Tổng cục Hải quan: Đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan, chống gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu

Nguyễn Cúc| 27/12/2019 18:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 27/12, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức Họp báo chuyên đề thông tin về kết quả và các giải pháp trong công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu.

Trong buổi Họp báo, ông Trần Mạnh Cường, Cục phó Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan đã trình bày nội dung chính về chuyên đề thông tin về kết quả và các giải pháp trong công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu.

Theo đó, trong xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới. Các hiệp định quan trọng như Việt Nam - Mỹ, Việt Nam - EU (EVFTA), bên cạnh việc tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thì cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, đặc biệt là việc ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế quan.

Thời gian qua, để lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại, một số doanh nghiệp đã có hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan: Đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan, chống gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan phát biểu tại Họp báo 

Ông Cường nhấn mạnh: “Trước đây, cơ quan Hải quan chủ yếu tập trung kiểm tra ngăn chặn gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu trong thông quan cũng như sau thông quan. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, do căng thẳng thương mại, Mỹ đang áp thuế cao lên nhiều dòng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, cơ quan Hải quan đã tập trung nghiên cứu những phương thức, rủi ro về gian lận giả mạo xuất xứ, lấy xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU”.

Cũng theo đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan, qua công tác thu thập, phân tích thông tin, Cục thấy nổi lên một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vào thị trương Mỹ tăng đột biến, thống kê sơ bộ được 19 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ. Cục đã lập danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ trong phạm vi toàn quốc để tiến hành kiểm tra. Giai đoạn 1, Cục tiến hành làm mẫu để tổng kết kinh nghiệm sau đó giai đoạn 2 sẽ mở rộng chỉ đạo lực lượng kiểm tra sau thông quan toàn quốc tiến hành kiểm tra để kịp thời ngăn chặn hành vi gian lận này.

Sơ bộ bước đầu, Cục phát hiện một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, thành lập năm 2018, thực hiện lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu có hành vi nhập 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện thành sản phẩm hoàn chỉnh; các linh kiện nhập khẩu về Việt Nam không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào khác và xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi. Đối chiếu các quy định, công ty không đủ tiêu chí để xác định là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Công ty đã thừa nhận hành vi vi phạm.

Ngoài ra, trên cơ sở tổng hợp 19 nhóm mặt hàng có rủi ro cao, có kim ngach tăng đột biến vào thị trường Mỹ và EU, Cục đã kiểm tra 9 doanh nghiệp, trong đó, phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ của 4 doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp còn lại, Cục đang tiếp tục củng cố, làm rõ các dấu hiệu vi phạm.

Thông tin thêm tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan chia sẻ về những khó khăn vướng mắc của đơn vị như các doanh nghiệp còn lại có biểu hiện co cụm chống đối, có dấu hiệu bỏ trốn, tẩu tán tài sản khi bị phát hiện sai phạm . Ngoài ra, việc xác định tiêu chí xuất xứ hàng hóa theo tỷ lệ phần trăm giá trị (LVC) của cơ quan hải quan còn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tiễn đó, Cục Kiểm tra sau thông quan đề xuất Bộ Công Thương sớm rà soát và có hướng dẫn cụ thể về việc tự chứng nhận xuất xứ theo quy định; rà soát, sửa đổi và bổ sung các công đoạn gia công chế biến giản đơn để phù hợp với tình hình hiện nay.

Cũng tại buổi Họp báo, các phóng viên cũng đã có những trao đổi với đại diện Tổng cục Hải quan về những thông tin liên quan đến chuyên đề thông tin về kết quả và các giải pháp trong công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục Hải quan: Đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan, chống gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu