Vụ tấn công khủng bố tại Pháp: Áp lực mở rộng chiến dịch chống IS gia tăng

TK| 16/11/2015 19:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các vụ tấn công khủng bố tại Paris chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải cân nhắc việc mở rộng chiến dịch quân sự chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" ở Iraq và Syria.

Tuy nhiên, trước mắt chưa thể diễn ra ngay những động thái mạnh mẽ như Mỹ hoặc cộng đồng phát động một cuộc tấn công trên bộ hay đẩy mạnh chiến dịch ném bom từ trên không với hy vọng đập tan mối đe dọa khủng bố bạo lực toàn cầu. 

Vụ tấn công khủng bố tại Pháp: Áp lực mở rộng chiến dịch chống IS gia tăng

An ninh tại Pháp thực sự báo động, đặc biệt qua vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris ngày 13.11 vừa qua - Ảnh: AFP

Mỹ hiện phải hứng chịu sức ép chính trị ngày càng gia tăng ở cả trong và ngoài nước yêu cầu cường quốc này hành động nhiều hơn nữa và tìm ra các biện pháp để tăng cường chiến dịch chống IS, trong đó có việc tăng cường không lực. Các quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ kêu gọi các đồng minh châu Âu và Arập tăng cường can dự quân sự vào cuộc chiến ở Iraq và Syria.

Anthony Cordesman, nhà phân tích kỳ cựu về tình hình Trung Đông, và các nhà phân tích quốc phòng khác của Mỹ nhận định: Tổng thống Obama có thể tăng cường chiến dịch chống IS bằng cách cử các cố vấn quân sự của Mỹ ra gần tuyến đầu hơn, sát cánh cùng với các lực lượng Iraq và các tay súng chống IS ở Syria. Tuy nhiên, động thái đó và những hành động tương tự nhằm tăng cường sự hỗ trợ của Mỹ dành cho các lực lượng địa phương chưa chắc đã mang lại kết quả nhanh chóng. Theo nhà phân tích Cordesman, các vụ tấn công khủng bố thảm khốc giống như các vụ tấn công khủng bố ở Paris vừa qua là điều khó có thể tránh khỏi trong vòng vài năm tới, và trong ngắn hạn, thế giới chưa thể tìm ra giải pháp cho tình trạng này.

Trong khi đó, ông Richard Fontaine - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách An ninh Mỹ Mới có trụ sở tại Washington, trước đây là cố vấn chính sách đối ngoại cho Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain - cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama gần như chắc chắn sẽ cân nhắc các biện pháp mới nhằm thúc đẩy chiến dịch quân sự của họ. Theo ông Fontaine, Tổng thống Obama có thể sẽ phải đưa ra ít nhất hai sự thay đổi tại Iraq mà ông luôn không hề mong muốn: một là, đưa các cố vấn quân sự Mỹ trong các đơn vị quân đội Iraq lên gần tuyến đầu hơn; hai là, triển khai lực lượng kiểm soát bầu trời trên chiến trường để cải thiện hiệu quả của các cuộc không kích của Mỹ. Tuy nhiên, ông cho biết không có khả năng Mỹ triển khai bộ binh tại Syria.

Ông Stephen Biddle, Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại trường Đại học George Washington, cho rằng các vụ tấn công khủng bố ở Paris có thể sẽ khiến các cường quốc thế giới ráo riết tăng cường các hoạt động quân sự nhằm tiêu diệt IS. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, sẽ là sai lầm nếu Mỹ phát động một cuộc chiến tranh trên bộ. Ông Biddle nói: "Để đánh bại hoàn toàn IS, cần phải có hàng trăm nghìn lính lục quân. Tuy nhiên, không ai có thể nói một cách chắc chắn rằng các nước sẽ cam kết đóng góp đủ số binh lính đó. Điều đó không bao giờ diễn ra trên thực tế". Tuy nhiên, theo ông, Mỹ và các đồng minh sẽ tăng cường chiến dịch chống IS nhưng có giới hạn, và sẽ không đưa ra bất kỳ giải pháp nào có khả năng tạo ra một sự khác biệt mang tính quyết định về mặt quân sự. Ông nhấn mạnh: "Việc leo thang chiến dịch chống IS chưa chắc đã giúp đánh bại được tổ chức này, và cũng không giải quyết được dứt điểm vấn đề".

Sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris, nhiều khả năng Pháp sẽ đề nghị sự hỗ trợ từ các đồng minh trong NATO. James Stavridis, một Đô đốc Hải quân đã nghỉ hưu, từng là chỉ huy cấp cao của NATO tại châu Âu từ năm 2007 đến năm 2013 và hiện là chủ nhiệm khoa của trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, cho rằng giờ là lúc NATO phải thể hiện vai trò quân sự của mình. Ông nêu rõ: “Các hành động của NATO cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có ý nghĩa chiến lược và có quy mô lớn”. Theo ông Stavridis, các lực lượng đặc nhiệm của NATO có thể được triển khai đến Iraq và Syria, với nhiệm vụ là phát hiện và nhận dạng máy bay địch, đồng thời đào tạo các tay súng chống IS. Lực lượng này cũng có thể đảm nhận cả nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và thực hiện các cuộc đột kích. NATO nên chào đón cả các nước không phải là thành viên như Nga chẳng hạn. Ông kết luận: "Giờ là lúc NATO nên phản ứng mạnh mẽ bằng hành động quân sự nhằm vào IS".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tấn công khủng bố tại Pháp: Áp lực mở rộng chiến dịch chống IS gia tăng