WHO và Hoa Kỳ: Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro trong chống COVID-19

Xuân Lan| 28/02/2020 11:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

WHO và CDC Hoa Kỳ đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh.

Sáng nay (28/2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã có buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) về công tác phòng chống dịch.

Tham khảo ý kiến của WHO, CDC trước khi quyết định các biện pháp mới

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Việt Nam phòng, chống dịch tốt có nghĩa góp phần chống dịch tốt trên thế giới."

WHO và Hoa Kỳ: Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro trong chống COVID-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết dịch COVID-19 là dịch bệnh mới với diễn biến khó lường nên Việt Nam vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp. Đến thời điểm hiện tại, xác định diễn biến dịch trên thế giới bước sang giai đoạn mới, Việt Nam dự tính một số biện pháp mới, do đó muốn tham khảo ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam để đưa ra quyết định phù hợp.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao đổi thêm một số kinh nghiệm của Việt Nam trong việc huy động, tổ chức các lực lượng phòng, chống dịch bệnh; phân tuyến cách ly, tổ chức điều trị…

Thông tin với đại diện WHO, US CDC về tình hình dịch bệnh trong nước, đồng thời chia sẻ các giải pháp kiểm soát ngăn chặn triệt để nguồn dịch từ bên ngoài vào, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong phòng chống dịch bệnh (khác với trước đây việc phòng chống dịch bệnh do ngành y tế là chủ lực). Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều quyết liệt vào cuộc phòng, chống theo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương.

Việt Nam cũng thực hiện phát hiện, cách ly, điều trị theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với dịch bệnh. Về khoanh vùng dập dịch, Việt Nam xác định quy mô dịch bệnh ở mức độ nào thì tổ chức cách ly, khoanh vùng ở mức độ đó. Ví dụ, như ở xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, quy mô dịch ở cấp xã thì khoanh vùng toàn xã chứ không khoanh vùng rộng hơn,… Qua đó, tổ chức cách ly theo các vành đai chặt chẽ (cách ly tập trung, cách ly tại nhà…) từ vòng trong ra vòng ngoài để tránh lây nhiễm.

Về chuyên môn, Việt Nam tập trung giám sát phát hiện sớm ca bệnh để điều trị tại chỗ; thực hiện giám sát, xét nghiệm sàng lọc; tổ chức cách ly y tế theo các lớp; điều trị trên toàn tuyến, tránh tình trạng tập trung về Trung ương.

Hiện Việt Nam đã chữa thành công các ca nhiễm COVID-19 cả ở y tế tuyến huyện. Không tập trung quá đông người ở một địa điểm. Phác đồ điều trị của Việt Nam liên tục được cập nhật, bổ sung trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tế điều trị và cập nhật kinh nghiệm của thế giới. Việt Nam cũng đã và đang chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu phát triển các sinh phẩm để phục vụ cho việc chẩn đoán…

 Việc kiểm soát COVID-19 lây lan trên toàn cầu vô cùng khó khăn

Trong nhiều năm qua, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Hiện nay, hai tổ chức quốc tế có hơn 120 nhân viên tại Việt Nam. Với cơ chế minh mạch, công khai thông tin dịch bệnh COVID-19, hai tổ chức quốc tế đang phối hợp chặt chẽ với hệ thống phòng xét nghiệm và các đơn vị nghiên cứu test thử của Việt Nam, mong muốn hỗ trợ Việt Nam kịp thời trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đại điện các tổ chức quốc tế đánh giá, hiện Việt Nam và các nước trên thế giới đang làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Cập nhật nhanh diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu, ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh thông tin các ca bệnh đang tăng nhanh ngoài Trung Quốc trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã hiểu rõ hơn về COVID-19 so với 2 tháng trước đó, cả về đặc điểm dịch tễ học, hệ số lây truyền, đường lây truyền, các giải pháp ngăn ngừa, điều trị, các giải pháp ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lây nhiễm đối với nhân viên y tế,…

WHO và Hoa Kỳ: Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro trong chống COVID-19

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Đại diện WHO cho rằng việc kiểm soát COVID-19 lây lan trên toàn cầu là vô cùng khó khăn, đồng thời bày tỏ, cộng đồng quốc tế cũng mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.

Ông Kidong Park chia sẻ thêm, WHO đã khuyến cáo các nước cần làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó tình trạng COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng. Đại diện WHO ghi nhận Việt Nam đã chuẩn bị tốt công tác này, các kịch bản ứng phó với mọi tình huống đã đặt sẵn ở trên bàn, nhưng vẫn cần tiếp tục phải rà soát lại bởi khả năng này đang tới gần. WHO đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp mạnh của Chính phủ Việt Nam trong 2 tháng qua. Việt Nam đã chia sẻ thông tin một cách minh bạch, đặc biệt là công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị, để phối hợp cùng với các nước trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên quy mô toàn cầu.

WHO và Hoa Kỳ: Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro trong chống COVID-19

Ông Mathew Moore, đại diện US CDC: Đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro

Đại diện US CDC, ông Mathew Moore nhìn nhận: Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh, rất kiên quyết, hiệu quả. Với sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương tới địa phương nên đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ mới có 16 ca nhiễm COVID-19 và đều đã được chữa khỏi. Kết quả này cho thấy “những nỗ lực tuyệt vời của các bạn trong ứng phó với dịch bệnh”, góp phần vào công cuộc ngăn ngừa dịch bệnh của thế giới. US CDC tự hào đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu.

Đại diện CDC bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19 với cộng đồng quốc tế; chia sẻ thông tin về bản đồ gene của virus gây bệnh ở Việt Nam; đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh.

Phó Thủ tướng khẳng định, tinh thần của Việt Nam là luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất để tình huống xấu không xảy ra. Phó Thủ tướng, cảm ơn và bày tỏ mong muốn WHO, US CDC tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Theo thông tin cập nhật lúc 9h00 ngày 28/2: Thế giới đã có 83.367 người mắc  virus COVID-19, 2.858 người tử vong, trong đó: Lục địa Trung Quốc: 2.788 người tử vong; Hồng Kông (Trung Quốc): 02 người tử vong; Đài Loan (Trung Quốc): 01 người tử vong; Phillippines: 01 người tử vong; Nhật Bản: 04 người tử vong; Pháp: 02 người tử vong; Tàu Diamond Princess: 04 người tử vong; Iran: 26 người tử vong; Hàn Quốc: 13 người tử vong; Ý: 17 người tử vong.

Đối với Việt Nam: 16/16 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được điều trị khỏi. Tính đến ngày 27/2/2020, đã 15 ngày liền Việt Nam không ghi nhận trường hợp nào mắc mới.
16 người dương tính với COVID-19 đã điều trị khỏi gồm:

Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP.HCM (03); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01).

Số ca xét nghiệm COVID-19 âm tính: 1.432 trường hợp. 

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WHO và Hoa Kỳ: Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro trong chống COVID-19