Whitmore - căn bệnh từng bị lãng quên giờ bùng phát trở lại. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên vừa điều trị cho một người bệnh nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Theo đó, nam bệnh nhân tên M.V.D. (45 tuổi, Võ Nhai, Thái Nguyên) nhập viện sau 1 tuần bị bừa đâm vào mặt ngoài gối phải, đã vệ sinh và khâu vết thương. Sau đó vết thương sưng nề, chảy dịch, vào viện chẩn đoán vết thương nhiễm trùng gối phải, được dùng 10 ngày kháng sinh Ceftizoxim, Tobramycin, vết thương khô thì ra viện.
Sau 10 ngày, bệnh nhân lại phải nhập viện lại vì vết thương vẫn sưng nề, chảy dịch mủ, hình thành ổ apxe. Bệnh nhân được phẫu thuật nạo tổ chức viêm lấy xương chết, nuôi cấy mủ tổ chức viêm tìm thấy vi khuẩn B. Pseudomallei (sau gần 1 tháng khởi bệnh).
Bệnh nhân được hội chẩn tại khoa Bệnh Nhiệt đới và điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore. Sau 3 tuần, vết thương vùng gối phải khô, liền sẹo tốt, bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị kháng sinh duy trì theo phác đồ.
Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore
ThS.BS Nguyễn Thị Mai Huyền - Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, Whitmore (hay Melioidosis - “vi khuẩn ăn thịt người”) là bệnh lây nhiễm, gây ra bởi vi khuẩn gram âm B. Pseudomallei thường được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn ô nhiễm (như hít phải bụi nhiễm vi khuẩn hay khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da).
Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và xuất hiện lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị "lãng quên". Tỷ lệ bệnh nhân tử vong rất cao, tới 40%. Bệnh đang có nguy cơ tái bùng phát ở Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng.
Trước đó, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Whitmore. Riêng tháng 8 tiếp nhận 12 bệnh nhân, trong đó có 4 ca đã tử vong do "vi khuẩn ăn thịt người" đã ăn hết nhiều cơ quan trong cơ thể. Hầu hết các bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa phát hiện 1 bệnh nhân bị mắc bệnh Whitmore nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, ngón 2 bàn chân phải có khối áp-xe sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi. Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh Đái tháo đường type II.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng đã phát hiện và điều trị cho 3 trẻ em bị bệnh Whitmore. 3 trẻ trước đó được người nhà đưa đến viện với tình trạng áp xe viêm tuyến nước bọt mang tai. Khi đưa đến, tình trạng bệnh của 3 em đã chuyển nặng. Đáng nói, người nhà các em cho biết do bệnh có biểu hiện giống quai bị nên đã tự điều trị tại nhà.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Người mắc bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này.
Bệnh Whitmore có các biểu hiện lâm sàng đa dạng như: Sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.