Những chiến công thầm lặng

Trung Thành| 21/04/2019 07:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước, có một đội quân tuy không hùng hậu, không có vũ khí, khí tài tối tân, nhưng vẫn lặng thầm chiến đấu, đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực phản động, thù địch chống phá cách mạng.

Đó là những cán bộ chiến sỹ Phòng Bảo vệ an ninh, trực thuộc Cục Chính trị, Bộ đội Biên phòng. Hòa bình lập lại, những người lính quân hàm xanh ấy vẫn luôn phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân

Ngay sau khi thực hiện Hiệp định Giơ ne vơ, các lực lượng vũ trang cách mạng nước ta nghiêm túc thực hiện việc chuyển quân tập kết ra miền Bắc. Song ngay sau đó, cách mạng miền Nam rơi vào thời kì đen tối khi Mỹ - Diệm tiến hành cuộc chiến tranh đơn phương đánh vào các cơ sở cách mạng.

Tình thế bắt buộc Đảng phải chuyển hướng vào hoạt động bí mật, các cán bộ của Đảng phải liên tục di chuyển để tránh sự truy lùng gắt gao của kẻ thù. Các chiến sĩ quân đội, công an được bố trí ở lại vùng địch cùng những quần chúng trung kiên đã dần tập hợp xung quanh các cấp ủy, hình thành lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo...

Để bảo vệ thành quả cách mạng, ngày 3/3/1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT, tiền thân của Bộ đội Biên phòng) được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là trấn áp kịp thời bọn gián điệp, biệt kích, thổ phỉ, cướp biển và các bọn phá hoại khác qua lại hoạt động ở khu vực biên giới, giới tuyến, bờ biển. Đồng thời, lực lượng này cũng bảo vệ đời sống an toàn và của cải của nhân dân, tài sản của Nhà nước, các kho tàng, hợp tác xã, công trường, nông trường, ở khu vực biên giới, chống bọn thổ phỉ, hải phỉ, biệt kích tấn công cướp bóc bất ngờ.

Tại Hội nghị lần thứ 15, vào tháng 11/1959, BCH TƯ Đảng đã đề ra phương châm chiến lược cho cách mạng miền Nam là: “…cơ bản là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, lấy sức mạnh quần chúng nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Phương châm chiến lược đó như  một ngọn đuốc sáng thổi bùng lên một cao trào nổi dậy đồng loạt của nhân dân được lịch sử định danh là cao trào Đồng Khởi.

Những chiến công thầm lặng

Công tác BVAN trong hoạt động đối ngoại quốc phòng luôn được chú trọng

Từ cuối 1959 và lên tới đỉnh cao vào năm 1960, được sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân đứng lên làm chủ nhiều vùng nông thôn, nhiều vùng giải phóng được hình thành và mở rộng. Trong một bản báo cáo gửi Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy vào đầu năm 1961, Cục tình báo Trung ương Mỹ  đã thừa nhận “Chỉ trong 6 tháng cuối năm 1960, tình hình an ninh trong nước – từ miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục ngày càng xấu đi và nay đã lên tới mức nghiêm trọng… Toàn bộ vùng nông thôn ở phía Nam và Tây nam Sài Gòn cũng như một số vùng phía Bắc đã nằm trong quyền kiểm soát rất lớn của Việt Cộng”. Cuộc đồng khởi cũng đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của những chiến sĩ thuộc lực lượng CANDVT.

Đầu năm 1961, Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy với “chiến tranh đặc biệt” đã đưa hàng loạt cố vấn Mỹ vào chiến trường miền Nam. Chúng tham vọng nhanh chóng giành lại nông thôn, bình định các vùng giải phóng và tiêu diệt cách mạng. Chúng điên cuồng dồn dân, lập ấp chiến lược, uy hiếp tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào.

Cũng trong thời kỳ này, các đơn vị CANDVT liên tiếp được thành lập tại hầu khắp các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đây cũng là thời kì mà lực lượng CANDVT bắt đầu những đợt chi viện mạnh mẽ về cả con người cũng như phương tiện  phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Giữ vững an ninh chính trị

Ngay sau khi lực lượng CANDVT được thành lập (3/3/1959), công tác bảo vệ an ninh chính trị được đặc biệt coi trọng. Chính vì thế, Phòng Bảo vệ an ninh (trực thuộc Cục Chính trị, CANDVT) ra đời, vào ngày 23/4/1959. Sau khi thành lập, Phòng Bảo vệ an ninh (BVAN) nhanh chóng ổn định tổ chức để tiến hành các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ an ninh được biên chế như một binh chủng theo mô hình của quân đội, có Phòng BVAN tại cơ quan Bộ Tư lệnh và tại các Cục, các tỉnh, thành phố, nhà trường và các trung đoàn, tiểu đoàn độc lập đều có một cán bộ làm công tác bảo vệ an ninh.

“Thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào hồi cam go, ác liệt, tình hình an ninh chính trị trên các tuyến biên giới, bờ biển vô cùng phức tạp, Phòng BVAN có nhiệm vụ nắm chắc tình hình chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn của địch; quản lý chăt chẽ chất lượng chính trị đầu vào; thẩm tra, xác minh và đề xuất xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn chính trị, thoái hóa biến chất; đảm bảo công tác bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật quân sự và ngăn chặn các hoạt động tình báo, xâm nhập, cài cắm nội bộ; làm tốt công tác cảnh vệ và an ninh đối ngoại; đấu tranh phòng chống vi phạm kỷ luật, pháp luật trong từng đơn vị...”, Đại tá Trần Văn Thoa, Trưởng phòng Bảo vệ an ninh, Cục Chính trị - Bộ đội Biên phòng chia sẻ.

Những chiến công thầm lặng

Phòng BVAN thảo luận kế hoạch bảo vệ các sự kiện quan trọng của BĐBP

Giai đoạn này, Phòng BVAN đã phối hợp với các đơn vị chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất các biện pháp bảo mật, phòng gian, xây dựng cơ quan đơn vị an toàn để ngăn chặn hiệu quả các hoạt động phá hoại của kẻ địch. Cùng với đó, công tác thẩm tra, lịch sử chính trị trong công tác tuyển quân, chiêu sinh đào tạo cán bộ chiến sĩ công tác trong lực lượng cũng được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ đảm bảo tiêu chí “… một lực lượng vũ trang mang đặc thù làm công tác cảnh vệ nên cán bộ chiến sĩ phải được chọn lọc kỹ, phải là những người thật sự tin cậy về chính trị và thông thạo về quân sự…” (Trích Nghị quyết 58/NQ-TW). Đội ngũ cán bộ lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam cũng được Phòng BVAN tham mưu cho Bộ Tư lệnh lựa chọn kỹ lưỡng.

Với yêu cầu nhiệm vụ của thời chiến, nên Phòng BVAN còn chỉ đạo các đơn vị và trực tiếp tham gia nhiều chuyên án, vụ án lớn chống gián điệp biệt kích, tiễu trừ thổ phỉ và các thế lực phản cách mạng, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ hậu phương miền Bắc; đấu tranh trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, chống chiến tranh tâm lý sau ngày miền Nam giải phóng và trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam… góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ vững an ninh chính trị trong Công an nhân dân vũ trang.

Giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Trong thời kỳ hòa bình và xây dựng đất nước, nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác bảo vệ an ninh, Phòng BVAN đã chủ động bám sát nhiệm vụ của mình, từng bước củng cố, xây dựng hoàn thiện tổ chức, chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo và duy trì chặt chẽ chế độ nghiên cứu, dự báo để đề xuất, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP các biện pháp xử lý tình hình liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, an ninh chính trị nội bộ phù hợp với từng giai đoạn, nhiệm vụ hay từng tuyến biên giới.

Đặc biệt, trên mặt trận chống “diễn biến hòa bình”, công tác BVAN đã bảo vệ vững chắc trận địa chính trị tư tưởng, đi sâu tìm hiểu, phát hiện âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch, quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ. Bám sát phương châm “tăng cường đi vào nội địa, đi vào nội bộ, đi vào vùng sâu, vùng xa, đánh ngầm, đánh mềm, đánh sâu, đánh hiểm…” và đặc điểm công tác của BĐBP làm nhiệm vụ phân tán nhỏ lẻ, ở vùng sâu, vùng xa, công tác xây dựng phong trào quần chúng tham gia công tác bảo vệ nội bộ cũng được đẩy mạnh nhằm tạo được nền tảng cơ bản, vững chắc cho công tác BVAN từ cơ sở. Công tác giáo dục, bảo vệ chính trị nội bộ cũng được tiến hành thường xuyên và toàn diện đã tạo nên những chuyển biến cơ bản lực lượng. Đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ có đủ độ tin cậy về chính trị, giữ vững được phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Nội bộ đảm bảo sự đoàn kết thống nhất và giữ được sự ổn định về chính trị và tổ chức.

Bước vào giai đoạn hội nhập, Phòng BVAN đã tăng cường bám sát cơ sở, các địa bàn xung yếu, chiến lược để nắm tình hình, dự báo chính xác tình huống để làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật, an toàn; tích cực đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với chiến lược “diễn biến” và “tự diễn biến, tự chuyển hóa” để bảo vệ nội bộ trong sạch vững mạnh; điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; bảo đảm an ninh, an toàn cho các đối tượng, mục tiêu của công tác cảnh vệ, an ninh kinh tế, đối ngoại quân sự; nghiên cứu khoa học, công tác hậu cần, tài chính,… theo đúng nguyên tắc, quy chế, quy định; từng bước đổi mới đầu tư trang bị, phương tiện làm việc hiện đại, đáp ứng có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động của BĐBP.

Bên cạnh đó, Phòng BVAN thường xuyên làm tốt công tác tham mưu cho các cấp thực hiện nghiêm túc chế độ bảo mật công văn, tài liệu theo quy định của Bộ Quốc phòng. Các cơ quan Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh, Sở Chỉ huy mật khu và các công trình phòng thủ và các đợt diễn tập tác chiến chiến lược được bảo vệ bí mật, an toàn. Ngoài ra, còn đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phỏng đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh và các đơn vị cơ sở, đảm bảo an ninh, an toàn cho các sự kiện đối ngoại quan trọng của quân đội và BĐBP như chương trình “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc”, giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”, “Giao lưu hữu nghị biên giới” Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia…

Có thể nói, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP, công tác BVAN nói chung và Phòng BVAN nói riêng đã có những đóng góp hết sức lặng thầm nhưng vô cùng quan trọng, được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, bằng khen cao quý. Những thành tích đó là sự tinh kết từ chiến công, xương máu và tâm huyết, trí tuệ của nhiều thế hệ. Phát huy truyền thống ấy, cán bộ, chiến sỹ Phòng BVAN đã và đang nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm an ninh, an toàn cho mọi hoạt động của quân đội cũng như BĐBP, góp phần xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng với vai trò nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chiến công thầm lặng