Từ ngàn xưa, thẳm sâu trong các bản làng vùng sâu vùng xa, biên giới vẫn tồn tại những lời đồn thổi về sức mạnh của ma tà bùa ngải, đặc biệt là bùa yêu. Và, nhiều câu chuyện bi hài, dở khóc dở cười cũng bắt đầu từ niềm tin mê mụ đó.
Đa dạng các loại bùa
Trong tất cả những câu chuyện nhuốm màu hoang đường về bùa ngải thì dường như thứ được gọi là “bùa yêu” có sức lôi cuốn nhất. Những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai liên quan đến loại bùa này người ta có thể được nghe kể ở hầu khắp các bản làng vùng sâu vùng xa, biên giới. Thậm chí có người còn khẳng định rằng bất cứ ai không may “dính” phải loại bùa này sẽ “sống dở chết dở” vì yêu. Chỉ cần bị cấm cản hoặc thậm chí chỉ cần vài ngày không gặp cũng có thể lên cơn điên loạn. Nếu một trong hai người, người bị bỏ và người bỏ bùa, không may chết đi thì người còn lại sẽ phải đến nhờ chính ông thầy đã cho bùa để cắt duyên mới mong thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Theo bà Giàng Thị Mia (78 tuổi), một người thuộc rất nhiều câu chuyện về bùa yêu của người Mông ở Nậm Pồ, Điện Biên thì "bùa yêu" chỉ có hai dạng. Dạng thứ nhất, sử dụng thuốc để bắt người khác phải yêu mình, quấn quýt với mình. Cách này chỉ có tác dụng tức thời, tối đa là vài tháng, sau đó thuốc không còn tác dụng. Thường thì người bỏ "bùa yêu" cho thuốc (thuốc là một thứ bột cực mịn được chế biến từ các rễ cây, chỉ có người trong nghề mới biết) vào áo sau đó rũ áo này trước mặt người cần bỏ bùa. Chỉ cần ngửi, hít phải loại bột này, người đó lập tức trở nên lú lẫn, làm việc một cách vô thức theo những gì người khác chỉ bảo.
Dạng "bùa yêu" thứ hai ít gặp hơn, người bỏ bùa đòi hỏi phải có "phép thuật" cao. "Phép thuật" là một quá trình dày công tu luyện, vận động, điều hòa khí ở trong cơ thể của mình, đến lúc khí này khi được vận ra nó có sức mạnh như một dòng điện ở dạng vô hình... Người bỏ bùa chỉ cần nhìn vào mắt của người mà họ cần bỏ, lập tức người này không còn làm chủ được bản thân, đi theo sự lôi kéo, đề nghị của người kia.
Trái với bùa yêu của người Mường là cần phải lấy được một vật thân thuộc của đối tượng, như áo, chiếc lược, thỏi son, đôi dép... bùa yêu của người Mông có loại để yểm vào những đồ vật thân thuộc đó chứ không cần lấy nó. Tuy nhiên, người Mông có một loại bùa có sức mạnh hơn bùa của người Mường. Đó là bùa yêu bằng mọi thứ.
Bà Mia: “Giờ không ai còn tin vào bùa yêu nữa”
Cái bùa này không cần phải vật thân thuộc của đối tượng mà chỉ cần một nắm muối, cốc nước, chén chè, chén rượu, một cái kẹo, thậm chí một cành cây, viên đá, sỏi cũng có thể làm đối tượng si mê không dứt ra được.
Khi đã "dính" bùa, đối tượng sẽ tự tìm đến người thả bùa. Chỉ cần một ngày mà không nhìn thấy, người bị "dính" bùa sẽ đứng ngồi không yên, bồn chồn và tìm đủ mọi cách để đến với người thả bùa. Người đó sẽ không thể làm chủ được lý trí, mọi sự tác động bên ngoài đều không thể chia lìa họ. Họ sẽ nên vợ nên chồng bởi sự kết mối, se duyên của bùa yêu.
Mất mạng vì bùa?
“Người bị yểm bùa yêu không thể nào bỏ nhau được nếu không được chính thầy phá bùa. Ngay cả khi hai người đã là vợ chồng thì hai người cũng không hề rời xa nhau dù chỉ vài ngày. Nếu vượt giới hạn, cả hai người có thể bị nổi cơn, biến thành điên dại vì nhớ nhau. Chính vì vậy, người chồng hoặc người vợ có chuyện phải đi xa vài ngày thì người thả bùa phải đến xin "thầy" bùa hóa giải. Lễ vật hóa giải gồm một con gà hoặc vịt và thịt lợn để "thầy" tạm hoãn ma lực của bùa yêu. Còn nếu muốn phá hủy bùa yêu hoàn toàn thì cần cúng "thầy" một con lợn, cộng thêm con gà hoặc con vịt. Khi đã phá hẳn bùa thì họ có thể ly hôn và đi thêm bước nữa", bà Mia kể.
Theo sự lý giải của bà Mia, đối với những người nắm giữ phương pháp bùa thì việc "bùa yêu" cũng giống như cách chữa bệnh. Chỉ cần một chén rượu hoặc một chén nước đưa lên ngang miệng hà hơi, truyền một xung lực năng lượng huyền bí vào chén nước mà thổi vào người bệnh thì họ sẽ rơi vào trạng thái mất lý trí và không cảm thấy đau. Và, thày vừa có thể dùng đến “nguồn năng lực siêu nhiên” để luyện bùa yêu.
Đã có rất nhiều những câu chuyện bi hài lẫn ai oán liên quan đến "bùa yêu" của đồng bào dân tộc, đặc biệt là người Mông. Đến giờ, người dân ở dọc biên giới Việt - Lào của huyện Nậm Pồ vẫn còn truyền tụng về một câu chuyện kỳ bí liên quan đến bùa yêu. Đó là chuyện tình của anh Sùng A Khản và chị Giàng Thị Bia ở Nà Bủng. Họ đang yêu nhau tha thiết, nhưng rất bất ngờ, chị Bia bỗng bỏ người yêu để đi lấy một người khác.
Đó là anh M, người học cùng thời phổ thông và thầm thương trộm nhớ chị Bia nhưng không được đáp lại tình cảm. Quyết giành “người tình trong mộng” cho bằng được, anh chàng này đã tìm đến nhờ một "thầy" cao tay về "bùa yêu" ở xã bên. Sau đó một thời gian, những người dân sống cạnh đó bỗng nhiên thấy chị Bia thường xuyên tìm đến nhà M. Mỗi khi thấy gia đình anh có việc, Bia đều có mặt để nấu cơm, rửa bát và phụ giúp mọi công việc khác của gia đình.
Vài tuần sau, anh M đòi bố mẹ đem sính lễ đến hỏi cưới Bia về làm vợ. Anh Khản biết chuyện anh M đã thả bùa yêu đối với người yêu của mình nên ra sức can ngăn. Nhưng lời nói của anh, chị B vẫn để ngoài tai, cô nhất mực đòi lấy anh M làm chồng. Thất tình, Khản đã ăn lá ngón tự tử. Thấy vậy, Bia mới về vặn hỏi M. Tưởng rằng hai người đã thành vợ chồng thì cũng không cần giấu nữa nên M đã nói hết mọi chuyện với vợ. Hôm sau, người chồng phát hiện vợ mình đã chết trong tay vẫn cầm một lọ thuốc sâu.
Rũ bỏ cơn mê
Tin vào bùa như vậy nhưng phần lớn đồng bào đều cho rằng nếu hai người nhờ bùa yêu mà nên vợ, thành chồng sẽ không thể nào sống hạnh phúc đến suốt đời. Nếu một trong hai người chết đi, người còn sống mà không tìm được chính người đã yểm bùa thì người này cũng sẽ chết chỉ trong vòng một tuần.
Trai gái người Mông giờ tự do tìm hiểu, yêu đương, không còn bị ép buộc trong chuyện hôn nhân
Đến giờ, nhiều người dân ở Mường Chà vẫn còn truyền nhau câu chuyện về “thiên tình sử” của ông Sùng A Ph và bà Giàng Thị M ở Huổi Ho. Thời còn trẻ, ông Ph rất thích bà M. Ngay cả khi bà M đi yêu người ở xã khác nhưng ông Ph vẫn theo đuổi. Được tin bà M sắp làm đám cưới với người yêu. Ông Ph liền tìm nhờ ông thầy "mằn" cao tay nhất vùng để lấy được người mình thương. Theo những người dân nơi đây cho biết, họ rất bất ngờ khi biết bà M bỏ người yêu và lấy ông Ph.
Cuộc sống của họ cứ êm đềm trôi, rồi sinh con đẻ cái, sống bình lặng bên xó núi hiu hắt. Bà vợ chết được một tuần thì thấy người chồng cũng chết. Những người dân nơi đây cho rằng, do người chồng thả bùa yêu nên họ mới đến được với nhau. Khi bà vợ chết, người chồng không còn cách nào để phá bùa vì ông thầy "mằn" cũng đã chết nên chết theo. Nhưng sự thật là cả hai vợ chồng ông Ph và bà M mất là do tuổi cao và bệnh tật.
Theo thời gian, đồng bào cũng dần đúc kết được những bài học quý giá, không những các cặp nên vợ thành chồng nhờ bùa yêu sống không hạnh phúc mà chính thầy "mằn" cũng có kết cục không tốt. Họ cho rằng đó là quy luật nhân quả: "Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước", đời cha làm nhiều tội lỗi thì đến đời con sẽ phải gánh chịu sự trừng phạt. Việc làm bùa yêu còn ít ảnh hưởng, chứ việc làm bùa ác thì tích tụ nghiệp chướng cho con cháu càng lớn.
Con cái họ sinh ra sẽ chịu báo ứng. Có trường hợp, ông thầy "mằn" đã se quá nhiều mối duyên dở dang, hai người con trai đi lấy vợ đều không ai có khả năng sinh con. Những câu chuyện đó như là bài học để những người dân răn đe nhau không làm công việc se duyên tội lỗi đó nữa.
Mấy năm gần đây, nhờ được sự tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể, trình độ hiểu biết của đồng bào, đặc biệt là đồng bào Mông sinh sống dọc biên giới Việt - Lào đã nâng lên rõ rệt. Những hủ tục hay lối suy nghĩ mang đậm màu sắc mê tín dị đoan đã giảm. Thậm chí, có những bản làng chỉ mấy chục nóc nhà, có đến 4-5 ông thầy mo, thầy cúng, giờ các thầy gần như “thất nghiệp” vì không mấy ai tìm đến.
“Bây giờ cuộc sống văn minh, nhận thức của người dân đã được nâng cao. Trai gái trong làng đã không còn cần đến bùa yêu nữa. Họ có thời gian yêu và tìm hiểu rất kỹ trước khi tính đến chuyện hôn nhân. Phải có tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ, biết yêu thương lẫn nhau thì khi thành vợ thành chồng mới hạnh phúc”, bà Giàng Thị Mia quả quyết.
Cũng theo bà Mia thì giờ người dân đã không còn tìm đến các thầy nhờ làm "bùa yêu" nữa. Trai gái trong làng đã tự do yêu đương, không còn những hiện tượng "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó", tình trạng tảo hôn, hay ép duyên cũng giảm dần. Thanh niên, trai gái được tự do tìm hiểu nhau, nếu thấy hợp nhau thì nguyện nên vợ nên chồng, vì thế mà các câu chuyện về bùa yêu dần lui vào dĩ vãng.