Hồ sơ vụ án

Vụ Việt Á: Cựu Thứ trưởng và Cục trưởng của Bộ Tài chính có trách nhiệm gì?

Mạnh Hùng 21/08/2023 - 14:16

Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Bộ Công an kết luận các cựu lãnh đạo liên quan đến vụ án Việt Á của Bộ Tài chính không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi, nên “không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự”.

63cb7422-9765-49ed-8692-46d3ca1a7b30.jpeg
Một số bị can trong vụ án.

Cựu cán bộ của Bộ Tài chính có trách nhiệm gì?

Trong vụ Việt Á, theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT, Bộ Công an, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn (cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính) và ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính) có trách nhiệm trong việc ban hành Thông báo số 266 ngày 27/3/2020 nêu giá hiệp thương 470.000 đồng/kit test là tạm tính, không có trong quy định của Luật Giá.

Tuy nhiên, mục đích sử dụng là để tạm thanh toán, không sử dụng làm căn cứ quyết toán. Khi thấy giá kit test không có căn cứ, họ đã trao đổi với Bộ Y tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế kiểm tra giá.

Khi kiểm tra giá, họ đã đề nghị Bộ Y tế xác định rõ tính phù hợp của nguyên liệu sản xuất sinh phẩm làm cơ sở rà soát chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung. Điều này để xác định chính xác giá kit test.

Cơ quan CSĐT kết luận hai cựu lãnh đạo này của Bộ Tài chính không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không có sự thông đồng với Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á).

Ngoài ra, họ cũng không được hưởng lợi, chủ động khai báo, tích cực hợp tác để làm rõ bản chất tội phạm và người phạm tội. Vì vậy, “không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với hai người trên”, kết luận nêu rõ.

Cụ thể, theo kết luận điều tra, khi hiệp thương, hồ sơ hiệp thương của Bộ Y tế còn thiếu Bảng chi tiết yếu tố hình thành giá và Công ty Việt Á còn thiếu các căn cứ tính giá theo quy định tại Điều 10, Thông tư số 56/2014 của Bộ Tài chính.

Nguyễn Nam Liên (khi đó là Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; hiện là bị can trong vụ án) đã đại diện Bộ Y tế quyết định giá hiệp thương 470.000 đồng/kit test không có căn cứ. Nhận thấy điều này, ông Nguyễn Anh Tuấn đã báo cáo và được ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng Bộ Tài chính) chỉ đạo ký Thông báo số 266 nêu giá hiệp thương 470.000 đồng/kit test là “tạm tính” để thực hiện giao hàng và tạm thanh toán, không có trong quy định của Luật Giá.

Theo kết luận, việc ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo và Nguyễn Anh Tuấn đưa nội dung giá tạm tính nhằm bảo vệ ngân sách nhà nước không bị thiệt hại, thất thoát, lãng phí.

Sau khi hiệp thương, ông Nguyễn Anh Tuấn đã tham mưu để Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký văn bản của Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế sớm kiểm tra giá hiệp thương, xác định giá chính thức để làm căn cứ thanh toán nhưng Bộ Y tế không thực hiện.

Sau đó, ông Nguyễn Anh Tuấn tiếp tục tham mưu để Thứ trưởng ký văn bản của Bộ Tài chính, báo cáo và kiến nghị để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương.

Liên quan đến việc kiểm tra giá hiệp thương, ông Nguyễn Anh Tuấn được Bộ Tài chính phân công làm Phó trưởng Đoàn kiểm tra giá. Khi kiểm tra, ông Tuấn và thành viên đoàn được Nguyễn Nam Liên (khi đó là trưởng đoàn) phân công kiểm tra chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung (chiếm 21% giá thành trong phương án giá hiệp thương).

viet-a.jpg
Sản phẩm của Công ty Việt Á.

Quá trình kiểm tra, nhóm kiểm tra của Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra, xác định một số khoản chi phí không có hóa đơn chứng từ, chi phí nhân công giảm do tính cả chi phí nhân công bộ phận khác vào bộ phận sản xuất sinh phẩm.

Nhóm đã đề nghị Nguyễn Nam Liên chỉ đạo xác định rõ tính phù hợp của nguyên liệu sản xuất sinh phẩm làm cơ sở rà soát chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung. Sau khi cùng đoàn Bộ Y tế thực hiện việc kiểm tra giá tại Công ty Việt Á, ông Nguyễn Anh Tuấn đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra.

Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT nêu rõ: "Việc đoàn kiểm tra chưa có kết luận về giá hiệp thương, nguyên nhân chính là chưa có kết quả kiểm tra về nguyên vật liệu chính phục vụ sản xuất kit xét nghiệm bị thay đổi. Trách nhiệm thuộc về Nguyễn Nam Liên - Trưởng Đoàn kiểm tra giá hiệp thương”.

Doanh nghiệp trung gian nào được sếp Việt Á chi phần trăm ngoài hợp đồng?

Theo bản kết luận điều tra vừa được C03 công bố, Phan Quốc Việt bị đề nghị truy tố về 2 tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Để thực hiện mục đích tham gia sâu vào quá trình đấu thầu cung cấp kit test Covid-19 tại các bộ, ngành, địa phương, Phan Quốc Việt đã mượn nhiều doanh nghiệp có quan hệ làm ăn thân thích với Công ty Việt Á để hợp thức đấu thầu, từ đó trúng thầu và bán kit test Covid-19 với giá cao.

Theo kết luận điều tra, khi Công ty Việt Á được sản xuất thương mại kit test Covid-19, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá (kết quả điều tra xác định, giá thành sản xuất kit test Covid-19 tối đa là hơn 143.000 đồng/kit, đã bao gồm 5% lợi nhuận và tất cả chi phí), nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit không có căn cứ.

Khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành, nhưng bộ này không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được Phan Quốc Việt nâng khống, đăng cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.

C03 xác định, để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test Covid-19, được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được nâng khống như nêu trên, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số bị can là các cựu lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ KH-CN…

Quá trình Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit test Covid-19, với mục đích để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian theo hình thức bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian; hoặc liên hệ các lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước.

Bước tiếp theo là sẽ thông đồng để hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á và công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á, công ty trung gian đưa ra.

Việc này đã được C03 xác định thủ đoạn chính: Công ty Việt Á, công ty trung gian cung cấp thông số kỹ thuật sản phẩm và báo giá của Công ty Việt Á, báo giá của các công ty trong hệ thống Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, chỉ đạo, điều hành (gồm: Công ty An Việt, Công ty Khoa học Việt Á, Công ty cổ phần Thừa Thiên - Huế...) hoặc báo giá của các công ty có mối quan hệ quen biết với Phan Quốc Việt, quan hệ làm ăn kinh tế với Công ty Việt Á (Công ty VNDAT, Công ty TABC...).

Trong đó, báo giá do Công ty Việt Á, công ty trung gian đưa ra là giá thấp nhất để lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng đưa vào hồ sơ dự toán, hồ sơ đấu thầu theo các hình thức đấu thầu rộng rãi, chào thầu qua mạng hoặc chỉ định thầu thông thường hay chỉ định thầu rút gọn.

Cơ quan CSĐT khẳng định, việc này không đảm bảo nguyên tắc khách quan, minh bạch trong đấu thầu, vi phạm các điều cấm trong đấu thầu.

Theo lời khai của Phan Quốc Việt và đồng phạm, sau khi Công ty Việt Á, công ty trung gian được các đơn vị, cơ sở y tế thanh toán tiền theo hợp đồng, Phan Quốc Việt chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho công ty trung gian, đơn vị, cơ sở y tế bằng hình thức chuyển tiền từ tài khoản Cửa hàng Âu Lạc (do Hồ Thị Thanh Thảo, em vợ Phan Quốc Việt quản lý, sử dụng) đến tài khoản của 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á để những nhân viên này chuyển khoản hoặc rút tiền mặt đưa cho lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế.

Đồng thời chuyển tiền đến tài khoản của lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế hoặc tài khoản của các đối tượng khác do lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế cung cấp; chuyển tiền đến tài khoản của các cá nhân do công ty trung gian cung cấp để công ty trung gian sử dụng chi tiền cho lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Việt Á: Cựu Thứ trưởng và Cục trưởng của Bộ Tài chính có trách nhiệm gì?