Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi chính phủ các nước và các doanh nghiệp tăng 40% sản lượng thiết bị y tế trong nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 đang lan rộng bên ngoài Trung Quốc.
Theo WHO, sự gián đoạn nghiêm trọng và ngày càng tăng đối với nguồn cung toàn cầu về trang thiết bị bảo hộ cá nhân đang gây ảnh hưởng đến năng lực ứng phó Covid-19 của các quốc gia. Việc tích trữ, lạm dụng và gia tăng nhu cầu sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân đã gây ra sự gián đoạn này.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá khẩu trang y tế đã tăng gấp 6 lần, khẩu trang N95 đã tăng gấp 3 lần, chi phí cho áo choàng bảo hộ cũng có giá gấp đôi. Ước tính mỗi tháng, nhân viên y tế trên toàn cầu sẽ cần đến 89 triệu khẩu trang, 76 triệu găng tay và 1,6 triệu cặp kính bảo hộ.
Tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay, khẩu trang y tế, mặt nạ chống độc, kính bảo hộ,... đang đẩy các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 vào tình thế nguy hiểm khi chăm sóc người bệnh. Tổng Giám đốc WHO khẳng định, chúng ta không thể ngặn chặn Covid-19 mà không bảo vệ các nhân viên y tế.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
Đến nay, WHO đã chuyển gần 500.000 bộ thiết bị bảo hộ cá nhân tới 27 quốc gia. Song nguồn cung đang sụt giảm nhanh chóng. WHO đã hướng dẫn các quốc gia sử dụng hợp lý trang thiết bị bảo hộ cá nhân tại các cơ sở y tế cũng như quản lý nguồn cung hiệu quả.
Ngoài ra, WHO đang làm việc với các chính phủ, nhà sản suất và Mạng lưới chuỗi cung ứng trong đại dịch để thúc đẩy sản xuất và bảo đảm nguồn cung cho các quốc gia đang trong tình trạng nguy hiểm và quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19.
Để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang tăng, WHO ước tính rằng, ngành công nghiệp phải tăng 40% sản xuất. Chính phủ nên phát triển các động lực cho ngành công nghiệp để tăng cường sản xuất. Điều này bao gồm nới lỏng các hạn chế trong việc xuất khẩu và phân phối thiết bị bảo vệ cá nhân và các vật tư y tế khác.
Các quan chức y tế thế giới cũng cho biết, tỷ lệ tử vong do Covid-19 là 3,4% trên toàn cầu, cao hơn so với ước tính trước đó là khoảng 2%.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở WHO, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trên toàn cầu, khoảng 3,4% trường hợp nhiễm Covid-19 được báo cáo đã tử vong.
Covid-19 khởi phát từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) hồi tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 91.000 ca bệnh, hơn 3.100 trường hợp tử vong, trong đó số người chết tại Trung Quốc là 2.946 ca.