Ngày 21/7/2018, 3 tổ chấm thẩm định đã triển khai chấm thẩm định tại các Hội đồng thi Tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre. Theo đó, quy trình chấm thẩm định giống như chấm lần đầu.
Theo ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, chấm thẩm định là một khâu bình thường của một kỳ thi. Cụ thể: Trong một kì thi có việc chấm thi, chấm phúc khảo và chấm thẩm định.
Thực tế, gần như năm nào chúng ta cũng tổ chức chấm thẩm định, chúng ta có thể lựa chọn một số tỉnh để chấm thẩm định. Tất nhiên là trên cơ sở phân tích dữ liệu thi và dựa theo những tiêu chí nhất định.
Ảnh minh họa. Nguồn Interet.
Cũng theo ông Trần Văn Nghĩa, chúng ta có thể chấm toàn bộ các bài thi của 1 môn nào đấy, hoặc một số môn nào đấy, hoặc là chấm một số bài thi trong một số môn. Phạm vi chấm là do Hội đồng chấm thẩm định quyết định, trên cơ sở yêu cầu của thực tế.
Một điểm lưu ý nữa đó là, cách chấm thẩm định. Theo ông Trần Văn Nghĩa thực hiện chấm thẩm định cũng giống như là lúc chấm thi bình thường, nghĩa là quy trình chấm thi như thế nào, thì chấm thẩm định cũng như vậy.
Ông Nghĩa cho biết: Với bài trắc nghiệm, chúng ta phải làm quy trình hoàn toàn giống như là quy trình chấm thi bình thường. Đối với bài thi tự luận thì chúng ta cũng phải chấm qua 2 vòng độc lập như chấm bình thường.
Riêng về xử dụng kết quả chấm thẩm định, trong Quy chế thi THPT quốc gia đã quy định: Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi. Nghĩa là căn cứ thực tế kết quả chấm sẽ quyết định lấy điểm nào (điểm gốc hay điểm sau khi chấm thẩm định) là điểm chính thức của bài thi.
Một điểm chú ý nữa đó là: Hội đồng chấm thẩm định sẽ dùng con dấu của Cục Quản lý chất lượng để thực hiện việc chấm thẩm định. Tất cả những vấn đề này đều quy định trong Điều 31 của Quy chế thi THPT quốc gia.
"Như vậy, có thể nói chấm thẩm định là một khâu quan trọng của kỳ thi và mục đích của chấm thẩm định để Bộ GD-ĐT có cơ sở đánh giá tổng thể về chất lượng của công tác chấm thi”, ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh.