Khúc tráng ca nơi đại ngàn Tây Bắc

Nam Hoàng| 29/04/2020 08:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên khắp dải đất hình chữ S, có hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước tặng hoặc truy tặng vì có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong số ngàn vạn “bà mẹ nghìn năm của nước non” ấy có không ít bà mẹ là người dân tộc thiểu số tiễn chồng con ra trận, rồi đau đớn đón nhận hung tin, khắc khoải sống cho tới ngày khuất bóng. Tôi đã từng gặp nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng như thế, giữa khuất lấp bốn bề sương giăng núi phủ.

Khúc tráng ca nơi đại ngàn Tây Bắc

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Khờ Pớ 

Bản nghèo nuôi những anh hùng

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có hàng ngàn, hàng vạn người con của Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hăng hái lên đường nhập ngũ, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh. Sự mất mát đó, mãi là vết thương cắt cứa, khó lành, đeo đẳng trong suốt phần đời còn lại trong lòng của những người mẹ trên núi cao, như trường hợp của mẹ Lý Khờ Pớ (SN 1921, mất ngày 16/1/2014, người dân tộc Hà Nhì ở bản Lò Ma, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).

Truyền thuyết kể rằng, xa xưa có một con voi đã đi qua vùng đất Ka Lăng, thấy đồi núi nhấp nhô nhưng khí hậu mát lành thì dừng lại đằm mình trong một vũng nước. Khi nó đứng dậy bỏ đi thì vũng nước đằm trở thành một khu ruộng trũng phì nhiêu, nuôi lớn cây lúa, cây đậu trở thành nguồn lương thực chính cho người Hà Nhì sống trong vùng. Chính vùng đất thiêng này đã kết tinh thành hào khí của núi rừng. Người Hà Nhì sống ở đây đàn ông thì gan dạ, đàn bà thì đảm đang, cả đời chỉ biết cúi đầu bái lạy tổ tiên chứ chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục kẻ thù, trong đó có gia đình mẹ Lý Khờ Pớ.

Như bao người phụ nữ Hà Nhì khác, cuộc đời mẹ Pớ quanh năm đói khổ, phải đào củ mài, củ nâu đắp đậy qua ngày. Mẹ sinh được 2 con nhưng chỉ nuôi được mình anh Lý Hừ Po. Sinh con đã khó, nuôi con còn khó nhọc gấp nhiều lần. Dù vậy, mẹ vẫn cố tần tảo để cho anh đi học. Nhờ biết được con chữ, anh Lý Hờ Po mới biết Tổ quốc Việt Nam trải dài từ những mỏm đá nơi biên cương bắc ải Hà Giang cho đến kênh rạch nơi xóm mũi Cà Mau. Và, cũng nhờ những con chữ, chàng trai Hà Nhì ở vùng đất Ka Lăng mù sương xa xôi mới biết đất nước mình gồm mấy mươi dân tộc anh em và một nửa trong số đó còn đang phải chịu sống trong bom đạn chiến tranh, tận cùng lầm than, đói khổ.

Mong muốn được đi chiến đấu để đất nước không còn bị chia cắt, non sông liền một dải, để mấy mươi dân tộc anh em cùng được sống trong hòa bình, thống nhất, Lý Hờ Po làm đơn xin vào bộ đội. Sau khi tạm biệt mẹ, tạm biệt người yêu là một cô gái Hà Nhì, tên là Hà Pứ, người cùng bản, anh lên đường đi đánh giặc vào tháng 12/1967. Sau thời gian huấn luyện, anh Po được điều vào chiến đấu tại mặt trận Tây Nam và hy sinh vào ngày 14/4/1971.

Khi giấy báo tử của anh Po được cán bộ mang về, mẹ hỏi: “Thế con trai tôi đang nằm ở đâu?”. Tất cả đều im lặng. Mẹ hiểu điều đó cũng có nghĩa là không ai biết. Mẹ đành tự an ủi: “Nó cũng chẳng thể cô đơn, bởi xung quanh nó còn đồng đội”. Cô gái Hà Nhì biết tin đã chạy đến ôm chầm lấy mẹ Pớ khóc vùi. Nước mắt hai người đàn bà lẫn trong tiếng gió rừng. Mặc cho lòng đau như cắt, nhưng mẹ Pớ không muốn bà con trong bản có con đang cầm súng nao núng, mẹ đã cắm một cành cây xanh trước cửa như đồng bào vẫn làm để muốn thông báo rằng đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ.

 Vâng, “Xin đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ”, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, không mấy người được tận mắt thấy chùm lá xanh buộc trước cửa nhà, nhưng ai nấy đều rưng rưng nước mắt khi nghĩ về nỗi đau và sự can trường của mẹ. Tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng trong gian phòng khách nhà mẹ chỉ có vài thông tin giản lược: “Liệt sĩ Lý Hờ Po sinh năm 1949. Nhập ngũ tháng 12.1967. Hy sinh ngày 14.4.1971, ở Mặt trận phía Tây”. Anh hi sinh mà chưa kịp có một tấm ảnh để thờ, cũng không còn để lại vật kỷ niệm nào. Mẹ bảo hồi anh Po đi bộ đội cũng có viết thư về cho mẹ, mẹ giữ gìn cẩn thận cùng quần áo, sách vở của anh. Nhưng có bận nhà ở Ka Lăng bị cháy nên chẳng còn lại thứ gì.

Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai thì vào năm 1979, chồng của mẹ Lý Khờ Pớ cũng đột ngột qua đời. Nước mắt sau chan vào nước mắt trước. Chỉ trong vòng chưa đến chục năm, mẹ đã mất đi hai người thân yêu nhất. Từ bấy, mẹ sống lặng lẽ trong căn nhà lá nằm hiu hắt ngoài rìa bản Lò Ma. Mỗi bữa cơm, mẹ vẫn thường lấy thừa ra hai chiếc bát, đặt nghiêm ngắn trên mâm như chờ đợi ai về…

Sáng mãi tinh thần yêu nước

Từ Lai Châu, chúng tôi vòng qua Điện Biên rồi về bản Sao Tua, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ở đó có một Bà mẹ VNAH, một liệt sĩ đã khuất núi từ những ngày chống Mỹ, nhưng sự nghiệp cách mạng của mẹ cùng con trai mẹ mấy mươi năm qua vẫn còn được các thế hệ sau nhắc nhớ. Đó là mẹ Mùi Thị Dậu, người dân tộc Mường, mẹ của liệt sỹ Mùa Văn Chính.

Từ năm 1996, mẹ đã được Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La đón về phụng dưỡng. Mỗi khi chiều xuống, mẹ lại lần ra ban công nhìn về phía quê nhà, gương mặt tĩnh lặng nhưng đôi tay cứ miết mải trên mặt tường xi măng đã cho thấy lòng mẹ bồn chồn nhiều lắm. Biết mẹ nhớ rừng, nhớ bản nên lâu lâu đơn vị lại cử người đưa mẹ về quê một chuyến cho thỏa lòng. Lúc bấy giờ mẹ đã 93, tôi băn khoăn mãi vì không biết mẹ có đủ sức khỏe để vượt chừng ấy đường đất để về lại Sao Tua nữa hay không?

Khúc tráng ca nơi đại ngàn Tây Bắc

Mẹ Việt Nam Anh hùng Mùi Thị Dậu lúc còn sống 

Bước đi của mẹ Dậu đã khá nặng nề. Dẫu là con đường trong khuôn viên Khách sạn Công đoàn được lát gạch men, phẳng lì nhưng dáng mẹ vẫn tấp tểnh, gò lưng xuống mà đi như đang đi đường núi vậy. Mẹ bảo, mẹ đi đường rừng quen rồi, giờ đi đường bằng thấy khó khăn quá, nó cứ chung chiêng như đưa võng. Câu nói của mẹ khiến người nghe không khỏi chạnh lòng. Mẹ cũng như trăm ngàn người phụ nữ vùng cao khác, cả đời tất bật, cắm cúi ruộng nương nên cái lưng cứ còng xuống mãi. Vậy mà các mẹ, những người phụ nữ bình dị cả đời không bước chân ra khỏi bản nghèo ấy đã dâng hiến biết bao đứa con của mình cho đất nước.

Liệt sỹ Mùi Văn Chính, nhập ngũ năm 1966, năm 1969 hy sinh tại chiến trường Mường Sủi, tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Năm 1995, mẹ Mùi Thị Dậu được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và vinh dự đón nhận Huân chương kháng chiến Hạng 2, Huy chương vì sự nghiệp Xây dựng và phát triển Sơn La cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đó là những thông tin tôi có được khi tham quan bảo tàng tỉnh Sơn La, còn bên mẹ, mẹ chỉ kể quê mẹ cách Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La gần 200 cây số, nằm bên dòng Đà giang thẳm dốc. Muốn về bản Sao Tua thì phải đi thuyền bởi đường bộ ô tô chưa vào được. Ở đó mẹ còn có một nếp sàn nhỏ, có bàn thờ ông bà, tổ tiên và vợ chồng đứa con gái nuôi mẹ nhận khi cậu con trai độc nhất của mẹ lên 8 tuổi. Cái cộng đồng bé nhỏ nơi xa xôi ấy đã gắn bó, hòa quyện với nhau bao đời luôn là miền ký ức trong trẻo của mẹ, là nơi lưu giữ niềm vui lẫn nỗi đau của mẹ.

Khi chàng thanh niên Mùi Văn Chính được lệnh nhập ngũ, lên đường đi chiến đấu, lòng mẹ đầy giằng xé, trăn trở bởi mẹ biết, khi đất nước bị xâm lăng, chia cắt, con trai mẹ phải lên đường cứu nước, như bao chàng trai Mường năm xưa đã từng đi chiến đấu để giữ yên bản Mường.

Nhưng nơi chiến trường hòn tên mũi đạn, biết con trai mẹ có được yên bình trở về?! Và dự cảm của người mẹ đã đúng. Anh Mùi Văn Chính đã vĩnh viễn nằm lại ngoài mặt trận phía Tây.

Mặt trận phía Tây là ở đâu?! Tờ giấy báo tử từ chiến trường về Hà Nội, rồi từ Hà Nội ngược hàng trăm kilomet đường đèo để đến với bản nghèo khuất nẻo Mộc Châu chỉ vỏn vẹn có chừng ấy thông tin. Từ bản Mường Sao Tua xa xôi, mẹ làm sao biết đất nước mình dài rộng chừng nào, làm sao theo dấu chân con mình trên đường đánh giặc. Mẹ đành chiều chiều ngồi quay sợi ở đầu sàn, mắt dõi về phía Tây để được thấy gần nơi con nằm hơn một chút. Ở tuổi “gần đất xa trời”, mơ ước lớn nhất của mẹ là đi thăm Bác Hồ và đưa hài cốt anh Chính về quy tập ở nghĩa trang. Bác Hồ thì mẹ đã được đi thăm, còn anh Chính thì vẫn chưa về với mẹ.

Rất may là sau đó tập thể Khách sạn Công đoàn tỉnh Sơn La đã quyết tâm đi tìm hài cốt của anh Chính để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của mẹ Mùi Thị Dậu. Tuy hành trình ấy vô cùng khó nhọc, phải xuyên qua lớp lớp bụi thời gian, thế nhưng cuối cùng “trời không phụ lòng người”, từ những thông tin nhỏ nhoi trong tờ giấy báo tử, người ta đã tìm được và đưa hài cốt anh Mùi Văn Chính về quê hương. Niềm đau đáu của mẹ Dậu chính thức được giải tỏa.

Mới đây, mẹ Mùi Thị Dậu đã mất và được đưa về an táng tại quê nhà ở bản Sao Tua. Nơi an nghỉ của mẹ và những người thân trong gia đình từ nay sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục cho các thế hệ trẻ huyện Mộc Châu.

Trước đó, vào ngày 16/1/2014, mẹ Lý Khờ Pớ cũng đã rời cõi tạm. Vậy là giờ cả hai mẹ, Mùi Thị Dần và mẹ Lý Khờ Pớ đã vĩnh viễn yên nghỉ giữa lòng đất quê hương. Nhưng sự hy sinh, tinh thần yêu nước của hai “bà mẹ nghìn năm của nước non” ấy sẽ còn mãi vang như một khúc ca tráng tuyệt giữa núi rừng Tây Bắc mù xa... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khúc tráng ca nơi đại ngàn Tây Bắc