Ở một xóm trọ giữa lòng Hà Nội, người dân phải sống trong cảnh không nhà vệ sinh, không nhà tắm, không nước sạch nhiều năm nay.
Những người cùng khổ
Chị Huyền trong phòng trọ
Xóm trọ Long Biên thuộc phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội gồm 6 đến 7 dãy nhà trọ, mỗi dãy có từ 7 - 8 phòng, mỗi phòng rộng khoảng 7m2, trên lợp tấm Fibrô xi măng dưới là nền đất. Giá thuê trọ ở đây giao động từ 1 – 1,2 triệu đồng/tháng chưa kể tiền điện. Những người thuê trọ ở đây đến từ những miền quê khác nhau nhưng có chung một mẫu số, đó là vì quá nghèo mà phải tha hương cầu thực nơi phố thị.
Ngồi trước cửa phòng giặt quần áo cạnh rãnh thoát nước đen kịt, chị Huyền (44 tuổi) quê ở Phúc Thọ, Hà Nội than thở, vì hoàn cảnh mà chúng tôi phải sống ở đây, chứ ai chẳng muốn nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng.
Chị bảo, để giặt được chậu quần áo, chị phải sách nước đến sã cả tay. Chiếc áo màu sáng chị mới mua đã bị ố vàng do giặt nước giếng khoan. Không chỉ riêng tắm giặt, mà ngay cả nấu ăn các chị cũng phải nhắm mắt sử dụng nguồn nước này. Những chiếc thùng xốp được dựng thành hàng trước cửa phòng để chứa nước sinh hoạt.
Chị Huyền thổ lộ, vì không có khu vệ sinh chung nên tất cả sinh hoạt từ nấu ăn, tắm giặt, đi vệ sinh thậm chí cả phơi quần áo đều diễn ra trong phòng. Do mới tắm xong nên nền nhà trong phòng chị ướt nhẹp, mùi ẩm mốc, hôi hám sộc thẳng vào mũi. Cái ti vi màu 14 inch cũ kỹ được chị mang từ quê ra giúp giải khuây những lúc buồn đang phát chương trình ca nhạc theo yêu cầu, hình ảnh lúc mờ lúc tỏ, lúc đứng lúc nghiêng.
Chiếc xe máy cà tàng chất đầy đồ đoàn dựng gọn một góc phòng là cần câu cơm của chị mỗi ngày. Chị cho biết, ở dãy trọ này, vào khoảng 1 giờ sáng là đông vui, tấp nập hơn cả vì khi đó mọi người í ới gọi nhau dậy, người thì đi chợ chọn mua hàng, người thì đòn gánh dây thừng đi gánh hàng thuê, tất cả nhộn nhịp, hối hả mưu sinh.
Để có thêm chút tiền gửi về quê cho con hàng tháng và tiết kiệm chi phí sinh hoạt cũng như tiền phòng, bà Phải, bà Tâm, chị Miền và 3 chị khác nữa ở chung một phòng rộng 7m2. Trong 6 người này, bà Phải, 72 tuổi, quê Thái Nguyên được cư dân xóm trọ Long Biên nhắc đến như một nốt trầm trong bản nhạc bi ai. Cuộc đời bà tối tăm như căn phòng chật chội, ẩm mốc 4 mùa, chắp vá quanh năm mà bà đang ở.
Vì gia cảnh éo le, bà phải ôm con bỏ xứ rồi dạt lên Hà Nội vào những năm 1977. Trải qua bao thăng trầm, lúc trên miền ngược, khi dưới miền xuôi cuối cùng bà “định cư” ở xóm trọ Long Biên này khi đã bị què một chân và mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu. Không nhà cửa, đất cát, và có duy nhất một cô con gái đã lấy chồng, bà xác định sẽ sống ở đây cho tới khi nào trút hơi thở cuối cùng. Vì thương bà nghèo, lại què cụt, những người buôn bán thường cho bà ít rau thừa, quả ế để bà ăn cho qua ngày đoạn tháng.
Còn Bà Tâm thì quê tít mãi tận Lai Châu, mới ra nhập xóm trọ này từ đầu năm, cũng nối gót bà Phải đi nhặt phế liệu. Bà ít tâm sự chuyện gia đình, chỉ biết rằng bà vừa vay 200 triệu đồng để chạy việc cho cậu con trai, giờ đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng cá chuối đắm đuối vì con, bà Tâm ngày đêm rong ruổi khắp các ngõ ngách nhặt phế liệu.
Sống trong ô nhiễm
Nấu ăn ngay cạnh rãnh thoát nước sinh hoạt của cả xóm
Xóm trọ Long Biên nằm ở một góc cuối chợ, nơi ấy sát một con mương chứa đầy rác rưởi, nước đen đặc quánh. Ngày nắng cũng như ngày mưa bốc mùi xú uế tra tấn cư dân xóm trọ. Nhất là vào mùa hè, những ngày gió lào thổi dát da, người ta phải mang xoong, nồi, bát đĩa ra nấu ăn ngay cạnh rãnh thoát nước trong xóm trọ. Trong khi đó, ti tỉ thứ mùi đang bốc lên ở con mương chứa rác thải khiến ai chứng kiến cảnh này cũng phải ngao ngán.
Không chỉ có vậy, chuyện sinh hoạt của những cư dân xóm trọ cũng không ít chuyện đáng nói. Ở đây, bao năm nay, người ta phải đi vệ sinh trong nhà bằng túi ni lông, sau đó thì tiện tay quăng ngay ra con mương cạnh đó. Thật khó có thể hình dung, khi trong một căn phòng có 6 người ở người ta sẽ làm thế nào trong những tình huống tương tự.
Vì miếng cơm manh áo mà có người phải mang cả rác vào nhà. Ví như bà Phải, bà Tâm làm nghề nhặt phế liệu thì việc các bà mang rác vào nhà là chuyện thường thấy. Nếu ngày nắng thì số phế liệu các bà nhặt về sẽ được phơi khô và bán ngay trong ngày cho đại lý thu mua, còn ngày mưa thì các bà phải thu gom lại để trước cửa phòng.
Sống nhiều năm trong môi trường như vậy thì chuyện ốm đau, bệnh thật là không thể tránh khỏi. Đầu năm nay, bà Phải vừa phải vay mượn những người trong xóm 3 triệu đồng để vào viện khám do toàn thân đau nhức, không đi lại được. Bà Phải chia sẻ: “Ở xóm trọ này, mỗi khi ai ốm đau bệnh tật là cả xóm lại xúm vào hỏi thăm, người cho vay tí tiền, người mua cho bát cháo, chai dầu gió, liều thuốc”.
Có lẽ, ở xóm trọ tồi tàn này, ngoài tình cảm của những con người lao động cực khổ dành cho nhau thì cái gì cũng thiếu.