Bộ Giao thông vận tải lý giải về mức thu phí dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ

Quang Toàn| 12/05/2015 11:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Giao thông Vận tải vừa có thông tin về dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) Pháp Vân - Cầu Giẽ; trong đó có lý giải về mức thu phí của dự án.

Cụ thể, dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ sau khi nâng cấp hoàn thành giai đoạn 1 sẽ áp dụng hình thức thu phí kín, như các tuyến đường cao tốc khác tại Việt Nam. Mức phí áp dụng là 1.500 đồng/km, mức phí trên được tính toán theo các quy định của pháp luật và đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án. Mức thu phí của dự án này tương tự như một số dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai… và được tính toán, áp dụng cho cả giai đoạn 2 sau khi hoàn chỉnh 6 làn xe. 

Bộ Giao thông vận tải lý giải về mức thu phí dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ

Dự kiến, dự án sẽ bắt đầu thu phí từ tháng 7/2015, sau khi được sự cho phép của Cơ quan Nhà nước thẩm quyền, kể từ ngày hoàn thành thi công giai đoạn 1. 

Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Nam kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam và khu vực lân cận; là một phần của đường Quốc lộ 1 trùng với đường cao tốc Bắc Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ được hoàn thành đầu tư xây dựng vào năm 2018. 

Mặt khác, tuyến đường được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2002 với quy mô đường cấp I đồng bằng đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác, cũng như có nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp không thể bố trí để đầu tư nâng cấp mở rộng, nên Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ cho phép đầu tư nâng cấp thành đường cao tốc theo hình thức BOT. Dự án có tổng chiều dài khoảng 29km, điểm đầu tại Km182+300 (vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội). Điểm cuối tại Km211+256 (tại Km211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). 

Dự án lúc đầu được giao cho nhà đầu tư Nexco Central (Nhật Bản) thực hiện. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu tính toán, Nexco Central đưa ra một số đề nghị không phù hợp như hỗ trợ toàn bộ chi phí, không ràng buộc thực hiện giai đoạn 2 (mở rộng 6 làn xe). Vì vậy mà Chính phủ Việt Nam không chấp nhận. Sau khi phía nhà đầu tư Nhật Bản không tham gia, Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư trong nước để triển khai dự án. 

Sau khi xem xét, Liên danh Cienco1 - Minh Phát - Phương Thành là nhà đầu tư được lựa chọn do đáp ứng yêu cầu đề ra. Phương án đầu tư của nhà đầu tư trong nước có nhiều ưu điểm về mặt tiến độ, kinh phí và đặc biệt, không phải bố trí vốn ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, mà do nhà đầu tư tự thu xếp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Giao thông vận tải lý giải về mức thu phí dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ