Sáng 10/10, tại Công ty TNHH Vĩnh Lộc trên đường An Phú Tây, xã An Phú Tây (Bình Chánh, TP. HCM), khí độc xì ra ngoài khi đường ống dẫn của Công ty bị vỡ khiến nhiều người miệng ứa máu, cô giáo một trường học gần đó phải dẫn học sinh tránh xa khu vực.
Bốn người nhập viện, nhiều vật nuôi bị chết
Được biết, gần trưa 10/10, người dân phát hiện khói trắng và mùi hôi nồng nặc phát ra từ trạm chiết Amoniac (NH3) của Công ty TNHH Vĩnh Lộc. Từ bên trong, nhiều công nhân bỏ chạy ra ngoài trong tình trạng khó thở, nôn ra máu. Bốn người được sơ cứu, đưa đến bệnh viện ngay sau đó. Nhiều vật nuôi và cây trồng xung quanh trạm chiết bị chết.
Nhiều vật nuôi bị chết sau vụ rò khí NH3
Chiều 10/10, hàng trăm người dân tại ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh đã trở về nhà sau nhiều giờ được chính quyền di dời, tránh xa khu vực Công ty TNHH Vĩnh Lộc - nơi xảy ra vụ xì khí NH3 khiến bốn người nhập viện. Họ còn nguyên vẻ thảng thốt trên gương mặt, túm tụm bàn tán về số vật nuôi, cây trồng bị chết, hư hại.
Sống gần hiện trường, anh Thành (25 tuổi) cho biết, khoảng hơn 9 giờ sáng, anh nghe tiếng nổ lớn. Nhiều người trong nhà hét lên "nổ khí gas" nên anh và mọi người chạy ra ngoài. Lượng khí từ trạm sang chiết lan rộng ra quanh vùng, giống như làn khói mỏng. Tài xế xe bồn chở khí và một người đi đường cũng ngã gục. Cùng với hai công nhân, họ được sơ cứu rồi chở đến bệnh viện ngay sau đó. Nhiều động vật nhỏ như gà, lợn, chó ngửi phải khí NH3 cũng giẫy giụa, lăn ra chết.
Nhà sát trạm sang chiết của Công ty Vĩnh Lộc, gia đình anh Nguyễn Tấn Tài chịu thiệt hại nặng nhất. Lúc xảy ra vụ rò rỉ khí vợ chồng anh đi công việc, khi về nhà anh phát hoảng vì 4 chú chó, 5 con heo và đàn gà chục con lăn ra chết trong vườn.
Do tính chất nguy hiểm của vụ việc, Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh điều một xe xử lý hoá chất cùng 4 xe nước đến hiện trường. Họ phối hợp cùng chính quyền địa phương đưa 200 dân di tản. Hơn 1.000 học sinh Trường Tiểu học An Phú Tây 2 - cách hiện trường 500m cũng được sơ tán khẩn. Ngoài những em được xe cảnh sát chở đi, số còn lại được thầy cô hướng dẫn tìm lối thoát.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trung tá Phạm Trung Thắng, Phó Trưởng Phòng cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh xác nhận có sự cố rò rỉ khí NH3, một loại khí rất độc, lực lượng đã phong toả ngay hiện trường để đảm bảo an toàn. Theo điều tra ban đầu, sự việc xảy ra khi công nhân chiết nạp khí Amoniac hoá lỏng vào chai lọ. Lúc họ đang làm thì bình gas phát nổ, dẫn đến bể đường ống dẫn khí NH3. Theo người dân quanh vùng, năm 2008 trạm sang chiết khí gas này đã từng nổ một lần.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, dư luận đặt câu hỏi: Để xảy ra sự cố trên, trách nhiệm thuộc về ai? Đương nhiên, câu trả lời cho rằng: Trách nhiệm trước hết thuộc về phía Công ty. Rất may sự cố xảy ra không thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản cũng không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thiệt hại về môi trường là rất lớn bởi khí NH3 được xác định là loại khí rất độc. Với lượng khí rò rỉ ra môi trường xung quanh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm rất cao ra môi trường nước và môi trường không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ở khu vực xung quanh.
Dư luận không khỏi bức xúc, tại sao một Công ty hoạt động kinh doanh sang chiết khí gas này lại được cấp phép ngay trong khu dân cư như vậy. Ai là người đã cấp phép cho Công ty này hoạt động. Công ty hoạt động như vậy có đúng quy định của pháp luật không? Nếu nhìn về góc độ pháp lý thì việc cấp phép cho một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sang chiết gas ngay cạnh khu dân cư là hoàn toàn sai. Điều đó không đảm bảo an toàn cho tính mạng và sức khỏe của người dân nếu xảy ra sự cố. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh, dễ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, năm 2008, cũng chính cơ sở này đã từng xảy ra sự cố nổ một lần. Vậy tại sao Công ty vẫn hoạt động cho đến hôm nay.
Câu hỏi xin được nhường quyền trả lời cho các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh.