Mấy ngày qua dư luận đang đưa ra ý kiến tại sao sách Công nghệ giáo dục lại bị loại trong khi đã được áp dụng học ở nhiều địa phương? Trước thắc mắc đó, thành viên Hội đồng thẩm định về sách giáo khoa đã lên tiếng.
Theo Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt – GS. Trần Đình Sử cho hay, sách của GS. Hồ Ngọc Đại lâu nay đã được sử dụng có hiệu quả tốt nhưng bây giờ sách phải soạn theo chương trình mới, nên tất cả sách của GS. Đại cũng như các sách giáo khoa hiện hành đều có quyền như nhau là phải viết lại theo chương trình mới.
“Chúng tôi làm việc theo Thông tư 33, đánh giá các nội dung cần đạt của chương trình mới ban hành năm 2018. Các tiêu chí được quy định trong Thông tư 33 ví dụ như: chương trình mới yêu cầu dạy học sinh lớp 1 theo 4 tiêu chí Đọc- viết- nghe –nói. Còn sách của GS. Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy âm-chữ, quy tắc chính tả”, GS Sử cũng cho biết thêm.
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Bên cạnh đó, GS. Sử cũng chia sẻ thêm sách giáo Công nghệ giáo dục có những mặt lạ quá sức, như học sinh lớp 1 thì chưa cần dạy kiến thức về ngữ âm tiếng Việt, hay các khái niệm âm đầu, âm đệm, âm cuốn, âm đôi. Những cái này làm sách nặng nề, không cần thiết, hàn lâm, quá tải.
Còn theo ý kiến của GS. Mai Ngọc Chừ - thành viên Hội đồng thẩm định, quan điểm của hội đồng được thành lập là thẩm định theo chương trình giáo dục phổ thông mới - đây là nguyên lý số 1. Chương mới có những yếu tố sau: Giáo dục toàn diện cho học sinh chứ không chỉ có viết hay đánh vần. Ví dụ, có nhiều bộ sách ngữ liệu cực hay và học sinh học xong sẽ rất hứng thú, vì xen kẽ với các chủ đề khác nhau như bảo vệ môi trường, dạy kỹ năng sống.
Còn bộ sách của thầy Đại không có những nội dung mới không thấy đưa vào. Với một mục tiêu là việc giúp học sinh biết đọc, biết viết, không nhất thiết phải đưa một mớ kiến thức về ngôn ngữ cho học trò mà vẫn đat được. Giảm tải chương trình là nguyên tắc quan trọng, rất nhiều phụ huynh đã kêu là chương trình quá tải. Chúng tôi không đồng ý thông qua bộ sách vì nó không bám vào các tiêu chí mà chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra.
Còn theo ý kiến PGS. Trần Kiều, thành viên của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1: Tôi từng tham gia vài ba lần thẩm định sách từ trước tới nay, nhưng chưa lần nào hội đồng thẩm định làm việc chặt chẽ, tỉ mỉ và có tiêu chí rõ ràng như lần này.
Về mặt nguyên tắc, khi chúng ta đã xây dựng và ban hành được chương trình mới thì phải xây dựng được một bộ sách giáo khoa phù hợp cho chương trình mới. Bộ sách được đánh giá đạt phải đảm bảo đúng và đủ các tiêu chí, đặc biệt tạo cơ hội cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, chứ không được cứng nhắc.
Tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới và khi thực hiện một chương trình và nhiều bộ/cuốn sách giáo khoa, thì sách giáo khoa phải tạo cơ hội cho thầy cô đổi mới phương pháp, chứ không phải chỉ loay hoay về mặt chữ nghĩa.
Ngoài ra, với sách lớp 1, học sinh đi học mà chưa hề biết chữ, còn non nớt, ngô nghê, nên sách giáo khoa viết gì, dạy gì cho phù hợp là điều chúng tôi phải đặc biệt cân nhắc. Các thành viên hội đồng không đánh giá chủ quan, thiên kiến, hời hợt, mà bám sát các tiêu chí của chương trình mới.