Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch COVID-19

Trang Nhi| 20/02/2020 16:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia về truyền thông, dịch bệnh, điều trị sẽ chia sẻ những thông tin mới và góc nhìn cá nhân về chủ đề trên.

CLB Cafe số (Hội Truyền thông số VN) và Báo Giao thông tổ chức tọa đàm về “Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch COVID-19” tại tòa soạn Báo Giao thông, số 2 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Mạnh Cường - Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế  gửi lời cảm ơn báo chí đã đồng hành với ngành y tế, với Chính phủ để truyền thông đến công chúng về dịch bệnh Covid 19. Khi dịch bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Cục Y tế dự phòng đã tiến hành thu thập nghiên cứu tài liệu, Cục khám chữa bệnh ở VN đã lật giở lại nạn dịch SARS để đưa ra phác đồ điều trị, rút kinh nghiệm… đưa ra nhiều hướng để chiến đấu với dịch bệnh.

Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch COVID-19

Quang cảnh buổi toạ đàm

Ông Cường chia sẻ: "Suốt từ 23 tết Nguyên đán đến nay toàn bộ ngành Y tế chưa được nghỉ ngơi. Hệ thống y tế dự phòng đã được kích hoạt ngay lập tức, đưa ra tất cả các kịch bản bệnh có thể phát triển để đưa ra các phương pháp đối phó khác nhau. Quan trọng hơn hết, vai trò điều hành của Chính phủ rất rõ nét, các biện pháp đưa ra rất tổng thể, phối hợp nhịp nhàng các bộ ngành, địa phương để chúng ta đối phó với dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ y tế cơ sở chúng tôi nhận thấy hoạt động của loa phường vô cùng cần thiết, chúng tôi sử dụng từ phương tiện đơn sơ nhất đến phương tiện hiện đại nhất hiện nay. Các đơn vị như Viettel xác lập một tổng đài với 80 điện thoại viên, mỗi ngày nhận 15 nghìn cuộc gọi cần tư vấn về dịch bệnh.  Các ứng dụng như Zalo Việt Nam, App sức khoẻ Việt Nam, DDT giúp thành lập một cổng điện tử mới về dịch bệnh. Đặc biệt, bên cạnh sự giúp đỡ của các công ty viễn thông là sự trợ giúp của các nhà báo, các toà soạn, nhiều cơ quan báo chí mở chuyên mục về dịch bệnh, cập nhật tin thường xuyên".

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ tại toạ đàm: Bệnh COVID-19 mới xuất hiện nên nảy sinh rất nhiều vấn đề về chẩn đoán, xây dựng phương án điều trị ban đầu, càng về sau càng hoàn thiện hơn. Liên tục có các cải tiến mới về chẩn đoán, phác đồ… như chúng ta theo dõi. Nếu không phải người của chuyên ngành sẽ không hiểu, hoang mang trước nhiều thông tin chẩn đoán mỗi ngày một khác nhau. Và bản thân các bác sỹ gặp khó khăn khi truyền tải thông tin từ những kiến thức hàn lâm chuyển tải sang thành kiến thức đại chúng, để người dân hiểu rõ và rành mạch hơn.

Ví dụ như thông tin virut COVID-19 lây qua khí dung, oresol, nếu chúng ta quy ra là lây qua đường không khí sẽ khiến người dân hoảng loạn. Người dân sẽ lẫn lộn với ý thức: lây qua không khí rất nguy hiểm, nhưng hiểu rõ trong môi trường đóng kín, qua giọt bắn giọt nhỏ thì khiến người dân yên tâm hơn. Khoảng cách giữa khái niệm chuyên môn với khái niệm dân dã. Cùng với đó liên tục có sự đổi mới trong chẩn đoán và điều trị, các thông tin đưa ra truyền thông liên tục, tham gia diễn giải để truyền thông đúng áp dụng với cộng đồng, cần xây dựng một mạng lưới đội ngũ chuyển tải được khái niệm theo đúng tinh thần.

Bác sỹ Trần Văn Phúc - Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ: Việt Nam hiện đang thành công trong việc không để dịch bùng phát trên diện rộng, vai trò của truyền thông rất cao, quyết định đến 30% thành công của đợt dịch, sau đó mới đến công tác chẩn đoán, điều trị, chẩn đoán qua hình ảnh.

Bác sỹ Trần Văn Phúc đề cập đến Kế hoạch “Truyền thông nguy cơ” trong tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng: Mọi vấn đề dù khó khăn chúng ta cần giải thích tường minh đến công chúng. Bác sỹ phải đi đầu trong việc cập nhật kiến thức y tế, dựa trên kiến thức đã có, bổ sung thêm những điều mới, hoạch định ra được các biện pháp chẩn đoán điều trị cho bệnh nhân. Do virus liên tục phát triển nên bác sỹ cũng liên tục phải cập nhật thay đổi. Từ đó truyền thông chính xác đến người dân để đạt được hiệu quả cao nhất.

Hiện nay chúng ta đang công khai rất trung thực về dịch bệnh, không giấu giếm hay làm giảm bớt thông tin. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh “tính trung thực” này. Ông Vũ Mạnh Cường - Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế chia sẻ:  "Theo góc nhìn của y tế, truyền thông nguy cơ theo giời than thực. Những thông tin, khuyến nghị, ý kiến của các chuyên gia giúp cho người đang phải đối mặt với lo sợ có quyết định đúng để bảo vệ mình, cũng nhờ vào truyền thông mà tự tin đưa ra quyết định.

Khi dịch bệnh bùng nổ, chúng tôi đề ra nguyên tắc đầu tiên và tối cao nhất là không giấu giếm, công khai trung thực về dịch bệnh, từ số người nhiễm, số người nghi nhiễm… Giữa y tế và truyền thông nếu lệch nhịp sẽ không còn là truyền thông nguy cơ nữa. Qua lần này chúng tôi nhận thấy sự đồng điệu, đồng tâm giữa các bên".

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Chúng tôi nhận được gần 50 lời đề nghị của PV vào khu cách ly chụp ảnh. Nhưng chúng tôi chỉ có trang thiết bị cho số ít. Để giải quyết tình huống đó, các bác sỹ chúng tôi nếu có điều kiện tự ghi lại các hình ảnh trong qúa trình khám chữa bệnh sẽ cung cấp cho truyền thông báo chí hình ảnh tư liệu đó một cách tự nguyện.

Bác sỹ Trần Văn Phúc cho biết thêm: Với tư cách là người đồng hành từ dịch SARS 2003, dịch H1N1… tôi quan sát thấy Việt Nam thực hiện rất tốt việc minh bạch hoá thông tin với toàn dân và thế giới. Điều này đã được ghi nhận và nhận được nhiều sự trợ giúp từ rất nhiều nơi. Có minh bạch hoá thông tin thì các tổ chức trên Thế giới sẵn sàng đồng hành với Việt Nam.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch COVID-19