Sau khi Cơ quan An ninh điều tra phát lệnh truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm, SN 1975), Công an Đà Nẵng đã triển khai đến Công an các địa phương để phổ biến rộng rãi đến người dân được biết và tố giác tội phạm.
Trước việc Vũ "nhôm" bỏ trốn và cơ quan Công an phải phát lệnh truy nã, dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ được tiến hành điều tra khá lâu, nhưng cuối cùng đối tượng vẫn bỏ trốn? Trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương thế nào trước sự việc này.
Trả lời trên báo Thanh Niên, Đại tá Trần Đình Liên, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng giải thích: Chủ trì vụ án này là Bộ Công an nên Công an TP.Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp.
Và sau khi Bộ có quyết định truy nã thì theo nghiệp vụ lực lượng Công an TP.Đà Nẵng phải thực hiện. Hiện lực lượng Công an đang triển khai nhiều biện pháp truy bắt.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, khi có quyết định khởi tố bị can mới áp dụng các biện pháp ngăn chặn như cấm bị can rời khỏi nơi cư trú hoặc tạm giam, còn trước đó đối tượng vẫn được đảm bảo đầy đủ các quyền tự do cư trú, đi lại, không bị quản lý.
“Việc có theo dõi, giám sát đối tượng hay không là biện pháp nội bộ của cơ quan điều tra. Đối với trường hợp cần xác minh các tố giác, phục vụ điều tra có thể cấm xuất cảnh nhưng có thời hạn, hết thời hạn thì phải gỡ bỏ lệnh”, luật sư Nguyễn Lê Vũ (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) chia sẻ thêm.
Vũ "nhôm' bị truy nã về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật của Nhà nước
Trong khi đó, Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng, khi nghe tin Công an khám xét nhà Vũ "nhôm" thì ông nghĩ Vũ "nhôm" đã bị bắt theo quy trình. Tuy nhiên đến sáng 23/12, ông đọc được tin Công an khởi tố đồng thời phát lệnh truy nã Vũ "nhôm" thì rất bất ngờ. "Truy nã thì Vũ sẽ không chạy thoát đâu nhưng tôi phân vân là cơ quan quản lý không tốt, không chu đáo. Một đối tượng như thế thì phải được quản thúc, bây giờ để Vũ lọt đi có thể làm cho vụ án kéo dài và hậu quả sẽ không sớm được khắc phục" - đại tá Thạnh nói.
Theo Đại tá Thanh, việc Công an khởi tố, khám xét nhà của Vũ "nhôm" là việc làm rất kịp thời và quyết liệt. Vị đại tá cũng đề nghị, đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn và kết quả phải được thông báo cho quần chúng nhân dân được biết. Theo ông Thạnh, vụ việc của Vũ "nhôm" nhất định có liên quan đến nhiều người, người đứng đằng sau, người trong tổ chức, có hợp đồng với Vũ. Ông Thạnh đề nghị làm rõ vấn đề này vì không có vùng cấm trong việc đó.
Trước đó, chiều 20/12, trong buổi gặp gỡ tướng lĩnh quân đội về hưu với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, nhiều tướng lĩnh quân đội đặt câu hỏi, có hay không việc ông Phan Văn Anh Vũ thao túng chính quyền, gây sức ép buộc chính quyền phải giải quyết đất, nhà công sản ở những nơi thuận lợi để làm dự án, mua bán chuyển nhượng với giá thấp, không qua đấu giá.
Ông Trương Quang Nghĩa khẳng định, “không thể coi thường dư luận và ý chí của người dân Đà Nẵng. Hiện nay, Bộ Công an đang tập trung vào làm. Kết quả như thế nào phải chờ, nhưng tôi rất tin là quyết tâm của Bộ Chính trị sẽ làm đến cùng những sự việc mà dư luận quan tâm, phải trả lời cho đúng”.
Tối 21/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét và công bố quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", SN 1975, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79) về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật của Nhà nước. Cùng với đó, Công an cũng phát lệnh truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ về tội danh trên do bị can không có mặt tại nơi cư trú và không biết đang ở đâu.
Vũ "nhôm" được coi là đại gia sở hữu rất nhiều khu đất ở vị trí đắc địa tại Đà Nẵng, hầu hết được hình thành từ nhà đất công. Vũ có hai nhà hàng nổi tiếng nằm trên đường Bạch Đằng lấn ra ngoài sông Hàn ở vị trí cực đẹp.
Tháng 9/2017, trước việc bán nhà đất công sản của UBND TP Đà Nẵng trước đây có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị UBND TP Đà Nẵng cung cấp hồ sơ để điều tra việc mua bán 31 nhà, đất công sản và 9 dự án, chủ yếu liên quan đến Vũ "nhôm" trong việc mua bán.