Để có căn cứ xác định nguyên nhân cô gái tử vong thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân vụ việc, quy trình khám chữa bệnh của chị T tại Bệnh viện. Kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định.
Khoảng 8 giờ 40 phút ngày 15/3, chị Nguyễn Thị Thu T (SN 1982, trú tại Đông Khê, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đi một mình đến Bệnh viện Quân y 7 Hải Phòng ở đường Bến Bính, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng để thăm khám nhổ răng số 8.
Trong quá trình nhổ răng, sau khi bác sĩ xét nghiệm xong, chị T được tiêm thuốc gây tê trước khi nhổ răng. Tuy nhiên, chưa kịp tiến hành phẫu thuật, nhổ răng thì chị thấy có dấu hiệu khó thở, trụy tim và tử vong sau đó.
Người nhà nạn nhân hoang mang trước vụ việc
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, nhổ răng là ca phẫu thuật nhỏ, được thực hiện không cần gây mê mà chỉ cần gây tê. Trước khi tiểu phẫu cần làm các xét nghiệm máu để đảm bảo công thức máu và khả năng đông máu bình thường. Về cơ bản thì việc nhổ chiếc răng số 8 của chị T là không nguy hiểm hay biến chứng gì đến người bệnh. Vì hiện nay, với kỹ thuật nha khoa hiện đại và tay nghề bác sỹ được nâng cao thì sẽ giảm thiểu thấp nhất các rủi ro.
“Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân tử vong của chị T là trong giai đoạn tiêm thuốc gây tê trước khi nhổ răng. Như vậy, cái chết của chị T được xác định là ở khâu gây tê đã gây biến chứng sốc phản vệ, chứ không phải do việc đang nhổ chân răng thì bị tử vong”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Thơm chia sẻ, gây tê là phương pháp giúp người bệnh không đau với mức độ thức tỉnh khác nhau nhằm duy trì ổn định các chức năng sống trong khi thực hiện phẫu thuật (mổ), thủ thuật. Gây tê đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động phẫu thuật và được chuẩn bị trước khi phẫu thuật.
Sử dụng thuốc gây tê, mê là một tiến bộ rất lớn của ngành y nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Tuy nhiên sử dụng thuốc loại này giống như việc sử dụng con dao hai lưỡi. Thuốc có tác dụng gây tê là rất tốt nhưng đồng thời cũng có thể gây tai biến chết người. Không hiếm xảy ra trường hợp người bệnh chỉ mới được tiêm một liều thuốc gây tê nhỏ lại bị tử vong vì sốc thuốc không những ở Việt Nam mà ngay cả những nước có nền y tế phát triển.
Khi nhổ răng bình thường sẽ được tiêm thuốc tê vùng nướu và có cảm giác tê cứng, không còn cảm giác nhưng ý thức vẫn hoàn toàn tỉnh táo, tay chân vẫn hoạt động bình thường. Có thể trong trường hợp chị T nhổ răng số 8 đã được Bác sỹ chỉ định gây tê một vùng rộng lớn nên đã được chích thuốc vào tủy sống hay ngoài màng cứng.
Luật sư Thơm nhấn mạnh: “Để có căn cứ xác định nguyên nhân chị T tử vong thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân vụ việc, quy trình khám chữa bệnh của chị T tại Bệnh viện. Kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định của pháp luật”.
Nếu Bác sỹ điều trị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Răng Hàm Mặt được qui định tại Quyết định số 3207/QĐ-BYT ngày 29/8/2013 là nguyên nhân dẫn tới bệnh nhân tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp, nếu có căn cứ xác định, Bác sỹ đã thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật khám, chữa bệnh Răng Hàm Mặt và chị T tử vong là rủi ro trong y khoa thì Bác sỹ điều trị không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, do Bác sỹ điều trị làm việc tại Bệnh viện thì khi hậu quả xảy thì Bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo qui định tại các Điều 590, 597 Bộ luật dân sự 2015.