Từ việc trùng tu trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh nghĩ về diện mạo kiến trúc Tòa án ngày nay

Cao Thành Nghiệp (Giám đốc Dự án tu bổ, bảo tồn TAND TP. Hồ Chí Minh)| 16/09/2018 10:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nền tư pháp Việt Nam đang từng bước cải cách, thay đổi để phù hợp với xu thế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong đó, việc thay đổi diện mạo công trình kiến trúc của Tòa án cũng là một lĩnh vực rất đáng quan tâm.

Từ việc tu bổ trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh...

Trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh (Palais de Justice de Saigon thời Pháp và Pháp Đình thời VNCH) được xây dựng năm 1881, đến năm 1885 thì khánh thành. Công trình thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Bourard thiết kế phần kiến trúc và Foulhoux (Kiến trúc sư trưởng Sài Gòn thời bấy giờ) thi công phần trang trí mỹ thuật. Với phong cách kiến trúc theo lối chiết trung được thể hiện trong bố cục công trình tuy đăng đối, nghiêm trang như những công trình hành chính, thể hiện cơ quan quyền lực của chính quyền Pháp như Dinh Norodom ở Sài Gòn, Tòa án Paris ở Pháp, nhưng về mặt hình thức không tuân theo những luật lệ trước đó mà pha trộn giữa cái cũ với cái mới, giữa phương Đông và phương Tây. Hệ thống trang trí hoa văn, họa tiết, phù điêu đắp nổi, trang tường rất nhiều nhưng không khoa trương và thể hiện cách chuyển thể từ câu chuyện quyền lực, công lý.

Tòa nhà gồm 1 trệt và 1 lầu, mỗi tầng cao 6,2m. Mái lợp ngói với độ dốc lớn, kết cấu đỡ mái gồm khung thép và gỗ. Ngoài ra tòa nhà còn có tầng bán hầm để làm kho lưu trữ và phòng lưu phạm nhân trong quá trình xét xử. Mặt bằng tòa nhà với 4 mặt đều có dãy hành lang chạy xung quanh để cách ly, che mưa che nắng, tạo không gian thoáng mát cho các phòng làm việc, đồng thời tạo không gian đi lại giữa nội bộ Tòa án và người ngoài liên hệ công việc. Các chi tiết hành lang, lan can, con triện, cầu thang gỗ, cột tròn Ionic vẫn thường thấy ở các công trình của Pháp xây dựng ở Sài Gòn.

Từ việc trùng tu trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh nghĩ về diện mạo kiến trúc Tòa án ngày nay

 

Bố cục tòa nhà hình chữ công (chữ U) như thường thấy ở các công trình cung điện, chùa chiền ở Việt Nam thời phong kiến. Sở dĩ như vậy vì bố cục này tạo khoảng sân phía trước để công trình không phô trương nhưng uy nghiêm, tạo các không gian tiếp cận giữa các bộ phận được thuận lợi. Đây là yếu tố mang tính bản sắc dân tộc trong kiến trúc ở Việt Nam, người Pháp vận dụng triệt để các yếu tố về hình thái, bản sắc, khí hậu của địa phương vào bên trong công trình Tòa án rất nhuần nhuyễn.

Về màu sắc và vị trí các phòng xét xử trong TAND TP. Hồ Chí Minh cũng rất hợp lý, có tính thẩm mỹ cao. Đối với trụ sở Tòa án, các phòng xét xử là nhân tố chính của công trình kiến trúc. Vì vậy, các phòng xét xử phải nằm ngay tại khu vực sảnh chính để tiện cho công việc xét xử, dẫn giải phạm nhân, các phòng xét xử giống như khán phòng nhà hát hay hội trường nên phải có chiều cao thể hiện quyền lực của thể chế chính trị. Con người trong phòng xét xử, nhất là phạm nhân là những thực thể nhỏ bé đứng trước pháp luật.

Không gian làm việc phải tách biệt với không gian xét xử để tránh tiếng ồn nhưng phải có liên hệ mật thiết để tiện việc đi lại của các cơ quan tham gia tố tụng. Phòng nghị án trong Tòa án phải liên hệ chặt chẽ với phòng xét xử để tiện việc đi lại trực tiếp không thông qua các không gian bên ngoài, tránh giao thông chồng chéo hay tránh tác động của không gian, thời gian, ảnh hưởng tâm lý khi giao thông cùng với các thành phần còn lại trong khu vực xét xử.

Lối lên sảnh chính dẫn giải phạm nhân phải cao, gồm nhiều bậc, bậc cấp cũng cao hơn các bậc đối với lối đi dành cho khu vực đi lại trong khu làm việc để phạm nhân không thể tự di chuyển nhanh được. Qua đó cũng cho thấy tính uy nghiêm của Tòa án. Sảnh chính khu vực phải đủ rộng và cao, cầu thang dẫn lên các phòng trên cũng phải đăng đối và đủ rộng để kết hợp với sảnh chính. Giữa các phòng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm cũng có nét kiến trúc khác biệt nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật đồng thời thể hiện pháp luật cũng có tính khoan hồng.

Ngày nay, nền tư pháp Việt Nam đang từng bước cải cách, thay đổi để phù hợp với xu thế chung của thế giới trong quá trình hội nhập. Trong công tác cải cách tư pháp của Việt Nam ngày nay cũng đã chú tâm tới việc thay đổi diện mạo công trình kiến trúc của Tòa án cấp tỉnh về quy mô khu đất, bố cục công trình, quy định về chiều cao công trình và các lối tiếp cận. TANDTC đang phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng các chỉ tiêu chung, quy định một số giải pháp trong thiết kế trụ sở Tòa án.

… Đến kiến trúc của trụ sở Tòa án

Khi trùng tu, tu bổ trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh, ban đầu các kiến trúc sư chưa phát hiện hết các chi tiết trang trí nằm ẩn bên trong hoặc bị hư hại do thời gian sử dụng quá lâu. Qua nghiên cứu hình ảnh tư liệu cũ đã phát hiện các chi tiết trang trí thể hiện các hình thái kiến trúc biểu hiện qua các câu chuyện pháp luật của Pháp và công tác xét xử của chính quyền Pháp tại Nam kỳ. Việc trang trí đó hay cách bố trí của phòng xử cũng phù hợp với việc bố trí các phòng xét xử hiện nay theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của TANDTC về việc quy định phòng xử án.

Từ việc trùng tu trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh nghĩ về diện mạo kiến trúc Tòa án ngày nay

Bản vẽ thiết kế TAND TP. Hồ Chí Minh

Trong nền tư pháp của Pháp ở Nam kỳ xưa thì trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh là Tòa đại hình, Tòa xét xử cho cả người Tây và người Việt. Tòa có phòng thông ngôn dành cho việc thông dịch đối với người các dân tộc khác và cho người châu Âu phạm pháp ở Nam kỳ.

Các phòng làm việc cho luật sư biện hộ, các phòng thư ký giúp việc phải ở vị trí gần phòng Chánh án. Ngoài ra ở TAND TP. Hồ Chí Minh thời Pháp thuộc có các phòng lưu phạm nhằm mục đích xử các vụ án kéo dài trong ngày mà không phải di chuyển phạm nhân về trại giam nhằm đảm bảo an toàn và không mất thời gian cho di chuyển.

Khu vực dành cho luật sư biện hộ và khu vực người giữ quyền công tố (Viện kiểm sát nhân dân ngày nay) đối diện và cùng ngang hàng với nhau, không có vành móng ngựa trong phòng xét xử. Chỉ có Hội đồng xét xử mới được bố trí trên bục xét xử. Phía sau lưng Hội đồng xét xử trên cao treo Quốc huy.

Phía dưới tầng 1 là phòng xét xử sơ thẩm với hình thức kiến trúc đơn giản nhưng màu sắc tối, nặng nề hơn, thể hiện sự răn đe người phạm tội ở chốn công đường. Phòng xét xử phúc thẩm bố trí trên tầng 2 phải đi qua hệ thống cầu thang và sảnh lớn được bố trí nhiều tượng, tượng trưng cho các bộ luật của Pháp. Hình thức kiến trúc cũng thay đổi, sang trọng, sáng sủa hơn, có nhiều thiên thần được bố trí trên tường, cột thể hiện mong muốn người phạm tội được giảm nhẹ hình phạt hay được các thiên thần minh oan, đây là “cánh cửa cuối cùng” để bị cáo hy vọng mình thoát khỏi tù đày hoặc được giảm nhẹ.

Cổng vào Tòa án là một cổng sắt 4 cánh được nhập từ Pháp bằng thép đúc rất nặng, có thể mở vào trong hay ra ngoài linh hoạt bởi một trụ thép nằm giữa. Trên đầu trụ thép có đèn chiếu sáng cho lối vào ban đêm. Hai bên cổng là hai trụ cột vuông mỗi cạnh 1m. Đập vào mắt là một đầu tượng nữ giới, tượng này thể hiện biểu tượng cuộc cách mạng 1789 của Pháp, nàng Marianne. Chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh nàng Marianne xuất hiện trên mọi tài liệu, văn bản chính thức của Chính phủ Pháp, trên tem thư và các đồng tiền xu. Trên đầu tượng là một con nhân sư ngự trị có đôi cánh thể hiện sức mạnh của pháp luật có thể vươn tới bất cứ nơi đâu. Tượng được đặt trên một cuốn sách thể hiện một văn bản luật, một bộ luật, một kế ước xã hội đặt ra để quản lý con người và mọi hoạt động chi phối trong xã hội. Phía dười cuốn sách là các bông hoa, chi tiết hoa văn thể hiện những bàn tay nâng đỡ cuốn sách (bộ luật) ý nói con người viết nên những bộ luật để quản lý xã hội chứ không phải thần thánh.

Từ việc trùng tu trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh nghĩ về diện mạo kiến trúc Tòa án ngày nay

Trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh  năm 1970

Bên dưới nữa là tượng đầu con sư tử, chúng ta bắt gặp hầu hết trong các cơ quan công quyền của Pháp và châu Âu. Tượng đầu con sư tử với miệng sư tử bị xích lại ý nói quyền lực phải cần được kiểm soát. Dưới cùng là hệ thống họa tiết hoa văn trang trí trong đó có nổi bật hai chi tiết. Bên ngoài trái là một thanh kiếm thể hiện công lý phải được thực thi. Đối xứng thanh kiếm là một cành cây thể hiện sự mềm dẻo trong việc ứng xử của pháp luật (pháp luật có tính khoan hồng). Chi tiết còn lại là hàng chữ RF (Republic France - Cộng hòa Pháp). Tất cả các chi tiết đều đăng đối qua một trục thể hiện tính chính nghĩa, nghiêm minh.

Nổi bật nhất là hệ thống tượng phù điêu trên đỉnh mái đón lối vào tòa nhà hình tam giác với hệ thống các hoa văn, họa tiết, phù điêu. Tiêu biểu là tượng thần công lý tay phải cầm kiếm, tay trái để lên cuốn sách luật (CODE - bộ luật). Tượng hai người ngồi hai bên trong đó người phụ nữ búi tóc cao, tay cầm nón thể hiện người phụ nữ Việt Nam với phong thái nhẹ nhàng, nữ tính, hiền dịu. Tượng người đàn ông đầu đội khăn đóng với nét mặt nghiêm trang chăm chú thể hiện tính chính trực, thẳng thắn, nghiêm trang là những đức tính của người đàn ông. Qua tác phẩm cụm tượng này tác giả muốn nói lên pháp luật ngoài tính nghiêm minh, cần có tính khoan hồng, ngoài việc vận dụng các quy định của pháp luật, trong xét xử cần phải có người dân tham gia.

Đi thẳng vào sảnh có 3 ô cửa chính với các chi tiết hoa văn độc đáo. Các cánh cửa được nhập từ Pháp. Vào bên trong là gian sảnh lớn với hai bên là hai phòng xử sơ thẩm, một bên là phòng xử hình sự, một bên là phi hình sự (dân sự, hành chính…). Chính giữa là cầu thang chính rộng lớn và cao dẫn lên các phòng xử phúc thẩm. Hai bên cầu thang là hai tượng nữ, bên phải là tượng nữ thần công lý cầm kiếm, bên trái là tượng nữ thần đoàn kết. Trên đầu cầu thang là hệ thống các chi tiết hoa văn trong các truyền thuyết thần thoại Hy Lạp tuyệt đẹp…

Từ việc trùng tu trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh, thiết nghĩ khi thiết kế xây dựng các Tòa án cấp tỉnh của Việt Nam cũng nên có phần trang trí phù hợp theo các hình thức kiến trúc của Việt Nam với hình thái, nghệ thuật của dân tộc và thông qua câu chuyện pháp luật trên. Ngoài tính răn đe, giáo dục thì pháp luật còn có tính khoan hồng, do đó kiến trúc của trụ sở Tòa án cần thể hiện được thần thái, đặc trưng của cơ quan xét xử, tinh thần của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ việc trùng tu trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh nghĩ về diện mạo kiến trúc Tòa án ngày nay