Xử lý tội phạm xâm hại trẻ em: Cần lấp “lỗ hổng”

Trung Nguyễn| 23/05/2019 08:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù năm 2018 Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em tiếp tục diễn ra rất nghiêm trọng, phức tạp. Nhiều vụ án thương tâm, gây bức xúc lớn và lo lắng trong dư luận xã hội.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em; trong đó số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ, chiếm 82% tổng số vụ.

Riêng những tháng đầu năm 2019, một số vụ việc quấy rối, xâm hại phụ nữ, trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn nhưng chưa được xử lý kịp thời, mức xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ (Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp) đánh giá, công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung vừa qua còn một số bất cập. Theo Uỷ ban Tư pháp, một “lỗ hổng” là quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em hiện nay cũng chưa có. Các báo cáo của ngành tư pháp đều nêu tính chất đặc biệt của loại án này như nạn nhân là trẻ em nên khai báo không thống nhất; xảy ra ở chỗ vắng vẻ nên thường không có người làm chứng; hành vi dâm ô ít khi để lại dấu vết; nhiều trường hợp gia đình không hợp tác do sợ ảnh hưởng đến tương lai con cái; khó khăn trong giám định...

Báo cáo của Bộ Công an và của VKSNDTC cũng nêu khó khăn khi xử lý tố giác, tin báo và giải quyết do nạn nhân và gia đình trình báo muộn nên dấu vết sinh học, dấu vết trên thân thể nạn nhân bị phân hủy hoặc không thu thập được; nhiều điều tra viên, kiểm sát viên thiếu kinh nghiệm làm việc với trẻ em nên tạo áp lực với các em...

Tại hội thảo xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Nga (Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do bất bình đẳng giới, bất bình đẳng kinh tế, nghèo khó và các quan niệm ủng hộ bạo lực, xâm hại (như vợ không tố cáo chồng xâm hại tình dục con đẻ, con riêng). Trong trường học và gia đình, sử dụng bạo lực vẫn được coi như một phương pháp giáo dục.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Đặc biệt, nhiều vụ xảy ra ở các nơi tưởng là an toàn nhất như gia đình, trường học, thủ phạm là những người thân thiết như bố, thầy giáo.

Dù tính chất nghiêm trọng là vậy song trên thực tế, chính quyền, các tổ chức xã hội chưa nhận thức đầy đủ, quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em. Trong khi đó, các quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại vẫn đang trong quá trình rà soát, sửa đổi.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho rằng, Việt Nam phải tăng cường khuôn khổ pháp lý, sửa Luật Trẻ em để mọi trẻ em dưới 18 tuổi đều được bảo vệ trước mọi hành vi bạo lực, xâm hại. Chính phủ cần tăng cường hệ thống an sinh xã hội, lồng ghép kế hoạch bảo vệ trẻ em vào chiến lược của các ngành và chương trình an sinh xã hội tổng thể của quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý tội phạm xâm hại trẻ em: Cần lấp “lỗ hổng”