Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được "rào chắn" chặt chẽ về mặt kỹ thuật, quy trình và cả con người nhằm phòng ngừa và phát hiện gian lận thi cử.
Tại buổi gặp gỡ, cung cấp thông tin xung quanh công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, công tác tuyển sinh đại học 2019 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cho biết, đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được tích cực triển khai, nhiều công việc đã hoàn tất.
Theo đó, năm 2019 cả nước có khoảng 887.000 thí sinh đăng ký dự thi (giảm gần 40.000 thí sinh so với kỳ thi THPT quốc gia 2018), trong đó thí sinh đăng ký xét tuyển đại học và xét tuyển vào các trường sư phạm là khoảng 74%.
Năm 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi. Tuy nhiên, các trường đại học địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)
Khu vực lưu trữ đề thi, bài thi sẽ có camera an ninh giám sát và lực lượng công an trực an ninh 24/24 giờ, quy định cách thức niêm phong và mở niêm phong phòng, tủ đựng bài thi, đề thi, trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do Phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của trường đại học thực hiện.
Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
Phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng được điều chỉnh để phát hiện gian lận, can thiệp. Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi lưu dấu vết và chỉ người có trách nhiệm mới có thể truy cập.
Trước tình trạng trên thị trường xuất hiện việc rao bán thiết bị công nghệ gian lận thi cử, Cục trưởng Mai Văn Trinh cho hay Bộ đã mời cán bộ, công an phối hợp giám sát, thanh tra, không để gian lận xảy ra.
Năm nay, để chuẩn bị cho công tác tổ chức kỳ thi, giải pháp kỹ thuật được đầu tư kỹ lưỡng với quy trình chặt chẽ, phân công trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, yếu tố quyết định thành công của kỳ thi vẫn là con người, phương tiện kỹ thuật chỉ mang tính chất hỗ trợ.
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, công tác lựa chọn cán bộ được tiến hành kỹ lưỡng, song song với việc tập huấn cán bộ, giáo viên. Ở tất cả điểm thi đều được phát cẩm nang phòng thi để được "cầm tay chỉ việc", đảm bảo công tác tổ chức.
"Thí sinh và phụ huynh đừng có ý tưởng gian lận. Bộ GD&ĐT không dung túng cho bất kỳ gian lận nào. Hiện nay các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao rất nhiều. Trong chương trình tập huấn nghiệp vụ thi năm nay, bộ mời an ninh của các tỉnh thành phố tham gia để giúp phòng ngừa, phát hiện gian lận thi cử bằng công nghệ cao, giúp cán bộ có thể nhận dạng các thiết bị có thể sử dụng để gian lận thi cử”, ông Trinh nói thêm.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là một trong những hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn nên cần sự tham gia chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo các địa phương. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương có phương án dự phòng xử lý tình huống bất thường xảy ra, đảm bảo không để xảy ra trường hợp thí sinh vì lý do khó khăn đi lại không thể đến phòng thi. Chậm nhất ngày 24/6, tất cả điểm thi sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị.