Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng ta quá dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân

T.T| 08/11/2019 09:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn đề thông tin đời tư bị khai thác quá đà, bị xâm phạm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bản thân mỗi người cũng chưa ý thức bảo vệ, còn quá dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân.

Sáng nay 8/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội trong vai trò người đứng đầu ngành Thông tin - Truyền thông.

Trong buổi sáng nay, Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn về các nội dung: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; Ứng dụng công nghệ thông tin; Xây dựng Chính phủ điện tử.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các ý kiến quý báu đã đóng góp cho ngành trong suốt thời gian qua. Theo Bộ trưởng, được trực tiếp lắng nghe, trao đổi với các đại biểu Quốc hội về các vấn đề của ngành, khi các vấn đề được đưa ra với góc nhìn và những cách tiếp cận khác nhau sẽ giúp Bộ nhìn thấy rõ hơn, toàn cảnh hơn về ngành của mình.

Cùng với đó, thấy được những tồn tại, hạn chế cũng như trách nhiệm của mình để tìm ra cách làm mới, giải pháp mới, để chung tay làm cho lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông phát triển lành mạnh, bền vững, góp phần xây dựng Việt Nam thịnh vượng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) với doanh thu năm 2018 trên 100 tỷ USD. Với sứ mệnh đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số tiến tới kinh tế số.

Bộ TT&TT cũng là bộ quản lý Nhà nước về báo chí truyền thông với sứ mạng truyền tải dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường. “Đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần, báo chí sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần đó, dù đưa tin tích cực hay tiêu cực thì cũng phải khích lệ tinh thần Việt Nam, làm cho Việt Nam ổn định chứ không phải làm xói mòn sức mạnh đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã có nhiều bước phát triển. Xếp hạng bưu chính tăng 5 hạng, chỉ số ứng dụng viễn thông và CNTT tăng hạng, xếp hạng an toàn thông tin mạng cũng tăng.

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại và những vấn đề nhức nhối như hàng lậu, hàng giả qua kênh bưu chính; rác viễn thông, sim rác, tin nhắn rác; bất cập trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới; quảng cáo sai sự thật; báo hoá tạp chí, trang tin điện tử…

Là một trong những đại biểu đầu tiên chất vấn Bộ trưởng, Đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật (ĐBQH tỉnh Hòa Bình) mong Bộ trưởng làm rõ việc thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bị các tờ báo, doanh nghiệp khai thác quá đà, trong khi đây là những quyền được pháp luật bảo vệ.

Bộ trưởng Hùng cho biết, Luật Báo chí hiện quy định cấm khai thác quá sâu đời tư. Trong năm 2019, Bộ TT&TT xử lý 3 vụ thông tin chi tiết quá sâu đời tư. Giải pháp vừa bằng luật pháp nhưng vừa tuyên truyền.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Đây là vấn đề về đạo đức báo chí. Làm nghề báo là tự nhận cho mình một xứ mạng làm cho xã hội tốt đẹp hơn, vì cộng đồng. Chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Nhà báo để có giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp, để các nhà báo nhận thức được vai trò, sứ mạng của mình", ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng ta quá dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội sáng 8/11

Riêng về thông tin đời tư, theo ông, bản thân mỗi người cũng chưa ý thức bảo vệ. Ông lấy ví dụ, khi đi mua hàng ở các siêu thị thường hay đề nghị khách hàng điền thông tin để làm thẻ khách hàng... "Chúng ta dễ dãi trong chuyện đưa thông tin cá nhân của mình", ông nói.

Về pháp lý, ông thừa nhận chưa có chế tài quy định việc doanh nghiệp sử dụng thông tin cá nhân ra sao, bảo mật thế nào, trường hợp nào được cung cấp... Vì thế Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành về xây dựng Nghị định về vấn đề này.

Về quản lý báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chúng ta đã có quy định khi đưa tin về vụ án thì không được khai thác quá chi tiết. Đúng là hiện nay có chuyện báo chí câu view, đưa qua mức. Như vậy cần phải xác định đâu là ngưỡng cho phép.

Chưa hài lòng, bà Hương Thuỷ tranh luận và cho rằng nguyên nhân Bộ trưởng Hùng nêu ra "có vẻ như rất đơn giản". Bà muốn Bộ trưởng cho ý kiến về hành lang pháp lý trong quản lý khi đưa thông tin cá nhân bí mật đời tư lên mặt báo. "Có cần luật bảo vệ thông tin đời tư cá nhân trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội", bà hỏi.

Đồng tình với ý kiến đại biểu Thuỷ, ông Hùng nói "chắc chắn Việt Nam cần có luật về bảo vệ thông tin cá nhân như các nước", nhưng trước mắt sẽ ban hành Nghị định quản lý vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng ta quá dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân