Dư âm vụ xử phạt của Quế Ngọc Hải cũng như những quy định về kỷ luật đã làm nóng hội trường buổi Hội thảo do VPF tổ chức chiều qua (18/12).
Hội thảo công tác tổ chức các giải bóng bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2016 do Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) tổ chức với thành phần tham dự là đại diện các CLB tham dự V-League và Giải hạng nhất 2016 cũng như đại diện của VPF, VFF.
Một hội nghị đúng tính chất của những người làm nghề nên những ý kiến phát biểu trong hội thảo khá thẳng thắn. Ngoài những chia sẻ của đại diện Sportrada về các phương án phòng chống cá độ tại mùa giải 2016, hội thảo cũng nóng lên bởi phát biểu của ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Công ty cổ phần bóng đá Sông Lam Nghệ An.
Theo quan điểm của ông Thanh, việc Quế Ngọc Hải phải trả 830 triệu đồng chữa trị cho Anh Khoa của SHB Đà Nẵng là không hợp lý và thiếu tình người: “Án xử phạt với cháu Quế Ngọc Hải là không hợp lý. Hải là cầu thủ trẻ, lương tháng của Hải chỉ trên 10 triệu mà phải trả cho một pha vào bóng 830 triệu đồng. Đây là ra tranh cướp bóng, không phải đánh nhau, mà đá bóng không thể không có va chạm. Những khái niệm này rất trừu tượng nên cần phải có cựu trọng tài trong ban kỷ luật để phân tích các tình huống và xử lý theo luật của bóng đá chứ không phải luật hình sự”.
Có lẽ nhận thấy sự bất hợp lý về kỷ luật nên trong bản dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy định kỷ luật của VFF gửi đến các CLB đã có sự thay đổi. Theo đó, điều 39, hành vi xâm phạm thân thể được điều chỉnh: “Người vi phạm phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra”. Tuy nhiên mức chi trả không vượt quá 15 tháng lương của người vi phạm theo hợp đồng lao động ký với CLB chủ quản; Không vượt quá 50 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là cầu thủ đào tạo, tập nghề. Trong trường hợp này, chi phí sẽ do CLB, đội bóng đang sử dụng, quản lý cầu thủ tại thời điểm vi phạm chi trả.
Những sửa đổi bổ sung về kỷ luật của VFF là cần thiết bởi quyết định Ngọc Hải phải chi trả toàn bộ chi phí chữa trị cho Anh Khoa là “độc nhất vô nhị” trong làng túc cầu. Điều đó cho thấy một phần trong những bất cập còn tồn tại của bóng đá Việt Nam dù đã có 15 năm gọi là chuyên nghiệp. Và có lẽ những người tham dự hội thảo sẽ còn cảm thấy day dứt rất lâu trước những chia sẻ của ông Thanh rằng “có một nhà báo và là một người gắn bó với thể thao vài chục năm nói rằng có lẽ bức ảnh Ngọc Hải, Anh Khoa, đại diện của SLNA và SHB ngồi thanh toán tiền cho nhau là một trong 10 khoảnh khắc ấn tượng nhất trong năm 2015”.