Chương trình xây dựng nông thôn mới: Cần huy động các nguồn lực xã hội

Hương Lan| 25/09/2015 06:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xây dựng nông thôn mới là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X.

Cụ thể về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực.

Những kết quả tích cực

Theo đánh giá của Chính phủ, trong 4 năm qua, Chương trình và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên nhiều chuyển biến mới trong nông nghiệp, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên. Nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, phát triển tương đối toàn diện, xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều tiến bộ; đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ.

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp trong cả nước. Các cơ chế chính sách được ban hành khá đồng bộ và kịp thời. Nguồn lực đầu tư cho Chương trình ngày càng tăng, mặc dù ngân sách Trung ương hỗ trợ còn có hạn, nhưng các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn lực từ ngân sách địa phương, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, từ các nguồn vốn tín dụng và thu hút, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các doanh nghiệp và đóng góp tự nguyện của người dân. Công tác kiểm tra giám sát được tăng cường. Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố và nâng lên. Ðời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo; các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được cải thiện.

Chương trình xây dựng nông thôn mới: Cần huy động các nguồn lực xã hội

Nông thôn Tiền Giang đổi mới

Theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ đạo, đến nay có 185 xã đạt 19 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân cả nước tăng từ 4,7 tiêu chí/xã năm 2011 lên 8,47 tiêu chí/xã năm 2014; có 93,1% số xã hoàn thành quy hoạch chung; 81% số xã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới; có khoảng trên 9.000 mô hình sản xuất có hiệu quả.

Về phát triển giao thông nông thôn, chương trình đã xây dựng được trên 5 nghìn công trình với khoảng 700.000 km đường giao thông nông thôn. Trong đó 23,3% số xã đạt tiêu chí giao thông, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 35,3%. Trên lĩnh vực thủy lợi, hiện có 44,5% số xã đã đạt tiêu chí, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 52,7%; 75,6% xã đạt tiêu chí về điện, dự kiến hết năm 2015 đạt 80,9%.

Các hoạt động này đã góp phần tăng thu nhập của người dân nông thôn đạt bình quân 22,1 triệu đồng/người/năm, tăng 1,98 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn 10,1%, giảm bình quân 2%/năm (2008-2014).

Thêm vào đó, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã động viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng dân cư. Đến hết năm 2014 đã có 56,5% số xã đạt tiêu chí về văn hóa, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 66,5%.

Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn

 Bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, theo đánh giá của Chính phủ, việc thực hiện Chương trình trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Tiến độ triển khai nhìn chung còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới và phương thức tổ chức mô hình sản xuất trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; Tỷ lệ hộ nghèo cả nước tuy có giảm nhưng vẫn cao, thu nhập và mức sống của nông dân còn khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn chưa được giải quyết có hiệu quả, năng lực ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế; chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục ở nhiều nơi còn thấp; hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là các vùng miền núi còn lạc hậu, chậm được cải thiện. Nguồn lực Trung ương và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp nhiều so với yêu cầu thực tế.

Trước yêu cầu của Chương trình, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chính là cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, trực tiếp góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo Bộ NN&PTNT, giai đoạn từ 2016-2020 sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, mục tiêu năm 2015 có 20% số xã và tới năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; các xã chưa đạt chuẩn tăng từ 2-3 tiêu chí mỗi năm. Bên cạnh đó, cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như: giao thông, điện, nước, trường học, trạm xá xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn: thu nhập tăng 2,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Trong đó, các nhiệm vụ cần ưu tiên gồm: tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới,...

Đồng thời, để thực hiện các mục tiêu đề ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung để ban hành đồng bộ các chính sách về huy động nguồn lực xã hội, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chương trình. Trong đó ưu tiên cho các vùng còn nhiều khó khăn, tăng cường phân cấp cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng cùng thực hiện chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình xây dựng nông thôn mới: Cần huy động các nguồn lực xã hội