Lễ mừng lúa mới là hoạt động văn hóa được bà con người Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An lưu truyền và phát huy, góp phần bảo tồn bản sắc truyền thống và tạo động lực cho quá trình phát triển đời sống về mọi mặt.
Lễ mừng lúa mới là một nghi lễ được người Khơ Mú khá coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác, bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc của người dân Khơ Mú đối với ông bà, tổ tiên.
Theo như các cụ cao niên người Khơ Mú cho hay, trong một chu kỳ canh tác nông nghiệp, sau khi đã thu hoạch xong mùa màng, các gia đình dâng cúng lên tổ tiên những cỗ xôi được hông từ nếp cốm lúa mới.
Lễ vật trong mâm cúng của các gia đình rất phong phú và đa dạng, nhưng cũng không quá cầu kỳ và tốn kém. Ngoài thức ăn được chế biến từ các sản vật do gia đình tự chăn nuôi và trồng cấy, như các loại thịt gà, thịt lợn, thịt cá… thì không thể thiếu sản phẩm được làm từ những bông lúa mới, những cỗ xôi được hông từ cốm lúa mới thơm phức đặt lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên.
Theo đó, hàng năm cứ vào khoảng tháng 9 - 10 dương lịch, khi cây lúa trên nương ngả màu vàng, người Khơ Mú sẽ chọn ngày lành đi lựa chọn những bông lúa nếp chín mẩy, trĩu bông mang về làm cốm chuẩn bị cho lễ hội cơm mới.
Những bông lúa được chọn để làm cốm là những bông lúa nếp chín mẩy, trĩu bông, hạt to nhất, vỏ hơi lam vàng và hạt chưa chín hết, nếu đã chín hết thì cốm sẽ không thơm.
Được biết, trước đây lúa được chọn làm cốm thường là lúa nếp được trồng trên nương rẫy, bởi vì loại lúa này thường giữ được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa cũng không bị mất đi. Ngày nay, diện tích canh tác lúa trên nương rẫy không còn nhiều, nên lúa làm cốm chủ yếu là nếp ruộng.
Để làm ra mẻ cốm thơm ngon, màu cốm xanh óng, người làm cốm phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công, mỗi một công đoạn cần sự cần mẫn, tỉ mỉ của người làm cốm.
Sau khi hái lúa về sẽ được cho lên nồi đun sôi đến khi nghe mùi thơm của nếp non, đồng thời vỏ trấu đã bắt đầu bóc tách, lúc đó sẽ đưa lên giàn bếp để xông khô.
Bà Lữ Thị Lan, người dân tộc Khơ Mú ở bản Xốp Pu, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An), cho biết: “Lễ mừng lúa mới của người dân tộc Khơ Mú được tổ chức với ý nghĩa tạ ơn ông, bà, tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho cây trồng tốt tươi, không bị sâu bệnh phá hoại, chim sóc thú rừng phá, mùa màng mới bội thu, cuộc sống ấm no, đầy đủ và hạnh phúc.
Trong mâm cúng không thể thiếu xôi được hông từ cốm nếp mới, vì vậy, năm nào gia đình tôi cũng làm cốm nếp mới để cúng ông bà, tổ tiên”.
Lúa sau khi phơi khô sẽ cho vào cối giã cho đến khi tróc vỏ trấu. Chị Lữ Thị Hiền, ở bản Xốp Pu, xã Yên Na, cho hay: “Trong quá trình giã không được quá mạnh tay, mạnh tay quá cốm sẽ nát. Muốn có được những hạt cốm óng mượt, xanh mướt, khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống dưới sao cho đều”.
Đa phần người dân tộc Khơ Mú trong bản luôn có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, lễ mừng lúa mới được duy trì từ rất lâu và được tổ chức vào sau khi thu hoạch xong mùa màng.
“Bà con tổ chức cúng ông bà, tổ tiên đã trông coi mùa màng, nương rẫy suốt một năm qua và cầu mong phù hộ cho gia đình năm tới tiếp tục được mùa, cây cối tốt tươi, con cháu khỏe mạnh".Ông Ốc Văn Khuê, Trưởng bản Xốp Pu, xã Yên Na
Trước đây gần như gia đình nào cũng tự làm cốm, nhưng giờ thì ít hơn, những gia đình không tự làm được cốm sẽ mua ngoài thị trường để về làm lễ mừng lúa mới”, ông Khuê chia sẻ.
Lễ mừng lúa mới là dịp để các thành viên trong gia đình, dòng họ quây quần bên nhau mừng thành quả lao động sau một mùa vụ vất vả.
Đồng thời cũng là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đặc biệt là duy trì truyền thống thờ cúng tổ tiên của tộc người Khơ Mú, giúp gia đình, dòng họ ngày càng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.