Những “chiến binh” hàng không “bay” vào tâm dịch

Lập Nguyễn| 30/04/2020 07:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã cho thấy tinh thần đoàn kết dân tộc, tình đồng bào trở nên gắn chặt.

Có những con người không ngại dịch bệnh, tình nguyện “lao” vào tâm dịch đón đồng bào về với vòng tay Tổ quốc, và trong số họ cũng có người nhiễm bệnh thêm một lần xung phong thử phác đồ điều trị mới. Họ là những “chiến binh” hàng không trong những chuyến bay về từ tâm dịch đưa người Việt trở về nước.

Những “chiến binh” hàng không “bay” vào tâm dịch

Máy bay Vietnam Airline đưa người trở về từ tâm dịch

Những chuyến bay thắm tình đồng bào

Ngay từ những ngày đầu khi dịch Covid-19, các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc dừng khai thác đầu tiên để ngăn dịch lây lan.

Thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid -19, Vietnam Airlines đã thực hiện chuyến bay đưa hàng cứu trợ đến với nhân dân Trung Quốc và đón công dân Việt Nam đang bị kẹt lại ở Vũ Hán - tâm dịch Corona về nước. 15 thành viên phi hành đoàn, được lựa chọn từ gần 100 phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất tình nguyện, đã hoàn thành nhiệm vụ trở về từ tâm dịch. Chuyến bay còn kết hợp đưa thiết bị y tế Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Trung Quốc chống dịch và đón 30 công dân Việt Nam (gồm các sinh viên và người thân, khách du lịch Việt Nam...) trở về nước an toàn, hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).

Bình thường, tổ bay của tàu A321 có khoảng 7 người, riêng chuyến bay này có 15 người, do phải có thêm kỹ thuật để kiểm tra an toàn tàu bay khi hạ cánh, cất cánh. Phi hành đoàn 15 người chuẩn bị cho hành trình bay 5 tiếng rất chi tiết, cẩn thận, họ phải ăn uống trước khi bay. Tất cả thành viên tổ bay được trang bị đồ bảo hộ y tế kín mít, tương tự như bác sĩ sử dụng chăm sóc bệnh nhân trong phòng cách ly. Và 30 công dân được đón về cũng mặc đồ bảo hộ y tế từ đầu tới chân.

Những câu chuyện về chuyến bay tình nghĩa đó vẫn được kể lại như những anh hùng trong đại dịch – những “chiến binh hàng không” dũng cảm. Họ đã chấp nhận khả năng lây nhiễm virus  cao để đưa đón những người Việt trở về Tổ quốc. Câu chuyện về Đỗ Tùng Lâm (sinh năm 1984), kỹ sư tổ máy bay A321/330 của Vietnam Airlines xung phong tình nguyện được tham gia đoàn bay đã khiến  đồng nghiệp và các cán bộ ngỡ ngàng.

Chuyến bay đến “tâm dịch” lần này có nhiều thách thức bởi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nguy hiểm và đặc biệt trên chuyến bay còn có một thai phụ đã 36 tuần. Chính vì vậy Vietnam Airlines cùng các cơ quan chức năng đã họp đoàn và chuẩn bị rất kỹ lưỡng các kịch bản, tình huống giả định để kịp thời ứng phó cho chuyến đi này. Ngoài phi hành đoàn còn có thêm bác sỹ sản khoa đi cùng để ứng phó.

Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng dù đã 25 năm sát cánh cùng những chuyến bay của Vietnam Airlines, nhưng chuyến bay này cũng phải “cạnh tranh” với một danh sách hơn 33 tiếp viên xung phong, tình nguyện của anh em khác trong đoàn để được là thành viên của tổ tiếp viên tham gia chuyến bay.

Trước khi lên tàu bay, cả đoàn công tác và hành khách đều thực hiện đúng theo yêu cầu của các bác sĩ với đầy đủ đồ phòng hộ y tế đặc chủng và trang thiết bị theo quy định. Anh Phạm Hải Bằng nhớ lại chuyến bay từ “tâm dịch” đầu tiên đó: Tổ tiếp viên 8 người tình nguyện, tổ bay đã chuẩn bị nhiều kịch bản, có giả thiết khách phát bệnh, thậm chí một khách nữ mang bầu 36 tháng có thể trở dạ… trên trời. Trước chuyến bay, tổ tiếp viên được bổ túc nghiệp vụ đỡ đẻ, một khu vực hộ sinh cũng được thiết lập trên tàu bay (rất may chưa phải sử dụng). Khổ nhất, theo anh Bằng, các thành viên tổ bay phải mặc đồ bảo hộ y tế từ Việt Nam, suốt hành trình không bỏ ra. Tổ bay không ăn, không uống và không cả… đi vệ sinh.

Trong suốt hành trình, đoàn tiếp viên phải đi lại quan sát hành khách liên tục và chuẩn bị tất cả các phương án để xử lí khi có tình huống khẩn cấp. Khi chuyến bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, tất cả vỡ oà khi đã rời xa được “tâm dịch” trở về đất mẹ thân yêu. Tất cả những công dân trên chuyến bay đã không kìm được nước mắt trào dâng và chỉ còn biết gửi lời cám ơn, vì dường như họ đã được cứu sống. Chuyến bay từ vùng “tâm dịch” Vũ Hán đã đưa 30 công dân Việt Nam trở về nước an toàn, với những chiến binh hàng không người như Đỗ Tùng Lâm, Phạm Hải Bằng và tất cả phi hành đoàn - họ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Bộ phim” đặc biệt của bệnh nhân… đặc biệt

Một trong những bệnh nhân Covid-19 được xếp diện “đặc biệt” là nữ tiếp viên Vietnam Airlines (BN59) được xác định dương tính SARS-CoV-2 ở lần thứ 4 xét nghiệm. Tính từ khi bắt đầu được cách ly là 8 ngày, còn tính từ lần gần nhất tiếp xúc với bệnh nhân F0 là 12 ngày. Ở tuổi 29, cô cũng là một trong số ít người tình nguyện tham gia thử phác đồ điều trị mới SARS-CoV-2 của Việt Nam. Đó là nữ tiếp viên Lê Thị Quyên (Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines), phục vụ khoang thương gia chuyến bay VN0054 từ London (Anh) về Hà Nội ngày 2/3/2020.

Thời điểm đó, ở Anh dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh. Ngày 6/3, khi ghi nhận bệnh nhân thứ 17 và 21 cùng đi khoang thương gia trên chuyến bay về Việt Nam, Quyên và toàn bộ tổ bay được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả vẫn âm tính. Tới ngày 14/3, với lần xét nghiệm thứ 4, Quyên mới xác định dương tính.

Nữ tiếp viên nhớ lại, khi nhận kết quả dương tính cô vẫn không quá lo lắng, tin vào mình và ngành y tế. Những ngày cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2, nữ tiếp viên trẻ cảm nhận rõ sự căng thẳng, vất vả chống dịch của đội ngũ y, bác sĩ. "Sẵn có virus trong người, mình tự nguyện tham gia thử phác đồ điều trị SARS-CoV-2 mới, Quyên luôn tin vào các y bác sĩ, dù lúc đó không nhiều bệnh nhân đồng ý thử vì ngại rủi ro”, Quyên nhớ lại. Ký tên vào đơn tình nguyện xong cô mới báo cho gia đình. Mẹ phản đối, bố ủng hộ và động viên con gái cố gắng. Quyết định đó của nữ tiếp viên đã được đền đáp, ngày 30/3, cô đã được tuyên bố khỏi bệnh, ra viện.

Giờ đây, Quyên nhớ lại những ngày chiến đấu với SARS-CoV-2 như một bộ phim. Những tập đầu của phim là khoảng thời gian vui vẻ trải nghiệm thời gian cách ly diện F1 từ chuyến bay VN0054. Tập tiếp theo với “nút thắt” của phim dịch bệnh, khi cô nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 dù đã qua 8 ngày cách ly, 14 ngày tính từ khi tiếp xúc với F0 - cảm xúc của Quyên cùng đồng nghiệp bị đẩy lên cao trào. Bộ phim hạ màn khi cô nhận kết quả âm tính một lần nữa sau thời gian tình nguyện thử phác đồ điều trị mới. “Phim kết thúc với cảm xúc vỡ oà, cảm giác chiến thắng dư âm vui sướng khi thử nghiệm hiệu quả. Không chỉ bản thân khỏi bệnh, kết quả thử nghiệm của các y bác sĩ với mình đã mở thêm cơ hội khỏi bệnh cho nhiều người khác. Những ngày mình đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, đọng lại nhiều nhất là cảm nhận tình người, sự sẻ chia từ người thân, đồng nghiệp, bạn bè, các y bác sĩ, thậm chí cả những người không quen biết”, Quyên chia sẻ.

Còn với nữ tiếp viên Nguyễn Công Nguyệt Minh, thực hiện một trong những chuyến bay thường lệ cuối cùng từ Anh về Việt Nam trước khi tạm dừng khai thác, các chuyến bay chỉ đón công dân Việt Nam về (khi đó Việt Nam đã dừng nhập cảnh khách nước ngoài). Kết thúc chuyến bay, Nguyệt Minh và tổ bay phải đi cách ly tập trung 14 ngày. Cô tâm sự, trước khi ra phi trường nhận được tin nhắn của mẹ: “Tình hình dịch bệnh sợ thế này hay xin nghỉ đi con!”. Dù vậy, cô đã không làm điều đó. Cô kể, nếu hỏi rằng có lo không? Tất nhiên lo. Hỏi có sợ không? Tất nhiên có. Nhưng điều cô lo sợ không phải việc đi vào vùng dịch đón đồng bào về có thể bị nhiễm bệnh, vì nếu có bị bệnh thì vẫn tin Việt Nam sẽ chữa khỏi. Điều cô lo sợ là sự kỳ thị, soi xét, tìm đủ mọi lý do đổ lỗi của một số cộng đồng mạng. Không ai muốn mình sẽ thành cái tên tiếp theo đi kèm một con số. Cô hiểu rõ các nguy cơ từ nghề của mình, khi vào vùng dịch, tiếp xúc hàng trăm người tới từ khắp nơi trên thế giới. “Mình không đi sẽ là đồng nghiệp mình lao vào các vùng dịch, mình không thể ích kỷ trốn tránh. Nếu may mắn, hết 14 ngày cách ly lại được về với gia đình, kém may thì mang theo hai chữ… bệnh nhân, nhưng chừng nào đồng bào vẫn muốn về quê mẹ, chúng tôi sẽ đón”, Nguyệt Minh chia sẻ.

“Trên các chuyến bay đường dài mùa dịch, tôi và đồng nghiệp phải đeo khẩu trang, găng tay để bảo vệ cho đồng nghiệp cũng như bảo vệ cho chính mình và tất cả hành khách trên chuyến bay, thời gian sử dụng có khi lên tới 16-18 giờ liên tục. Quá trình đó lặp lại trên chuyến bay về Việt Nam. Điều đó khiến các thành viên tổ bay bị đau tai, mặt trầy xước, tay phồng rộp. Khi máy bay hạ cánh, bạn có thể phải đi thẳng tới khu vực cách ly, chỉ thông báo với gia đình qua điện thoại” – Nữ tiếp viên trưởng Ngọc Trâm (đoàn tiếp viên Vietnam Airlines, chuyên phục vụ đường bay Việt Nam – Đức) chia sẻ.

Với những chuyến bay “đặc biệt” vào những vùng tâm dịch, phi hành đoàn sẽ bị cách ly để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhưng, với những “chiến binh” hàng không, hầu như không có ngày nghỉ nên họ coi đây là những ngày nghỉ “cánh bay”. Cả phi hành đoàn đều coi đây như một cơ hội để nạp năng lượng, sẵn sàng cho những hành trình, thử thách mới trong tương lai. Việc thực hiện chuyến bay này là sứ mệnh, trách nhiệm của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Trên tất cả, họ đã thể hiện tình nghĩa đồng bào, thắt chặt tình đoàn kết, nhân lên tinh thần tương thân tương ái - truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam,đồng thời góp phần hiệp lực cùng nhân dân trong nước sớm dập dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên quy mô toàn cầu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “chiến binh” hàng không “bay” vào tâm dịch