Cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 tại Vĩnh Phúc

Đức Hạnh| 22/02/2020 13:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với quan điểm “sức khỏe của người dân là quan trọng nhất”, cuộc chiến chống lại dịch Covid -19 tại Vĩnh Phúc luôn được đặt trong tình thế cấp bách. Nhiều cán bộ, chiến sỹ, y bác sĩ trắng đêm canh gác ngay trong tâm dịch…

Hy sinh tất cả cho "cuộc chiến"

Vĩnh Phúc, nơi có nhiều ca được xác định dương tính với Covid -19 nhất ở Việt Nam. Tiên lượng được sự phức tạp, nguy hiểm của đại dịch, sáng sớm 12/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức họp để bàn bạc những vấn đề quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh.

Chiều cùng ngày, Vĩnh Phúc chính thức ban bố các biện pháp khẩn cấp nhằm tuyên chiến với dịch bệnh Covid -19, quyết định kiểm soát, cách ly, áp dụng các biện pháp y tế cần thiết đối với xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, nơi có số lượng người nhiễm virus corona nhiều nhất.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 tại Vĩnh Phúc

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan thăm và động viên người dân vùng dịch Sơn Lôi

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan đã nhấn mạnh trong chuyến thăm xã Sơn Lôi trước khi công bố một loạt biện pháp khẩn cấp kiểm soát dịch: “Toàn bộ 12.000 người dân, 6 thôn trong toàn xã bị ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất nhưng thời điểm này, xã Sơn Lôi phải vì mục tiêu kiểm soát dịch của tỉnh và lớn hơn vì mục tiêu của cả nước”.

Tám tổ chốt với công an, quân đội, y tế là nòng cốt nhằm kiểm soát chặt chẽ, cách ly toàn bộ đường đi lối lại, mọi con đường ra vào tại xã Sơn Lôi. Tổ chức vận động công nhân làm việc tại doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn đang thuê trọ tại xã Sơn Lôi tạm thời nghỉ việc, cùng nhân dân trong xã thực hiện lệnh kiểm soát, cách ly. Ít giờ sau, số tổ chốt tại Sơn Lôi được nâng thành 12 tổ chốt.

Bệnh viện dã chiến được thành lập tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật với quy mô 300 giường, thực hiện khám, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm, có thể nhiễm nCoV. Mỗi ngày, có hơn 100 cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phản lực 204 tiến hành thu dọn cơ sở vật chất, vệ sinh các phòng học. Tất cả cơ sở vật chất, bàn ghế, nhạc cụ được chuyển vào hội trường, nhường chỗ cho lắp đặt giường bệnh, sớm đưa bệnh viện vào hoạt động.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 tại Vĩnh Phúc

Khu vực chốt trực tại xã Sơn Lôi

Huy động toàn bộ cán bộ y tế trên địa bàn, ngoài ra trưng tập năm y bác sĩ quân đội, năm y bác sĩ công an, cán bộ y tế của Bệnh viện Lao phổi T.Ư, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện Quân y 109 do Sở Y tế tỉnh làm tổng chỉ huy, bổ sung vào các đội cơ động, triển khai phòng chống dịch ở dưới cơ sở.

Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, trong thời chiến tranh người dân sẵn sàng phá nhà lấy đường cho xe chạy để chống giặc vì thế thời điểm này Vĩnh Phúc gác lại các mối quan tâm của kinh tế, tập trung mọi nguồn lực để chống lại đại dịch, tất cả vì sức khỏe của người dân. Vĩnh Phúc chống dịch vì cả nước.

“Đánh giặc còn nhìn thấy kẻ địch, chống dịch là chống lại kẻ vô hình mà chúng ta không nhìn thấy. Nhưng với sự đồng lòng chống dịch của cả tỉnh Vĩnh Phúc, sự ủng hộ của bạn bè trên cả nước, Vĩnh Phúc sẽ chiến thắng”, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nói.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 tại Vĩnh Phúc

Bác sĩ Trịnh Trung Kiên (trái) và đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm Y tế xã Sơn Lôi

Trắng đêm “canh gác” kẻ địch vô hình

Ngày 14/2, 161 chiến sỹ blu trắng sau khi được tập huấn được đưa vào vùng dịch. Ngày các anh vào vùng nguy hiểm cũng là ngày lễ tình yêu. Gác lại tình yêu gia đình, đôi lứa, các anh đến với một tình yêu lớn hơn đó là tình yêu  đất nước.

Cùng với lực lượng quân đội, công an, những y bác sĩ này sẽ phải chốt trực 24/24 giờ, sẵn sàng đối phó với “kẻ địch vô hình” –Covid-19. Công việc luôn ẩn chứa sự nguy hiểm, nhưng đây không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, lương tâm của cán bộ ngành y, mà còn vì cộng đồng, xã hội.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 tại Vĩnh Phúc

Trạm Y tế xã Sơn Lôi

Anh Trịnh Trung Kiên (SN 1981, bác sỹ BV 109 được tăng cường vào TT Y tế xã Sơn Lôi) tâm sự: “Khi vào đây mới đầu cũng bỡ ngỡ, cộng với 2 con tôi còn nhỏ, lúc tôi đi các cháu cũng đang đau ốm, thương lắm, nhưng vì nhiệm vụ tôi sẵn sàng lên đường”.

“Chúng tôi trực 24/24 giờ, ở đây có 5 anh em, chúng tôi làm nhiệm vụ sàng lọc cho bệnh nhân, nếu có trường hợp nguy hiểm sẽ chuyển lên tuyến trên. Vào đây điều trị cho bà con cũng thấy vui không vấn đề gì cả, tâm lý anh em chúng tôi ổn định. Được sự quan tâm của cấp trên, đời sống chúng tôi trong này được đảm bảo, rất yên tâm công tác”, anh Kiên cho biết thêm.

Ngày 7/2, khi Phòng khám Đa Khoa Quang Hà (Bình Xuyên) phát hiện 5 bệnh nhân nhiễm virus corona, bác sĩ Trần Quang Vịnh (Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên) được tăng cường. Đến nay, khi chứng kiến các bệnh nhân lần lượt âm tính với Covid -19 và được xuất viện, vị bác sĩ vẫn ngày đêm chăm sóc cho bệnh nhân tại phòng khám…

Cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 tại Vĩnh Phúc

Khử trùng các xe ra vào tại các chốt trực

Rất nhiều những y bác sĩ, chiến sỹ quân đội, công an cũng đang ngày đêm giữ chốt tại tâm dịch xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Nhiệm vụ của họ là kiểm soát việc đi lại của người dân, áp dụng các biện pháp y tế, đảm bảo không lây lan dịch bệnh ra bên ngoài.

Những đống lửa được nhóm trong đêm để sưởi ấm của các chiến sỹ trực chốt cũng nhóm lên tình quân dân trong hoạn nạn. Người dân xã Sơn Lôi đã mang đủ loại thực phẩm như khoai, khế, gà… tiếp tế cho các chiến sỹ trực chốt.

Cô lập virus, không cô lập người dân

Bi thư Vĩnh Phúc nói điều này khi xuất hiện rất nhiều định kiến, những suy nghĩ tiêu cực, kỳ thị người dân Vĩnh Phúc, coi người Vĩnh Phúc là đối tượng cần cách ly.

Trước khi khoanh vùng, cách ly vùng dịch xã Sơn Lôi, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng khẳng định: “Chúng ta cô lập virus, tránh sự lây lan chứ không cô lập người dân. Tôi đã hứa mỗi tuần sẽ xuống thăm bà con ít nhất 1 lần. Như vậy để họ thấy yên tâm, không hoảng sợ và mặc cảm…”.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 tại Vĩnh Phúc

Nhiều tấm lòng nhân ái thăm và tặng quà cho người dân vùng dịch

Hình ảnh những người đứng đầu tỉnh thường xuyên xuống thăm hỏi, động viên người dân trong tâm dịch đã gây được thiện cảm, lòng tin chiến thắng trong dịch nạn đối với người dân.

Với số lượng người nhiễm virus không gia tăng, các ca dương tính với Covid -19 đều tiến triển tốt, xuất viện và không nguy hiểm tới tính mạng. Hiện nay, Vĩnh Phúc là nơi có bệnh viện tuyến huyện đầu tiên điều trị thành công virus nCoV, cũng xua tan dần “virus kỳ thị” đối với người dân Vĩnh Phúc của rất nhiều người.

Những tín hiệu vui tại tâm dịch Sơn Lôi đã phần nào nâng cao niềm tin chiến thắng trong việc phòng chống Covid -19 của cả nước. Đây là thành quả xứng đáng cho sự đồng lòng, những nỗ lực không biết mệt mỏi của người dân Vĩnh Phúc nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona (Covid-19) tỉnh Vĩn Phúc cũng  xác định việc phòng, chống dịch là nhiệm vụ cấp bách, phải làm quyết liệt, thường xuyên, liên tục, không chủ quan, lơ là để hạn chế và triệt tiêu dịch trên địa bàn; yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống, kết quả đã đạt được để người dân không lo lắng, kiên quyết chống kỳ thị.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chống đại dịch Covid -19 tại Vĩnh Phúc