Bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo luật Giáo dục sửa đổi hôm nay (4/4), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời một số nội dung xung quanh các vụ việc bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường thì việc giáo dục, tuyên truyền trên lớp đối với học sinh đã được thực hiện nhiều năm qua và đã có quy định. Trong các buổi chào cờ, sinh hoạt đoàn, đội hay trong các tiết học giáo dục công dân… các trường đã kết hợp giáo dục, tuyên truyền để học sinh “nói không” với bạo lực học đường, cũng như các biện pháp phòng tránh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và hướng dẫn trẻ em phòng tránh bị xâm hại cần phải được đẩy mạnh.
“Bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn tâm lý học đường nhưng nay phải tăng cường hướng dẫn các cháu để phòng tránh như các kỹ năng phòng ngừa ở nơi công cộng như thang máy, nhà vệ sinh công cộng... Tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo các sở, các trường đẩy mạnh, tăng cường việc giáo dục, phổ biến kỹ năng cho học sinh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Gia Hân
Liên quan tới nạn bạo lực học đường trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chính sách hiện nay tương đối nhiều, quan trọng là làm thế nào để chính sách đi vào cuộc sống.
“Muốn vậy, người thực hiện và các nhà trường, địa phương phải đồng hành. Ngay cả báo chí cũng nên đưa những tấm gương tốt, cùng nhau lên án thói hư tật xấu”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Khẳng định giáo dục phải làm gốc, Tư lệnh ngành giáo dục cũng cho rằng, những đối tượng yếu thế cần được quan tâm. Còn đối với các cháu tạm gọi là “cá biệt” cũng phải quan tâm giáo dưỡng để các cháu biết được bạo lực học đường là không tốt, thậm chí là phạm pháp. Còn các cháu yếu thế thì dựa vào các thầy, cô giáo của mình. Do đó cần có sự đồng hành của cả thầy và trò.
Bộ trưởng bày tỏ ủng hộ đề xuất sáng kiến “nói không” với bạo lực học đường bằng sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là sự ủng hộ, hưởng ứng của các ngôi sao, những người nổi tiếng, cầu thủ bóng đá…
“Những người nổi tiếng hay ngay cả những tấm gương học sinh ngoan, giỏi, ưu tú đến trường để tuyên truyền, kêu gọi “nói không” với bạo lực học đường là giải pháp tốt. Trẻ con chịu ảnh hưởng nhiều từ những tấm gương tốt, những thần tượng tốt. Nếu để những nhân vật xấu trong xã hội ảnh hưởng đến các cháu thì rất nguy hiểm như Khá bảnh vừa rồi”, ông Nhạ cho hay.