Vụ mua bán nhà “tay ba” ở Nam Định: Thiên vị và bỏ lọt tội phạm?

congly.com.vn| 13/04/2012 11:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cùng mua nhà “giấy tay” nhưng chỉ một người được Cơ quan điều tra (CQĐT) cho rằng mua hợp pháp còn người kia thì bị… bỏ lửng!? Hơn nửa năm xác minh cho thấy vụ việc phức tạp, liên quan đến khối tài sản có giá trị lớn với rất nhiều ẩn chứa nhưng CQĐT không khởi tố vụ án hình sự. Có hay không việc thay tòa “phán” về dân sự, bỏ lọt tội phạm hay “bênh ” đồng nghiệp?


Vụ mua bán nhà “tay ba”!



Tháng 10-2010, vợ chồng anh Phạm Quang Tuyến và chị Cao Thị Thu Hằng mua ngôi nhà số 33 Thành Chung, Tp. Nam Định do bà Nguyễn Thị Lan và chồng là ông Nguyễn Ngọc Khê sở hữu. Hai bên đã làm giấy mua bán viết tay, bên bán đã 2 lần ký nhận tiền và cam kết sẽ giao nhà cùng giấy tờ cho bên mua vào ngày 16-1-2011 âm lịch. Đúng hẹn, vợ chồng chị Hằng đến nhận nhà thì mới biết bà Lan đã bán nhà này cho vợ chồng chị Trần Thị Vân và anh Trần Thu Đông vào tháng 4-2010 với giá 3,6 tỷ và cũng chỉ là giấy tay. Cho rằng bà Lan có hành vi lừa đảo vì một tài sản bán cho hai người, chiếm đoạt 5 tỷ đồng, chị Hằng làm đơn tố cáo đến Công an tỉnh Nam Định. Cùng lúc, chị Vân có đơn đề nghị CQĐT “giải quyết” cho được quyền sử dụng ngôi nhà. Bà Lan cũng đề nghị khởi tố vợ chồng chị Hằng vì cho rằng có hành vi cho vay nặng lãi và đã ép bà phải viết giấy bán nhà.

Nhiều giao dịch mua bán nhà đất chỉ bằng hình thức giấy viết tay thế này. (Ảnh minh họa).

Sau 8 tháng xác minh, ngày 4-10-2011, CQĐT Công an tỉnh Nam Định đã ban hành Kết luận điều tra số 58/PC45 đồng thời ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 01/PC45. Vợ chồng chị Hằng không đồng ý, đã khiếu nại và ngày 18-10-2011 CQĐT đã có văn bản trả lời với nội dung một lần nữa khẳng định việc không khởi tố vụ án hình sự là đúng pháp luật. Riêng về việc bà Lan tố cáo vợ chồng chị Hằng, CQĐT cho rằng không có tài liệu chứng minh và chưa đủ căn cứ xác định hành vi cho vay nặng lãi. CQĐT cũng kết luận việc chị Vân mua nhà là “có thật, tự nguyện và hợp pháp”.


Phán xét thay Tòa và những điều trắc ẩn


Việc mua bán nhà giữa bà Lan với vợ chồng chị Vân với thủ tục chưa đúng quy định hiện hành, chưa được sang tên trước bạ theo quy định, lại đang có tranh chấp. Theo quy định nếu có tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà thì cần phải có phán quyết của Tòa án. Thế nhưng CQĐT lại “phán” luôn rằng “Vì vậy anh Trần Thu Đông và chị Trần Thị Vân là chủ sở hữu ngôi nhà sô 33 Thành Chung…” . Trong khi đó, mặc dù chưa thể kết luận được gì về việc mua bán nhà giữa bà Lan và chị Hằng nhưng CQĐT đã “phán” ngay rằng vợ chồng chị Hằng “không có quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan đến ngôi nhà số 33 Thành Chung…”. Phải chăng CQĐT đã “làm thay” tòa khi phán xét vụ việc về dân sự hay đã có sự thiên vị đồng đội, bởi anh Đông chồng chị Vân là cán bộ Công an?


Vì không đồng ý với việc giải quyết của CQĐT nên chị Hằng đã khiếu nại. Theo quy định tại Điều 329 Bộ luật TTHS thì vì chị Hằng khiếu nại Kết luận điều tra và Quyết định không khởi tố vụ án hình sự do Thượng tá Vũ Đại Điền, Phó Thủ trưởng CQĐT ký, nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc Thủ trưởng CQĐT. Nhưng dường như “quên” quy định của điều luật này nên ngày 18-10-2011, Đại tá Vũ Hồng Sơn- Phó thủ trưởng thường trực cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định đã ký văn bản trả lời chị Hằng mà không theo ủy quyền của Thủ trưởng CQĐT. CQĐT còn giải thích nếu chị Hằng không đồng ý với việc trả lời này thì khiếu nại đến VKSND tỉnh Nam Định. Về việc này, trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Vũ Xuân Trường, Viện trưởng VKSND tỉnh Nam Định cho biết đang chỉ đạo cấp dưới yêu cầu CQĐT xem xét và trả lời chị Hằng theo đúng quy định của Bộ luật TTHS.


Theo xác định của CQĐT, thời điểm bà Lan ký hợp đồng chuyển nhượng cho vợ chồng chị Vân, ngôi nhà này đang thế chấp tại ngân hàng và chưa được sự đồng ý cho chuyển nhượng của ngân hàng. Thực tế, không chỉ chuyển nhượng cho vợ chồng chị Vân mà bà Lan còn có giấy bán chính ngôi nhà này cho vợ chồng chị Hằng. Chính CQĐT cũng “bó tay” mà không thể ra phán quyết gì về những giấy tờ bà Lan bán cho chị Hằng. Vậy phải chăng, một ngôi nhà đang bị hạn chế chuyển dịch lại được đem chuyển dịch (bán) cho 2 người khác nhau mà không có dấu hiệu hình sự như CQĐT đã kết luận?


CQĐT xác định việc chị Hằng tố cáo bà Lan lừa đảo là “không có căn cứ”. Cũng vậy, bà Lan tố cáo vợ chồng chị Hằng cho vay nặng lãi, bắt bà phải viết giấy bán nhà khống nhưng CQĐT xác định rằng “chưa đủ căn cứ”…Phải chăng cái cách kết luận theo kiểu “hòa cả làng” này là không thuyết phục và còn đó những trắc ẩn mà dư luận đang quan tâm, là nguyên nhân khiến chị Hằng tiếp tục khiếu nại? Cũng vậy, không rõ cơ quan nào sẽ bảo vệ quyền lợi cho chị Hằng khi CQĐT “nói không” với việc xử lý về hình sự, trong khi Tòa án không thể thụ lý về dân sự vì không xác định được nơi cư trú của bà Lan???


Hiện nay mọi hy vọng của chị Hằng đang trông chờ vào phán xét khách quan, rõ ràng của Thủ trưởng CQĐT Công an tỉnh và VKSND tỉnh Nam Định.


Huy Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ mua bán nhà “tay ba” ở Nam Định: Thiên vị và bỏ lọt tội phạm?