Bóng cười "đại náo" giới trẻ: Đường tới tiếng cười chết chóc

Thảo Nguyên| 22/01/2017 17:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bỏ qua cảnh báo của những chuyên gia về hiểm họa “bóng cười”. Những bạn trẻ vẫn vô tư chìm đắm trong những “tràng cười ảo”, tìm đến những niềm vui không có thực mà không quan tâm đến những tác động khôn lường của nó.

Cười thả phanh với 25.000 đồng

Thời gian qua, giới trẻ ở các thành phố lớn đang phát "sốt" với trào lưu mang tên Funky ball (bóng cười). Với lý luận "1 nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ", bóng cười được họ chọn để giảm stress. Những tràng cười vô thức, người sử dụng bóng cười sẽ sống trong cảm giác đê mê, lâng lâng sau mỗi lần hít. Có nhiều bạn trẻ cho rằng hít bóng cười là thể hiện đẳng cấp của dân chơi và nó là thú tiêu khiển an toàn.

Bóng cười

Giới trẻ vô tư sử dụng bóng cười.

Sau những tiếng cười, sau những quay cuồng tại quán bar, hiện tại, cô gái tên Trần Minh T. (21 tuổi, Hà Nội) chỉ còn lại những giọt nước mắt. Lần đầu tiên T. chơi bóng cười là vào dịp sinh nhật bạn, rồi cứ thế T. bị cuốn vào nó và nghiện lúc nào không biết. Sáu tháng sau thì T. có những biểu hiện bất thường về thần kinh, việc học tập bị giảm sút, cơ thể uể oải và tinh thần suy nhược nghiêm trọng. Nhiều đêm do căng thẳng không được giải tỏa T. đập phá đồ đạc trong nhà, và cuối cùng gia đình bắt buộc phải đưa T. đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Chia sẻ với PV, T. cho biết: "Lần đầu tiên hít bóng cười, cảm giác nó có thể giúp em quên đi hết căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, nhưng lâu dần em thành ra như bị nghiện và rối loạn thần kinh, gia đình em phải đưa tới đây để điều trị".

Theo tìm hiểu, bóng cười đã du nhập vào Việt Nam từ năm 2010, nhưng mãi đến gần đây nó mới trở thành tâm điểm chú ý của các cậu ấm cô chiêu đất thị thành, trong những cuộc chơi tại các quán bar, vũ trường hay các quán karaoke...

Tuy nhiên, nếu như trước đây, để mua được một trái bóng cười khá khó khăn, thì nay việc tìm đến các quán bar, vũ trường...để mua bóng, chơi bóng rất dễ dàng; không những thế nhiều trang web bán hàng qua mạng nhằm cung ứng bóng cười cho các "dân chơi" cũng xuất hiện khá nhiều, thậm chí bóng cười còn được đem đi bán rong.

Bóng cười

“Bóng cười” được rao bán công khai trên đường phố Hà Nội

Đặc biệt, số tiền phải bỏ ra để mua 1 quả "bóng cười" không cao, chỉ từ 25.000 đồng - 50.000 đồng/quả. Chính vì giá cả phải chăng nên rất nhiều bạn trẻ dù không phải là dân chơi cũng có thể mua và sử dụng trong khoảng thời gian dài.

Ở các khu vực phố cổ như: Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Hữu Huân… dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ thở ra hít vào loại bóng được bơm khí NO2 (Nitrous Oxide).

Những người có sở thích sử dụng bóng cười mô tả, khi thổi ra – hít vào quả bóng được bơm khí NO2 (Nitrous Oxide) – một loại khí tác động trực tiếp đến hệ thần kinh, gây ra ảo giác hoặc tràng cười sảng khoái.

Chuyên gia nói gì về bóng cười?

Trước đây, người ta cho rằng bóng cười vô hại. Tuy nhiên, trên thực tế bóng cười gây rất nhiều tác hại xấu đến cơ thể con người. Về mặt sinh học, khi N2O vào cơ thể kích thích tăng chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Khi nồng độ dopamine tăng cao trong máu sẽ gây nên cảm giác hưng phấn, sảng khoái cao độ và bật lên tiếng cười.

Bóng cười

PGS.TS. Trần Hồng Côn - giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG HN),

Theo PGS.TS. Trần Hồng Côn - giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG HN), sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi có giả thuyết cho rằng, nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười.

Trước đó, khí cười thường được sử dụng trong nha khoa như một chất gây tê, giảm đau yếu. Sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh.

Nếu hít nhiều sẽ gây nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện. Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác.

Người sử dụng bóng cười lần đầu có thể lên cơn co giật, trụy tim mạch, tử vong. Khi sử dụng bóng cười lâu dài, N2O tác động làm tổn thương tế bào thần kinh trung ương dẫn đến một số bệnh như: loạn thần, ảo giác, hoang tưởng, không làm chủ hành vi, sa sút trí tuệ, trầm cảm, ung thư.

Bóng cười

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia

Cùng quan điểm với PGS.TS. Trần Hồng Côn, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia cho rằng, đặc điểm của những chất này là gây ra ảo giác, gây ra hoang tưởng, hay còn gọi là gây ra tình trạng loạn thần cấp tính. Và đặc biệt là những người nhân cách chưa trưởng thành như trẻ em, thanh thiếu niên thì nó ảnh hưởng, tác động rất lớn và để lại hiệu quả nghiêm trọng.

Kể cả sau khi ngừng sử dụng nó một thời gian, có những giai đoạn có thể bùng phát trở lại, người ta gọi là Flash back (cơn phản hồi) loạn thần có thể xuất hiện. Thậm chí có những người có tiềm ấn yêu tố nguy cơ loạn thần như tâm thần phân liệt thì hít bóng cười càng dễ làm bệnh phát triển hơn.

Theo Trung tá Nguyễn Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, khi đưa vào cơ thể thì nó tác động lên hệ thống thần kinh trung ương, tạo ra sự ảo giác, ảo tưởng trong trí não người sử dụng. Và khi người sử dụng bị ảo giác thì người ta không điều khiển được hành vi của mình và dẫn đến việc có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và cho chính bản thân mình.

Cân nhắc khi quyết định chơi bóng cười

Công khai bán, công khai mua và cả công khai hướng dẫn sử dụng. Người bán thì khẳng định đó là thú chơi an toàn, còn giới trẻ thì chỉ quan tâm đi tìm sự phấn khích, tiếng cười và ảo giác. Họ không biết thứ mang lại cho họ cảm giác sảng khoái tức thời đó là hợp chất hóa học N2O, hay còn gọi là khí cười, một loại khí mà theo như chuyên gia nếu sử dụng thường xuyên có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.

Bóng cười

Các bạn trẻ thường xuyên sử dụng bóng cười và khoe hình ảnh trên mạng xã hội - Ảnh: Facebook

Dẫu biết rằng "1 nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ", nhưng mua tiếng cười bằng chính tính mạng của mình thì chính các bạn trẻ nên suy nghĩ lại.

Theo quy định của pháp luật, N2O không nằm trong danh mục hóa chất đặc biệt cần quản lí nghiêm ngặt, không phải chất ma túy, nhưng những tác hại của nó đối với sức khỏe con người có thể nhìn thấy được như gây thiếu oxy cục bộ, ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh, có thể gây co giật, ngất.

Hiện nay, bóng cười, khí cười vẫn được rao bán một cách công khai, không kiểm soát trên thị trường. Chính điều này đã gây nên những nguy hại không đáng có đối với tính mạng và sức khỏe của người sử dụng. Do vậy, cần sự sớm vào cuộc của cơ quan chức năng.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bóng cười "đại náo" giới trẻ: Đường tới tiếng cười chết chóc