Đồng thời, ông Long đề nghị Đà Nẵng truy tìm các nguồn lây từ cộng đồng, nghi ngờ khu vực Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu, tất cả phải lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa. Do nguồn lây ở Đà Nẵng chưa được xác định nên không chỉ cần xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, mà phải truy tìm những người đã đến Đà Nẵng trong vòng một tuần qua, yêu cầu cách ly tại nhà; trường hợp sốt, ho phải được xét nghiệm.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, tại các bệnh viện có tình trạng lây nhiễm; các ca lây nhiễm có mức độc lập tương đối, chưa có điểm chung. Đáng lo ngại nhất là đang có tình trạng lây nhiễm trong đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Trong cộng đồng có nhiều trường hợp mang mầm bệnh chưa phát hiện.
Những khu vực có nguy cơ cao, khu vực có người nước ngoài, người Trung Quốc và các hoạt động mà những bệnh nhân đã đến cũng rất nhiều. Chính vì thế Đà Nẵng phải khẩn trương tăng cường việc xét nghiệm để phát hiện ra những người có bệnh.
"Việc xét nghiệm vừa để tìm kháng nguyên, vừa tìm kháng thể để có đánh giá chung về tình hình dịch. Hiện nay việc xét nghiệm còn rất khiêm tốn, mới được 3.000 người" , ông Thơ nói và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các trung tâm y tế lớn hỗ trợ Đà Nẵng trong việc tiến hành xét nghiệm.
Theo ông Thơ, việc xét nghiệm để có thể kiểm soát được, đánh giá bức tranh và tình trạng lây nhiễm trong cả cộng đồng. Ông Thơ cũng đề nghị Bộ Y tế lập các trạm xét nghiệm di động để rút ngắn thời gian nhằm đưa ra các phương án tiếp theo.