Vu lan hay còn gọi là mùa báo hiếu - mùa báo ân đối với đấng sinh thành, được tổ chức từ ngày mùng 8 đến ngày Rằm tháng 7 âm lịch. Đây là dịp cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được vãng sanh cực lạc.
Truyền thuyết Vu lan - Ý nghĩa bông hồng cài áo
Tháng 7 – Mùa Vu lan, luôn nhắc nhở những người con dù còn hay đã mất mẹ, cha về chữ hiếu của đạo làm con.
Theo kinh Vu lan, sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục Kiều Liên nhớ về mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi khổ thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm quỷ đói nơi đại ngục, bị đói khát và hành hạ khổ sở, thân hình tiều tụy, bụng ỏng đầu to nơi địa ngục A Tì. Mục Liên vận dụng phép thần thông đến với mẹ và dâng cơm cho mẹ ăn. Nhưng ác nghiệt làm sao, những hạt cơm cứ gần tới miệng mẹ thì bỗng hóa thành lửa. Không có cách nào khác, Mục Liên trở về bạch chuyện Ðức Phật, xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.
Phật dạy, một mình Mục Liên thì vô phương cứu mẹ mà phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp nơi, đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi mới được. Đồng thời, sắm đủ các món thức thời trân, hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay... dâng cúng các vị chư tăng. Vào đúng dịp Rằm tháng 7, lập trai đàn để cầu nguyện.
Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã đạt được sáu phép thần thông, nhờ công đức cầu nguyện của các vị này thì vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo.
Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu lan ra đời.
Tháng 7 – Mùa Vu lan, luôn nhắc nhở những người con dù còn hay đã mất mẹ, cha về chữ hiếu của đạo làm con (Ảnh:Internet)
Vì tích truyện này mà hàng năm cứ đến Rằm tháng 7, bên cạnh lễ Vu lan thì người Việt Nam cũng làm lễ cúng chúng sinh, cô hồn, xá tội vong nhân đều với mục đích báo hiếu và làm phúc. Những ngày tháng Bảy âm lịch, nhà nhà, trên khắp nước Việt mình đều thành kính bước vào mùa Vu lan, mùa báo hiếu.
Rằm tháng 7, dù bận các gia đình vẫn cẩn thận sắm mâm cỗ đầy, thành kính dâng tổ tiên ban cho chúng sinh và chuyển đi thông điệp nhân văn của cuộc sống: Hãy nghĩ về Mẹ - Cha, mở lòng với đồng loại để thương yêu nhau nhiều hơn.
Những ngày này, hình ảnh già trẻ, trai gái dự lễ Vu lan đều thành kính cài một bông hồng trang trọng nơi ngực áo. Nghi thức Bông hồng cài áo xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết trong những năm 1960.
Theo đó, trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, vào đúng ngày Mother Day (Ngày của Mẹ), Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo, để tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm "Bông hồng cài áo" vào năm 1962. Và “Bông hồng cài áo” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của đất nước chúng ta cho tới ngày nay.
Thể hiện hành động thay cho lời nói mùa Vu lan
"Một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ....", mùa Vu lan luôn nhắc nhở những người con dù còn hay đã mất mẹ, cha về chữ hiếu của đạo làm con. Bông hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bâc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Đây cũng là dịp cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được vãng sanh cực lạc.
Đây là dịp chúng ta báo hiếu cha mẹ, nhớ ơn tổ tiên, bố thí chúng sinh, nét văn hóa đẹp của người Việt từ bao đời nay. Nhưng phong tục này đã bị biến tướng, khiến nhiều người hiểu sai về ý nghĩa của ngày này, dẫn đến việc mê tín, mua nhiều lễ mã, đốt vàng hương một cách lãng phí.
Trong những ngày đầu tháng 7, nhiều gia đình ngoài việc sắm sửa mâm cỗ cúng tổ tiên, với quan niệm “trần sao âm vậy”, mọi gia đình đều mua vàng mã để đốt, “gửi” cho người đã khuất những thứ cần thiết như ô tô, điện thoại, tivi, tủ lạnh thậm chí cả nhà cao tầng… Đây được cho là thời điểm đốt nhiều vàng mã nhất trong năm. Có những gia đình thậm chí chi hàng chục triệu để mua vàng mã về đốt.
Tuy nhiên, thói quen này dường như càng ngày càng bị làm dụng gây lãng phí. Để thay đổi thói quen đốt vàng mã của người dân, từ năm ngoái, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên truyền tới các phật tử không đốt vàng, mã tại các chùa. Đồng thời, chính quyền địa phương các nơi cũng khuyến khích người dân hạn chế đốt vàng mã, bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan.
Chị Loan Anh sống ở quận Hoàn Kiếm cho hay, do hay đi chùa, được nghe sư thầy giảng về sự lãng phí khi đốt vàng mã, người đã khuất không nhận được mà thực tế là chúng ta đã đốt đi rất nhiều tiền thật, gây lãng phí không nhỏ. Thay vào đó, các phật tử có thể dùng số tiền đó cho việc phóng sinh, giúp đỡ người nghèo khó. Đó là những việc nghĩa thiết thực nhất.
Bên cạnh việc cúng lễ, thể hiện sự tôn kính với những người đã khuất, mùa Vu lan chúng ta cũng nên có những hành động thực tế đối với bậc sinh thành nhằm báo hiếu cha mẹ.
Nghi thức "Bông hồng cài áo" thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu lan ở các ngôi chùa Việt Nam để tưởng nhớ những bậc cha mẹ đã khuất và tôn vinh cha mẹ còn tại thế. Ai may mắn còn cả cha và mẹ sẽ được cài lên ngực mình đóa hồng đỏ thắm. Ai chỉ còn cha hoặc mẹ, sẽ cài một bông hồng màu hồng, nhắc mình phải trân quý và ai bất hạnh không còn cả cha lẫn mẹ sẽ ngậm ngùi cài bông hoa màu trắng thay cho niềm tiếc thương vô hạn.
Nhưng trên thực tế, giới trẻ ngày nay dường như quên đi những hành động thực tế mà thích "báo hiếu" thông qua những dòng trạng thái mùi mẫn thể hiện trên mạng xã hội, điều đó cần nhưng chưa đủ. Việc báo hiếu cha mẹ nên thể hiện ở những hành động nhỏ hàng ngày, như nói chuyện lễ phép với cha mẹ hỏi thăm sức khỏe, đỡ đần công việc, bên cạnh cha mẹ mỗi khi họ cần. Hoặc đôi khi, chỉ là ngồi cùng cha mẹ, mời họ tách trà ấm cha mẹ cũng đã thấy đủ rồi. Đừng chờ tới lúc không còn cha mẹ nữa, khi đó, dù có dâng cha mẹ mâm cao cỗ đầy cũng còn nhìn thấy họ nữa.