Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (công tác tại Báo Lao động) bị hành hung.
Nhà báo liên tiếp bị hành hung
Trường hợp nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung không phải là cá biệt. Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ đe dọa, hành hung, cản trở phóng viên tác nghiệp. Trước đó, ngày 4/9/2015, tại TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), nhà báo Nguyễn Ngọc Quang cùng vợ đang ngồi trong ô tô đi đến nơi làm việc thì bị 2 đối tượng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chặn lại. Chúng cầm búa và dao đập cửa ô tô bên ghế lái và chém tới tấp vào người nhà báo Nguyễn Ngọc Quang.
Vào năm 2012, hai nhà báo của Đài tiếng nói Việt Nam - VOV là Nguyễn Ngọc Năm (SN 1970) và Hán Phi Long (SN 1979) đã bị đánh đập khi tác nghiệp tại hiện trường vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang, Hưng Yên.
Đó chỉ là một vài vụ được coi là điển hình, còn rất nhiều vụ phóng viên, nhà báo bị hành hung nhưng chưa bị xử lý. Theo ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Báo Giao thông, số vụ việc các nhà báo, phóng viên bị đe dọa, hành hung được xử lý chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng số vụ xảy ra được báo chí nêu ra. Theo thống kê của Báo Giao thông, năm 2013 có 32 vụ việc với hơn 40 phóng viên, nhà báo thì chỉ có 7/32 vụ có thông tin xử lý.
Năm 2014 có 16 vụ đe dọa, hành hung nhà báo được thông tin trên báo chí và chỉ có 2/16 vụ đó được xử lý. 9 trong tổng số 48 vụ trong 2 năm vừa qua được xử lý thì mới chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính hoặc tự thỏa thuận giải quyết.
Dấu vết trên chiếc mũ bảo hiểm cho thấy các đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm để tấn công nhà báo
Theo đánh giá của nhà báo Phan Mai Lợi, Báo Pháp luật TPHCM, phụ trách Diễn đàn Nhà báo trẻ: Số vụ việc gần đây xảy ra có chiều hướng không giảm, về tính chất các vụ việc ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng tấn công cả nhóm nhà báo chứ không chỉ tấn công một nhà báo đơn lẻ nữa. Các cuộc tấn công đều thể hiện rất rõ việc liên quan đến những lợi ích đằng sau như là chuyện cầu đường, vận chuyển...
Về cơ chế bảo vệ an toàn của nhà báo khi tác nghiệp, ngoài cơ quan Công an thì cần có công cụ pháp lý mạnh hơn để bảo vệ quyền lợi và hoạt động của các nhà báo.
Theo nhà báo Phan Mai Lợi, về mặt trách nhiệm, đầu mối cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông gồm có Sở Thông tin & Truyền thông và Bộ TT&TT. Sau đó mới là trách nhiệm của Công an xử lý khi phát hiện ra tội phạm bởi đa số các trường hợp này chưa đến mức khởi tố mà mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính.
Có thể khởi tố vụ án
Ở nước ta, Luật Báo chí quy định “không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Luật Báo chí của Việt Nam khẳng định quyền của nhà báo là được thông tin trung thực về tình hình đất nước, thế giới phù hợp với lợi ích đất nước, nhân dân. Nhà báo cũng như mọi công dân có quyền đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp.
Như vậy, nhìn từ góc độ pháp lý, các quy định về bảo vệ nhà báo hành nghề hợp pháp được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, từ các vụ nhà báo bị hành hung cho thấy, việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả.
Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận. Trước đó, nhiều đại biểu đề nghị chuyển một khoản ở điều quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo sang điều cấm là “nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp, không ai được đe dọa, cản trở nhà báo hoạt động đúng pháp luật”.
Về sự việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung khi đang trên đường làm nhiệm vụ, theo các luật sư, có dấu hiệu của hành vi Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Mặc dù tỷ lệ thương tật của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng có thể chưa đến 11%, tuy nhiên Cơ quan CSĐT vẫn có thể khởi tố vụ án, bởi lẽ việc tấn công nhà báo do có dấu hiệu cho thấy nhóm người này sử dụng hung khí hiểm (gậy gộc, gạch), phạm tội có tổ chức hoặc là được người thuê mướn phạm tội. Đối với những trường hợp trên thì việc khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích không phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật nhiều hay ít.
Dù với động cơ, mục đích gì nhưng hành vi của các đối tượng là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm. Các đối tượng chắc chắn đã có sự bàn bạc, chuẩn bị công cụ từ trước để thực hiện việc hành hung anh Hoàng. Vì anh Hoàng không hề quen biết các đối tượng này nên không loại trừ khả năng đã có người đứng đằng sau thuê mướn. Do vậy, việc khởi tố vụ án là cần thiết và hoàn toàn có cơ sở.
Sáng 25/3, Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã gửi công văn đến Công an TP Hà Nội và Công an quận Hoàng Mai đề nghị nhanh chóng điều tra, làm rõ hành vi và xử lý nghiêm các đối tượng theo đúng quy định. Công văn của Cục Báo chí nêu rõ, vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị một số người hành hung gây thương tích, khi đang thực hiện nhiệm vụ do cơ quan báo chí giao, gây phản ứng trong dư luận báo chí và xã hội. Cục Báo chí nhấn mạnh, cơ quan Công an cần nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc để bảo vệ quyền hành nghề và các quyền khác của nhà báo theo Điều 15 Luật Báo chí. Bên lề phiên họp Quốc hội sáng 25/3, ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng khẳng định, Hội Nhà báo sẽ có văn bản gửi cơ quan Công an đề nghị làm rõ vụ việc. Chiều 25/3, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết đã yêu cầu Công an quận Hoàng Mai phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. |