Vướng mắc của Tòa án liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023

Mai Thoa| 29/12/2022 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy sẽ không còn giá trị sử dụng trong giải quyết các thủ tục hành chính. Cơ quan Tòa án sẽ gặp một số vướng mắc liên quan đến vấn đề này.

Đây cũng là một trong những nội dung được đề cập đến tại Hội nghị triển khai công tác 2023 do Tòa án hai cấp TP Hồ Chí Minh tổ chức. Theo đó, Tòa án sẽ gặp khó khăn khi xác định thẩm quyền trong giao dịch dân sự, và một số thủ tục hành chính khi bỏ sổ hộ khẩu giấy.

quang-canh-hoi-nghi-trien-khai-cong-tac-nam-2023-cua-tand-hai-cap-tp.hcm.jpg
Hội nghị triển khai công tác 2023 Tòa án hai cấp TP Hồ Chí Minh ngày 27/12.

Tòa khó khăn trong một số thủ tục hành chính

Ông Phùng Văn Hải - Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh đã trình bày về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong thực tiễn và đề xuất giải pháp khắc phục.

Theo Phó Chánh án Phùng Văn Hải, từ 1/1/2023, sẽ không còn sử dụng sổ hộ khẩu giấy, vậy khi nhận đơn khởi kiện vụ việc dân sự (nói chung), Tòa án phải yêu cầu người dân nộp tài liệu gì để chứng minh hiện cư trú ở đâu để xác định thẩm quyền? Việc bãi bỏ sổ hộ khẩu gia đình của cá nhân dẫn đến nơi cư trú của các đương sự sẽ căn cứ vào thông tin được cập nhật trên căn cước công dân.

Việc đương sự khai nhận nơi tạm trú theo căn cước công dân nhưng không cư trú thực tế, TAND sẽ căn cứ vào địa chỉ thực tế cư trú hay theo căn cước công dân của đương sự để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án? Hiện nay, Tòa án cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tống đạt giấy tờ đến các đương sự.

Ví dụ, đương sự đang cư trú tại các căn hộ chung cư cao cấp, bảo vệ, quản lý chung cư không đồng ý dẫn đến tận căn hộ, nhà trong khu...để tống đạt giấy tờ. Nếu niêm yết tại bảng thông báo cổng, sảnh chung cư, tại hòm thư cư dân thì có xem là đã niêm yết tại địa chỉ cư trú không?

Từ thực tế đó, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị TANDTC chính thức có các giải đáp nghiệp vụ đối với những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động tố tụng, áp dụng pháp luật nêu trên.

Bên cạnh đó, Phó chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra hàng loạt kiến nghị, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án, nâng cao chất lượng xét xử.

Theo báo cáo của TAND TP.Hồ Chí Minh, năm 2022, TAND hai cấp TP.HCM đã thụ lý 60.821 vụ việc, đã giải quyết 47.203 vụ việc, đạt 77,6%. Tỷ lệ án hủy do lỗi chủ quan là 0,26% (124/47.203), sửa do lỗi chủ quan là 0,34% (161/47.203), tỷ lệ án hủy, sửa dưới mức cho phép. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ việc thụ lý tăng 10.194 vụ việc, giải quyết tăng 20.477 vụ việc, tỷ lệ giải quyết tăng 26%, tỷ lệ án hủy, sửa giảm 0,68%.

Năm 2022, TAND cơ quan này tiếp nhận mới 40.383 hồ sơ khởi kiện các loại, trong đó có 27.587 hồ sơ đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tòa án cũng đưa ra xét xử một số vụ án liên quan đến các tội phạm về tham nhũng, chức vụ, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: vụ án Nguyễn Võ Quỳnh Trang, Nguyễn Kim Trung Thái (vụ hành hạ bé gái 8 tuổi), vụ án Dương Thị Bạch Diệp, vụ án Lê Tấn Hùng, vụ án Tất Thành Cang, vụ án Tề Trí Dũng…

Khi bỏ hộ khẩu giấy, thủ tục hành chính căn cứ vào đâu?

Không chỉ Tòa án mà các cơ quan hành chính khác cũng băn khoăn về việc, trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, nếu cán bộ không thể khai thác được thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân sẽ phải xuất trình loại giấy tờ gì?

pho-chanh-an-thuong-truc-nguyen-tri-tue-trao-co-thi-dua-tandtc-cho-cac-don-vi.jpg
Phó Chánh án Thường trực Nguyễn Trí Tuệ trao Cờ Thi đua TANDTC cho các đơn vị tại Hội nghị triển khai công tác 2023 Tòa án hai cấp TP Hồ Chí Minh. (Ánh: Văn Vũ).

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã triển khai 7 phương thức để người dân cung cấp cho cán bộ liên quan thông tin cư trú, nhân thân của mình, bao gồm: Sử dụng căn cước công dân, thiết bị đọc QR code, thiết bị đọc chip, tra cứu, khai thác thông tin trên cổng dịch vụ công, thông tin trên VNeID, rà soát thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân.

Nghị định 104 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 cũng quy định 4 phương thức sử dụng thông tin cư trú của công dân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Đó là, tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia; Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID.

Tiếp đến là sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân gắn chip, và các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Nghị định nêu rõ trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú theo các phương thức được nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức... được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin cư trú bao gồm thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng mắc của Tòa án liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023