Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab đánh giá Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 là hội nghị cao cấp nhất mà WEF từng có.
Hôm nay (12/9), Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 chính thức khai mạc phiên toàn thể, với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế và gần 1.000 đại biểu đến từ các Tập đoàn đa quốc gia.
Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab. Ảnh: Entrernews
Phát biểu dẫn đề hội nghị, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab đánh giá "WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam là hội nghị cao cấp nhất mà WEF từng có. Điều này cho thấy tiềm năng của khu vực ASEAN - khu vực với sự tham gia của các quốc gia có kinh tế và chính trị mạnh mẽ nhất trên thế giới”. Theo ông, tất cả chúng ta đều là một phần của hai cuộc chuyển đổi cơ bản sẽ làm thay đổi một cách toàn thể bối cảnh kinh tế và chính trị và toàn cầu.
Thứ nhất là chuyển từ hệ thống đơn cực sang đa cực, từ một thế giới đơn phương đến đa phương. Nó sẽ mở rộng tiềm năng để giải quyết các cuộc xung đột chúng ta thấy hiện nay. “Dù chúng ta còn nhiều khác biệt nhưng không nên quên rằng chúng ta có mối quan tâm chung và trách nhiệm chung với thế giới. Chúng ta hãy nghĩ việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta theo cách mà ASEAN đang tìm cách bằng sự đồng thuận của các quốc gia. Đây là một mô hình tốt trên thế giới”, ông Klaus Schwab nói. Thứ hai là một sự chuyển đổi đang diễn ra là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, kinh tế - xã hội một cách cơ bản và mang tính đột phá. Sự cạnh tranh toàn cầu được xác định bởi năng lực cạnh tranh và không còn được xác định bởi giá thành nữa.
Các quốc gia đã thành công trong làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có hệ sinh thái sáng tạo và hệ sinh thái doanh nhân. Để có thể định hướng thành công trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đòi hỏi chính phủ các nước ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa thịnh vượng, tạo ra các công việc cần thiết.
Ông Klaus Schwab cho rằng thế giới đang tham gia vào cuộc chạy đua để làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự cạnh tranh này ngày càng lớn hơn. “Chúng ta muốn bảo đảm rằng các quốc gia ASEAN với tầm nhìn phù hợp, với chính sách tối ưu, với dân số trẻ tuổi và tinh thần kinh doanh cao có thể sẽ là những người đi đầu trong cuộc cách mạng này để giúp ASEAN chuẩn bị tốt hơn và giành được chiến thắng. Đó là mong muốn của tôi”, ông Klaus Schwab bày tỏ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài viết quan trọng: "Hội nghị WEF ASEAN 2018 - Chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0". Trong bài viết nêu rõ: ” Có thể nói Hội nghị WEF ASEAN 2018 không chỉ thể hiện vai trò chủ động và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với ASEAN, mà còn khẳng định tầm nhìn chiến lược về đối ngoại và phát triển của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng là tầm nhìn chiến lược về việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ; đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm của phát triển; khuyến khích mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, sự năng động và sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân”.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 diễn ra từ ngày 11-13/9/2018 với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0” là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm do Việt Nam tổ chức.