Kích hoạt cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4

Văn Hoàng| 18/10/2020 12:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mưa lũ, sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, việc kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro lên cấp 4, mức cảnh báo gần cao nhất để huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân.

Sáng 18/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp bàn các phương án ứng phó với mưa lũ ở miền Trung. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến chủ trì cuộc họp.

Hiện nay, lũ đã vượt lịch sử và mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Trung Bộ, đặc biệt mưa lũ, sạt lở tại Quảng Trị còn diễn biến phức tạp và khó lường.

Kích hoạt cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4

Vụ sạt lở đất nghiêm trọng sáng 18/10 tại Quảng Trị. Ảnh CTV

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, việc kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất lên cấp 4, mức cảnh báo gần cao nhất để huy động sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân.

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến yêu cầu các địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện Điện của thường trực Ban Bí thư đảm bảo thiết thực, hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.

Chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương.

Tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp; rà soát xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ về lương thực, thuốc, hóa chất xử lý nước, khử khuẩn, xử lý môi trường và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương và phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất diện rộng tiếp tục diễn ra, ngoài các khu vực đã và đang bị ảnh hưởng thì khu vực bắc Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh là khu vực trong tâm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngập lụt sâu, sạt lở, lũ quét từ nay đến ngày 20/10.

Nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi vừa và nhỏ, các hồ chứa xung yếu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Ngoài ra, các khu vực miền núi các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tuy mưa đã giảm nhưng nguy cơ sạt lở dất ở vùng núi vẫn rất cao, do đất đá đã bão hòa nước và nước rút gây sạt lở bờ sông.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kích hoạt cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4