Việt Nam tăng 10 bậc trong báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index) 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Trong báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu vừa được WEF công bố, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế năm nay, với 61,5 điểm trên thang 100. Thứ hạng năm ngoái là 77 trên 140, được 58,1 điểm. Mức tăng 10 bậc của Việt Nam được WEF nhấn mạnh rằng Việt Nam là quốc gia có điểm số năng lực cạnh tranh tăng mạnh nhất thế giới trong xếp hạng năm nay.
Điểm đánh giá của Việt Nam với lần lượt 12 cột trụ của WEF.
WEF xếp hạng các nền kinh tế thông qua 103 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm Môi trường Thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin – viễn thông, Ổn định vĩ mô), Thị trường (Sản phẩm, Lao động, Hệ thống Tài chính, Quy mô thị trường), Nhân lực (Sức khỏe, Kỹ năng) và Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo (Sự năng động trong kinh doanh, Khả năng đột phá). Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.
Trong 12 trụ cột của WEF, Việt Nam đạt thứ hạng cao nhất về Quy mô thị trường, khi đứng thứ 26, với 72 điểm. Xếp hạng thấp nhất là Kỹ năng, đứng thứ 93 toàn cầu. So với năm ngoái, điểm số của gần như toàn bộ 12 lĩnh vực đều tăng.
Để đưa ra xếp hạng gồm 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, các chuyên gia của WEF đã tiến hành phân tích 103 chỉ số chính như lạm phát, kỹ năng số và thuế quan thương mại. Các chỉ số này được sắp xếp thành 12 trụ cột, bao gồm thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, và sức khỏe.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau các nước Singapore (vị trí 1), Malaysia (27), Thái Lan (40), Brunei (56), và Philippines (64); đồng thời đứng trên Campuchia (106) và Lào (113).
Năm nay, Singapore đã soán ngôi của Mỹ để đứng ở vị trí số 1. Quốc đảo Sư tử giành điểm số cao ở các tiêu chí khu vực công, lực lượng lao động, tính đa dạng, và cơ sở hạ tầng. Nước này cũng xếp thứ nhất về tuổi thọ, với trẻ em mới sinh ở đảo quốc sư tử được dự báo sống thọ bình quân 74 tuổi.
So với năm 2018, năm nay Mỹ đã tụt một bậc xuống vị trí thứ hai. Mỹ được đánh giá cao ở những tiêu chí như sự sẵn có của nhân lực trình độ cao và vốn đầu tư mạo hiểm, nhưng nhận điểm số tương đối thấp ở một số hạng mục do thuế quan gia tăng, tuổi thọ giảm…
Kinh tế Việt Nam năm 2019 đã đi được ¾ chặng đường và theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2019, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây. Kết quả tăng trưởng khẳng định tính quyết đoán, kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.