Ký ức về “Đoàn tàu không số”

Huyền Thương| 29/04/2020 23:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn sáu thập kỷ đã trôi qua, thế nhưng những ký ức về tháng năm gian khổ, ác liệt, đấu trí, đấu lực, sinh tử với quân thù của những cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” trong mỗi con tàu, mỗi chuyến đi vẫn không hề phai nhạt.

Mở đường giữa mênh mông sóng nước

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đất nước bị tạm chia làm hai miền, miền Bắc đi lên CNXH, miền Nam nằm dưới sự kiểm soát của kẻ thù. Nhận rõ yêu cầu cấp bách kịp thời chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam chống Mỹ - ngụy, Bộ Chính trị chỉ đạo thành lập hai con đường vận chuyển chiến lược nhằm chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Đó là con đường vận tải xuyên Trường Sơn và con đường vận tải xuyên Biển Đông.

Ngày 15/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 559, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn để vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và ngược lại. Tháng 7/1959, Tiểu đoàn vận tải thủy 603 được thành lập, đóng tại cửa biển sông Gianh (Quảng Bình) với tên gọi là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Thuyền của Tiểu đoàn được ngụy trang giống thuyền đánh cá của ngư dân miền Nam.

Ký ức về “Đoàn tàu không số”

Ông Trần Văn Lịch: “Dù phải hi sinh đến người cuối cùng, chúng tôi quyết không để địch phát hiện ra bí mật của những chiếc tàu không số”

Sau một thời gian tập luyện, thăm dò và chuẩn bị mọi mặt, đêm ba mươi Tết Canh Tý (27/1/1960), chuyến tàu đặc biệt đầu tiên xuất phát, gồm 6 người, chở 5 tấn vũ khí, thuốc men vào chiến trường Khu 5, do Thuyền trưởng Nguyễn Bất chỉ huy đã lên đường. Tuy chuyến vượt biển này không thành công, nhưng đã giúp ta rút ra được nhiều bài học quý về việc lựa chọn phương thức vận chuyển, chọn thời điểm xuất phát, biện pháp đối phó khi đi vào vùng địch kiểm soát… để rút kinh nghiệm cho những chuyến đi sau này giành thắng lợi.

Sau quá trình tìm giải pháp, phương thức vận chuyển phù hợp và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759, sau này trở thành Lữ đoàn 125 thuộc Hải quân Nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển. Bến tàu K15 - điểm xuất phát của đoàn tàu không số huyền thoại cũng được hình thành tại Đồ Sơn.

Vào đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí đã rời bến K15, Đồ Sơn, lên đường đi Cà Mau. Sau 10 ngày lênh đênh ngoài biển khơi, cuối cùng đoàn tàu đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Chuyến đi mang nhiều thắng lợi đó, đa phần cổ động tinh thần chiến đấu của nhân dân trên cả nước. Chuyến đi thành công của tàu Phương Ðông 1 là khởi đầu cho việc khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt khi mở con đường huyền thoại trên Biển Ðông trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Tiếp theo, các con tàu Phương Ðông 2, Phương Ðông 3 và Phương Ðông 4 lần lượt xuất phát, hướng vào Nam, đưa hàng cập bến các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa... Từ những chuyến đi thành công này, đường biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã trở thành hiện thực, củng cố niềm tin của nhân dân miền Nam vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với 6 chiếc thuyền gỗ thô sơ ban đầu và 38 cán bộ, chiến sỹ làm nòng cốt trong ngày đầu thành lập, trong 14 năm thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường biển mang tên Bác, Đoàn vận tải biển 759 đã phát triển thành một binh đoàn vận tải chiến lược trên biển, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi. Những người lính vận tải biển đã hoạt động khắp các tỉnh ven biển miền Nam, len lỏi vào chiến trường Khu 5 khốc liệt, vào tận cửa ngõ Sài Gòn, đến tận cùng đất nước để vận chuyển vũ khí, trang thiết bị cho các chiến trường.

Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tàu

Sáu thập kỷ đã trôi qua, kể từ ngày Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời, những ký ức về tháng năm gian khổ, ác liệt, đấu trí, đấu lực, sinh tử với quân thù của những cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” trong mỗi con tàu, mỗi chuyến đi... không thể nào phai nhạt. Đặc biệt, đối với Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Đức (quê ở Phú Khánh, Thạnh Phú, Bến Tre), nguyên Tham mưu phó Lữ đoàn 125 Hải quân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 5, TP. Hồ Chí Minh thì những tháng ngày làm nhiệm vụ trên Đoàn tàu không số mãi mãi là dấu ấn đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. 

Được sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống, năm 1957, mới 16 tuổi, ông Nguyễn Văn Đức đã tham gia cách mạng và được tổ chức phân công làm nhiệm vụ liên lạc bí mật ở địa phương. Đến năm 1960, ông tham gia đồng khởi Bến Tre rồi được giao nhiệm vụ làm Bí thư Đoàn xã Thạnh Phong.

Ngày 01/6/1960, Khu ủy Bến Tre tổ chức cho một bộ phận sử dụng 2 chiếc thuyền gỗ vượt biển ra miền Bắc để trinh sát và nắm bắt quy luật hoạt động trên biển của địch, đồng thời ra Trung ương báo cáo phong trào cách mạng ở Bến Tre và xin vũ khí cho miền Nam đánh giặc. Ông Đức là một trong 5 thuyền viên nhận nhiệm vụ đi chuyến đầu tiên ra miền Bắc của tỉnh Bến Tre năm ấy.

Sau chuyến đi này, tháng 10/1962 ông Đức được điều sang Tàu “Phương Đông 4” – đây là một trong 4 con tàu gỗ đóng thí điểm đầu tiên có thể chở được 30 tấn vũ khí chi viện cho miền Nam đánh Mỹ của Đoàn 759. Trong khoảng thời gian từ năm 1962 – 1974, ông Đức đã thực hiện 14 chuyến đi thắng lợi trên nhiều con tàu không số khác nhau. Tuy nhiên, ông và đồng đội cũng phải chấp nhận nhiều chuyến đi phải mang vũ khí quay về do bị địch bao vây phong tỏa. Trong đó có chuyến tàu của ông phải đánh nhau với địch và buộc phải hủy tàu để giữ bí mật của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông Đức từng 5 lần được tặng thưởng Huân chương chiến công và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2015.

Lý giải chuyện có tên gọi “Đoàn tàu không số”, ông Đức cho biết: “Tàu không số không phải vì không có số mà có rất nhiều số, gọi như vậy là để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt. Những chiếc tàu làm nhiệm vụ phải cải trang thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển”.

Ngày ấy, để giữ bí mật, những chuyến tàu không số thường chọn lúc thời tiết sóng to, gió lớn để ra khơi. Những thủy thủ tàu đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Tuy còn rất trẻ, nhưng trước khi lên đường làm nhiệm vụ đã xác định tư tưởng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tàu, hàng hóa vận chuyển và bí mật của con đường. Để chèo lái con thuyền và che mặt kẻ thù, các thủy thủ đều phải cải trang thành những dân buôn, người đánh cá, khách đi tàu... Có những người thủy thủ của tàu không số dù chưa một lần đi bằng đường biển từ Bắc vào Nam, không có bản đồ hành trình... nhưng vẫn đưa được những con tàu cập bến an toàn.

Những chuyến tàu cảm tử

Kể từ ngày con đường Hồ Chí Minh trên biển được “khai sinh”, cán bộ, thủy thủ Đoàn tàu không số đã âm thầm hy sinh tình cảm hậu phương, gia đình và bản thân, xác định ra đi là cảm tử, chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách, quyết tâm đưa được hàng tới bến.

Những chiến sĩ trên những con “tàu không số” phải thường xuyên đối mặt không chỉ với dông bão, sóng dữ của biển cả, mà còn phải đối phó với những âm mưu, hành động ngăn chặn, đánh phá ác liệt của quân thù; mưu trí dũng cảm trong từng cử chỉ, hành động để tìm cách đưa những con tàu đến đích. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách; ra đi là xác định cảm tử với con tàu và chuyến hàng.

Ký ức về “Đoàn tàu không số”

Tàu không số trên đường vận chuyển hàng hóa và vũ khí vào chiến trường miền Nam

Cứ thế, suốt 14 năm ròng, từ 1961-1975, những con tàu không số́ đã cùng hàng nghìn chiến sỹ dũng cảm, kiên cường đi liên tục 2.047 chuyến, vận chuyển 150.000 tấn vũ khí, 80.000 lượt cán bộ, chiến sĩ ra Bắc vào Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại không chỉ với những người lính kiên trung mà còn là điểm mù bí ẩn không thể lý giải với quân địch. Bắt đầu hành trình, mỗi tàu không số đều được gắn thuốc nổ, mỗi chuyến đi như một lần truy điệu.

14 năm, những chuyến tàu không số huyền thoại đã làm tròn nhiệm vụ của mình, góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng miền Nam. Có những người sống mãi tuổi hai mươi, có những người trở về nhưng vẫn không thể nguôi đi sự tiếc thương trong sâu thẳm tâm hồn khi nhớ về những người đồng đội năm xưa.

Ông Trần Văn Lịch, Ủy viên BCH Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, nguyên thủy thủ của Đoàn tàu không số kể: Khi tham gia vận chuyển vũ khí vào Nam, giai đoạn đầu, tàu đi gần bờ, sau này việc đi lại trên biển rất khó khăn do quân Mỹ đã phong tỏa các cửa biển nên tàu phải đi xa bờ, vì vậy thời gian vận chuyển kéo dài hơn. Trong đó, những con tàu không số ấy đều mang theo một tấn thuốc nổ TNT được bí mật để ở đầu và đuôi tàu. Nếu không may bị địch phát hiện thì toàn bộ thuốc nổ TNT trang bị trên tàu sẽ được kích nổ, những người lính luôn chuẩn bị tinh thần quyết hy sinh chứ không để tàu rơi vào tay giặc làm lộ bí mật.

“Chúng tôi đều tự nhủ với nhau là dù phải hi sinh đến người cuối cùng cũng không bao giờ để địch phát hiện ra bí mật của những chiếc tàu không số. Những người lính như chúng tôi khi ấy mang trong mình niềm tự hào khi được lãnh trách nhiệm lịch sử của dân tộc, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”, ông Lịch chia sẻ.

Tính đến giờ, đã có 11 tàu và 20 cá nhân Đoàn tàu không số được phong tặng đơn vị, cá nhân Anh hùng Lực lượng Vũ trang; 1.050 tập thể, cá nhân được tặng thưởng, Huân chương Quân công, Chiến công, Chiến sỹ Giải phóng các hạng. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Chủ tịch nước đã trao tặng cán bộ chiến sĩ Đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125 Hải quân) Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước để ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc của đơn vị trong kháng chiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức về “Đoàn tàu không số”