Dân nghèo điêu đứng khi chủ phường hụi âm thầm bỏ trốn

Nhóm PV| 07/05/2018 06:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cơn sốt “huy động vốn” bằng sổ tiết kiệm ở tiệm vàng tại một vùng quê yên bình chưa kịp lắng xuống, thì mới đây người dân lại một phen “điêu đứng” khi chủ phường hụi bỗng dưng bỏ trốn khỏi địa phương.

Những ngày gần đây, về xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đi đâu cũng thấy người dân bàn tán xôn xao về việc ông Phạm Công Đồng (SN 1978) trú ở thôn Đông Phú, xã Khánh Thành, là chủ phường hụi với khoảng 100 người tham gia, đã âm thầm bỏ trốn khỏi địa phương.

Dường như vẫn chưa tin vào những gì đã xảy ra, bởi hầu hết các nạn nhân chung phường hụi với ông Đồng đều là những người nông dân chân chất, thật thà, quanh năm đi làm thuê, làm mướn, hay những người lớn tuổi dành dụm được ít tiền cũng đi chung phường. Nhiều người trong số họ là con em, họ hàng với ông Đồng, các nạn nhân không chỉ dừng lại ở đó mà còn mở rộng ra nhiều hơn nữa.

Dân nghèo điêu đứng khi chủ phường hụi âm thầm bỏ trốn

Ông Nguyễn Trọng Thanh - Chỉ vì tin tưởng nên tôi và các con đã góp 110 triệu đồng cho ông Đồng”.

Vào cuộc tìm hiểu về vụ việc, nhiều người dân đã tập trung lại để bày tỏ sự bức xúc, cũng như tâm trạng rối bời khi bản thân mình vừa dính “quả lừa” của một người đàn ông cùng làng được coi là hiền lành, buôn bán khá, một cách dễ dàng như vậy.

Anh Nguyễn Văn An trú ở xóm Đồng Phú cho biết: “Tôi vừa là bạn thân cũng là người trong làng với Đồng, nên rất tin tưởng ở bạn. Thấy mọi người cùng tham gia, hai vợ chồng tích góp được một ít nên tôi cũng góp vào. Đến nay đã góp chỗ Đồng được 88 triệu đồng. Đó là tài sản rất lớn đối với hai vợ chồng chúng tôi. Gần đây, vợ chồng dự định sẽ làm nhà, nên tôi xin bốc phường, nhưng Đồng cứ hứa hẹn, cuối cùng thì…”

Cũng giống như anh Đồng, chỉ vì sự tin tưởng người cùng làng, lại nghĩ góp phường coi như là để giúp nhau, nên ông Nguyễn Trọng Thanh xóm Đông Phú đã đồng ý góp phường ở chỗ Đồng cùng mọi người. Ông Thanh vốn làm nghề buôn bán lợn, mỗi tháng tích góp ít nhiều được 2 triệu đồng để đóng phường. Từ năm 2016 đến nay, ông Thanh và các con của ông đã góp 110 triệu đồng cho ông Đồng.

Dân nghèo điêu đứng khi chủ phường hụi âm thầm bỏ trốn

Người dân xóm Đông Phú như ngồi trên đống lửa khi hay tin ông Đồng bỏ trốn khỏi địa phương

Hay như trường hợp của anh Phan Bá Hải cũng đóng vào phường được 57 triệu đồng, hai anh em ruột anh Hải là Phan Bá Lạng góp 100 triệu đồng và Phan Thị Xoan 70 triệu đồng. Đến khi Đồng bỏ trốn khỏi địa phương mọi người mới tỉnh ngộ, nhưng giờ cũng không biết đòi tiền ở đâu cả.

Nước mắt ngắn dài, bà Phan Thị Oanh trú xóm Đông Phú cho biết: “Thấy mọi người trong xóm đều chung phường của Đồng nên tôi cũng tham gia vào đó 65 triệu đồng. Gần đây, do con gái chuẩn bị lập gia đình nên tôi xin Đồng cho bốc lo công việc, nhưng Đồng cứ hứa lên hứa xuống, cuối cùng thì bỏ trốn, giờ tôi không biết lấy tiền đâu để lo việc cho con gái đây?”.

Ngoài những trường hợp như anh An, 3 anh em nhà anh Hải, hay bà Oanh… trong xóm Đông Phú còn rất nhiều nạn nhân khác như bà Trần Thị Sỹ đóng 120 triệu đồng, bà Phan Thị Diên đóng 62 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Trình và hai con góp 110 triệu đồng, ông Nguyễn Hoàng Phúc góp 57 triệu đồng… Theo người dân cho biết, riêng xóm Đông Phú có khoảng 100 người tham gia chung phường của ông Đồng với số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Trong đó có nhiều hoàn cảnh hết sức khó khăn, có cụ bà tuổi đã cao nhưng cũng bị Đồng dụ dỗ tham gia chơi phường, rồi giờ đây bỏ trốn mất.

Dân nghèo điêu đứng khi chủ phường hụi âm thầm bỏ trốn

Căn nhà của ông Đồng khóa cửa im ỉm cả tháng nay

Hiện nay căn nhà cấp 4 của Đồng nằm ở đầu làng “cửa đóng then cài”. Giờ “tiền mất tật mang”, người dân không biết phải kêu ai, cũng không biết phải cầu cứu đến cơ quan nào. Bất đắc dĩ, người dân chỉ biết thở dài vì trót tin người hàng xóm chung sống bấy lâu nay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đào Quý - Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho biết: “Có việc người dân chung phường của ông Đồng và hiện nay vợ chồng ông Đồng đã bỏ trốn khỏi địa phương. Hiện, tôi cũng không nắm được có bao nhiêu người tham gia, và số tiền là bao nhiêu vì người dân khi chung phường là sự thỏa thuận giữa đôi bên nên không báo cho địa phương được biết”.

Thiết nghĩ, những vụ việc tương tự liên tục xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau, tuy nhiên đó dường như chưa phải là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân được biết. Phải chăng công tác tuyên truyền về vấn đề này còn nhiều bất cập, hay do nhận thức, lòng tham của con người nên ra nông nỗi như vậy?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân nghèo điêu đứng khi chủ phường hụi âm thầm bỏ trốn