WikiLeaks và những quả bom thông tin mật - Kỳ cuối: Rơi vào vòng lao lý

Hoàng Hà| 13/06/2015 10:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hoạt động của WikiLeaks dường như đã đi vào bế tắc do cạn kiệt kinh phí, trong khi người đứng đầu tổ chức này rơi vào vòng lao lý.

Trong bối cảnh các tài liệu về cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan mới được WikiLeaks tung ra, Julian Assange đã tới Stockholm, Thụy Điển vào tháng 8/2010 để tham dự một cuộc hội thảo mà ông là diễn giả chính.

Tại đây, ông đã gặp gỡ và quan hệ tình dục với hai người phụ nữ tên là Anna Ardin và Sophia Wilen. Rắc rối đến với Assange khi hai người phụ nữ trên phát hiện ra điều này qua nói chuyện điện thoại với nhau và họ cùng đến cảnh sát để hỏi liệu họ có thể yêu cầu Assange phải đi xét nghiệm HIV hay không.

WikiLeaks và những quả bom thông tin mật - Kỳ cuối: Rơi vào vòng lao lý

Sophia Wilen và Anna Ardin

Căn cứ vào bản tường trình của Ardin và Wilen, cảnh sát Thụy Điển đã phát hiện Assange có hành vi phạm tội liên quan đến xâm phạm tình dục và quyết định mở một cuộc điều tra đối với ông.

Ngày 30/8, Assange bị cảnh sát Stockholm thẩm vấn song ông đã phủ nhận cáo buộc và cho rằng ông đã quan hệ tình dục với sự đồng thuận của hai người phụ nữ trên.

Mặc dù bị lăng mạ, song Assange không làm gì nhiều để cải thiện hình ảnh của mình trước công chúng. Và chính vụ bê bối tình dục này chứ không phải là các vụ tiết lộ tài liệu mật đã khiến Julian Assange gặp rắc rối với pháp luật trong gần một năm qua.

Vào tháng 10/2010, trong một cuộc phỏng vấn công khai hiếm có của mình với kênh truyền hình CNN, thái độ của ông đối với phóng viên phỏng vấn hôm đó là Atika Shubert đã gần như đã làm nổ tung các màn hình tivi. Khi cô phóng viên hỏi Assange một câu hỏi mà ông không thích về vụ bê bối tình dục mà ông đang vướng phải, Assange đã tức giận đến mức bỏ dở cuộc phỏng vấn.

Ông nói với phóng viên Atika Shubert trước khi ra khỏi trường quay: “Tôi tham dự cuộc phỏng vấn này vì một mục đích khác. Tôi sẽ bỏ ra ngoài nếu cô làm vấy bẩn cuộc phỏng vấn này. Tôi định tiết lộ về cái chết của 104.000 người nhưng cô lại tìm cách tấn công chống lại bản thân tôi”.

Ngày 6/12/2010, Tòa án tối cao Thụy Điển tiếp tục cuộc điều tra, họ yêu cầu Assange tới thẩm vấn lần thứ hai song lúc này ông đang có mặt ở Anh, khiến Tòa án tối cao Thụy Điển phải yêu cầu cảnh sát Anh dẫn độ ông trở lại Thụy Điển.

Ngày hôm sau, Julian Assange đã đến trình diện cảnh sát Anh song ông chỉ phải ở trong nhà tù vài ngày trước khi được bảo lãnh với số tiền 316.000 USD, cùng với điều kiện phải đeo một thẻ điện tử để theo dõi và hàng ngày phải báo cáo với cảnh sát.

Theo luật sư Mark Stephens của Assange, những người ủng hộ ông đã quyên góp được số tiền 380.000 USD để bảo lãnh cho ông. Assange cũng tuyên bố, ông sẽ làm mọi cách để không bị dẫn độ về Thụy Điển. Ông cho rằng, lệnh dẫn độ mang động cơ chính trị và là bước khởi đầu để tiến tới dẫn độ ông sang Mỹ.

Tuy nhiên, tất cả các hoạt động của tòa án Anh đối với Julian Assange không liên quan đến các cáo buộc xâm phạm tình dục của ông mà chỉ xoay quanh các vấn đề thủ tục tố tụng quốc tế như: Các công tố viên Thụy Điển có quyền phát ra một lệnh bắt giữ có hiệu lực trên toàn châu Âu hay không? Assange bị dẫn độ về Thụy Điển để truy tố hay thẩm vấn? Assange có thể được xét xử công bằng ở Thụy Điển hay không?...

WikiLeaks và những quả bom thông tin mật - Kỳ cuối: Rơi vào vòng lao lý

Luật sư Mark Stephens

Đầu tháng 2/2011, với các nội dung trên, phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra tại tòa án Westminster Magistrates ở London. Nhóm bảo vệ cho Assange tại phiên tòa gồm có các luật sư Geoffrey Robertson và Mark Stephens, các chuyên gia về nhân quyền.

Sau gần hai tuần chờ đợi, phán quyết của phiên tòa đã được công bố vào ngày 24/2/2011 với nội dung chấp nhận dẫn độ Assange theo đề nghị của Thụy Điển.

Với tinh thần chống lại lệnh dẫn độ của tòa án Thụy Điển đến cùng. Ngày 2/3/2011, luật sư của Assange nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Thượng thẩm London. Phiên tòa phúc thẩm đã diễn ra vào tháng 7/2011 và phải đến bốn tháng sau các thẩm phán mới công bố quyết định của mình, theo đó đơn kháng cáo của Assange bị bác bỏ.

Mặc dù Julian Assange gần như chắc chắn sẽ bị dẫn độ sang Thụy Điển trong thời gian tới, song theo quan điểm của một số chuyên gia về pháp luật thì điều đó có thể sẽ tốt hơn cho ông bởi việc ông có thể bị dẫn độ tiếp sang Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của Thụy Điển thay vì nước Anh là một đồng minh của Mỹ.

Cuộc chiến pháp lý trên còn kéo dài trong bao lâu và Julian Assange cuối cùng có bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử hay không đang là những câu hỏi bỏ ngỏ.

Hoạt động của WikiLeaks hiện cũng đã đi vào bế tắc do cạn kiệt kinh phí trong khi người đứng đầu tổ chức này rơi vào vòng lao lý.

Tuy nhiên, Julian Assange và WikiLeaks chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sâu sắc đối với những người quan tâm tới tình hình thế giới đương đại, mở ra một trào lưu mới của các tổ chức ngầm hoạt động trên mạng Internet mà điển hình hiện nay là tổ chức OpenLeaks cũng đi theo hướng này.

WikiLeaks và những quả bom thông tin mật - Kỳ cuối: Rơi vào vòng lao lý

Julian Assange và WikiLeaks đã để lại 1 dấu ấn sâu sắc đối với những người quan tâm tới tình hình thế giới đương đại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WikiLeaks và những quả bom thông tin mật - Kỳ cuối: Rơi vào vòng lao lý