Đánh giá đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.
Ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận số 356/TB-TTCP về việc Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Thông báo Kết luận thanh tra do Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam ký. Toàn văn kết luận thanh tra như sau:
THÔNG BÁO
Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1344/TTg-V.I ngày 01/8/2016; Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2220/QĐ-TTCP ngày 26/8/2016 thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu. Đối với cuộc thanh tra này, Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Ngày 16/01/2018, tại Trụ sở Chính phủ, tập thể lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Dự thảo kết luận thanh tra với Thường trực Chính phủ; ngày 06/3/2018, tại Trụ sở Văn phòng Trung ương, Bí thư Ban cán sự đảng - Tổng Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Dự thảo kết luận thanh tra với Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ngày 14/3/2018, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Văn bản số 355/KL-TTCP về Kết luận thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu.
Căn cứ Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra như sau:
I. NỘI DUNG THANH TRA
Thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu, bao gồm tất cả các giai đoạn trong quá trình thực hiện dự án: việc đề xuất đầu tư, lập dự án đầu tư; việc trình, phê duyệt dự án đầu tư; việc thực hiện dự án và hiệu quả đầu tư.
Mobifone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của các cổ đông AVG, trong khi đang tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp. Bộ TTTT theo chức năng, nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã chỉ đạo Mobifone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
Theo quy định tại Điều 1; Khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 thì Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone thực hiện theo hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp mua cổ phần phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và các quy định của pháp luật có liên quan.
Khoản 1 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13, quy định: “Việc sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp”. Dự án này có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 thì Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13 thì Bộ TTTT là Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có thẩm quyền xem xét, phê duyệt dự án đầu tư.
II. ƯU ĐIỂM, TỒN TẠI, KHUYẾT ĐIỂM, VI PHẠM PHÁT HIỆN QUA THANH TRA
Quá trình thực hiện Dự án đầu tư, Mobifone, Bộ TTTT và các cơ quan có liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm sau:
1. Đối với Mobifone
Mobifone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc: đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ TTTT phê duyệt dự án đầu tư; ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; thanh toán các chi phí liên quan đến dự án, cụ thể như sau:
1.1. Thiếu trách nhiệm và làm trái trong việc đề xuất Dự án đầu tư, đặc biệt trong việc đánh giá tình hình tài chính, kinh doanh của Công ty AVG
- Thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/3/2015 là rất xấu, tổng tài sản là 3.260,686 tỷ đồng; nợ phải trả là 1.266,826 tỷ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỷ đồng; từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,909 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).
- AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (đến 31/3/2015 đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 2.659,907 tỷ đồng, chiếm 73,3% vốn điều lệ). Đáng chú ý là việc đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình để mua lại cổ phần tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P với số tiền 2.473,2 tỷ đồng (bình quân cao gấp 13 lần so với vốn đầu tư ban đầu của các cổ đông là 189,6 tỷ đồng, các cổ đông này đã thanh toán bù trừ với việc mua cổ phần do AVG phát hành để tăng vốn điều lệ, các cổ đông của 02 công ty này cũng là cổ đông của AVG), trong đó: khoản đầu tư 673,2 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 3,96 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh (giá chuyển nhượng 170.000 đồng/cổ phần, cao gấp 17 lần mệnh giá cổ phần) với dự tính khu đất tại Hà Đông mà Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh đang sử dụng sẽ được chuyển thành dự án bất động sản, thực tế chưa triển khai, khu đất vẫn đang thuê của Nhà nước cho mục đích sản xuất nông nghiệp; khoản đầu tư 1.800 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 15 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần An Viên B.P (giá chuyển nhượng 120.000 đồng/cổ phần, cao gấp 12 lần mệnh giá cổ phần) với dự tính trong năm 2016 sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác dự án khai thác mỏ quặng Bouxite Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất tại tỉnh Bình Phước, thực tế đến nay, Công ty cổ phần An Viên B.P chưa được cấp quyền khai thác boxit. Việc AVG đầu tư 02 khoản ngoài lĩnh vực truyền hình nêu trên tiềm ẩn rủi ro về tài chính, có dấu hiệu bất thường, nhưng Mobifone vẫn mua 02 khoản đầu tư này, cần được tiếp tục làm rõ.
Khi báo cáo đề xuất đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần AVG và lập Dự án đầu tư trình Bộ TTTT phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG như sau: “Từ năm 2012 đến năm 2014 thì doanh thu AVG tăng, lợi nhuận gộp đang tăng dần (dù đến nay vẫn đang lỗ kế hoạch), các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng...” là vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 9 Luật số 69/2014/QH13 về hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định của pháp luật”. Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch và thành viên HĐTV Mobifone.
1.2. Làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá; nghiệm thu kết quả thẩm định giá; việc sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG
- Trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá trị AVG và tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, Mobifone đã có những khuyết điểm, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu, cụ thể:
+ Lựa chọn Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS): Mobifone đã chuyển File hồ sơ yêu cầu (HSYC) cho VCBS trước khi phát hành HSYC, vi phạm hành vi bị cấm quy định tại điểm a, Khoản 7 Điều 89 Luật Đấu thầu; cho nhà thầu bổ sung tài liệu vào hồ sơ đề xuất (HSĐX) của nhà thầu sau khi đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu, vi phạm hành vi bị cấm quy định tại điểm b, Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu.
+ Lựa chọn Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX), Mobilfone chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong 03 đơn vị tư vấn, không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu, vi phạm quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Trách nhiệm thuộc về Ban Phát triển mạng lưới, Ban Đầu tư, Tổ chuyên gia đánh giá Hồ sơ đề xuất và Tổng Giám đốc Mobifone.
- Mặc dù kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy; vi phạm quy định các tiêu chuẩn thẩm định giá; giới hạn không đúng nhiều nội dung quan trọng, nhất là về cơ sở, tính khả thi của nguồn số liệu kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 của AVG mà đơn vị tư vấn đã sử dụng để xác định giá trị AVG; đáng chú ý là AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào bất hợp pháp, không có cơ sở để tính “giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán”,… nhưng Mobifone đã nghiệm thu kết quả thẩm định giá; nhận xét, đánh giá kết quả thẩm định giá của AMAX “tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam”, thể hiện thiếu trách nhiệm. Tổng số tiền theo hợp đồng mà Mobifone đã ký với 02 công ty tư vấn là 3,19 tỷ đồng; đã chi số tiền 1,54 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Mobifone.
- Khi đàm phán giá mua cổ phần, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỷ đồng để đàm phám giá mua cổ phần mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỷ đồng, riêng việc làm này gây thiệt hại 1.134 tỷ đồng; AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định “Giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng”. Sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỷ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31/3/2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp); so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó:
+ Thiệt hại 1.134 tỷ đồng do mua nợ phải trả của AVG.
+ 04 kênh tần số mà AVG được Bộ TTTT cấp phép sử dụng để thực hiện thí điểm “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền” do AVG hợp tác với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm). Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 04 kênh tần số này là tài nguyên Quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp NSNN nhưng Bộ TTTT không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số, mặt khác cũng chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng Bộ TTTT đã cho Mobifone được sử dụng là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện. Do không đấu giá, chưa có giám định giá nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX 04 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD tương đương 2.429,9 tỷ đồng).
+ Khi mua cổ phần AVG, Mobifone đã không loại 02 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG (đầu tư tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P với tổng số tiền 2.473,2 tỷ đồng) là không đúng chỉ đạo của Bộ TTTT (tại Văn bản số 166/BTTTT-QLDN ngày 19/8/2015, số 189/BTTTT-QLDN ngày 01/10/2015 và ý kiến chỉ đạo ngày 01/10/2015 của Bộ trưởng Bộ TTTT đối với Vụ Quản lý doanh nghiệp), vi phạm điểm d, Khoản 3, Mục III Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ:“Chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015”, là hành vi làm trái quy định, tiềm ẩn nguy cơ lỗ lớn khi AVG thoái vốn đầu tư theo giá thị trường, làm giảm lợi nhuận hợp nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.
Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Ban Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán, các bộ phận liên quan thuộc Mobifone.
1.3. Thiếu trách nhiệm, làm trái quy định trong việc lập, trình Dự án đầu tư
- Khi lựa chọn phương án đầu tư, Mobifone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn về phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh, lựa chọn phương án đầu tư; đã sử dụng kết quả thẩm định giá của AASC (do VCBS cung cấp, không được sự đồng ý của AASC) để so sánh với các mức giá do các công ty tư vấn khác đưa ra, không đúng mục đích sử dụng Chứng thư của AASC (Chứng thư của AASC chỉ cung cấp cho VCBS).
- Trong lập Dự án đầu tư, Mobifone đã nhận thức rõ 02 vấn đề cốt lõi là giá mua cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư; khi tính toán hiệu quả đầu tư Dự án giai đoạn 2015-2020 đã dự báo: số lượng phát triển thuê bao truyền hình trả tiền, doanh thu, giá vốn, chi phí lãi vay, lợi nhuận… chủ yếu dựa trên các giả định, thiếu khả thi; đã nhận thức rõ và định lượng được hậu quả, nguy cơ gây hậu quả nếu thực hiện đầu tư Dự án, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông; lợi nhuận kinh doanh và số nộp NSNN sụt giảm; đã sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG do AMAX thực hiện là 16.565 tỷ đồng làm căn cứ để đàm phán với cổ đông AVG về giá mua cổ phần, không có căn cứ so sánh; tuy vậy khi lập Dự án đầu tư, Mobifone đã đánh giá:“phương án mua lại cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu là vượt trội hơn so với phương án Mobifone tự đầu tư” (trang 102 Dự án).
Tuy nhiên, Mobifone vẫn lập, trình Bộ TTTT phê duyệt Dự án (không loại trừ 02 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG), thể hiện thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp: “Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư”.
Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Ban Tổng giám đốc và các bộ phận liên quan của Mobifone.
1.4. Vi phạm trong việc ký kết thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; việc thanh toán mua cổ phần và các chi phí liên quan đến dự án
- Trong bản Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần ký với đại diện cổ đông AVG, Mobifone đã cam kết hỗ trợ tài chính cho AVG để trả các khoản nợ với tổng số tiền 1.093,7 tỷ đồng. Tuy chưa thực hiện, nhưng cam kết này không đúng với nội dung của Dự án đầu tư đã được Bộ TTTT phê duyệt. Trách nhiệm thuộc về HĐTV của Mobifone, trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch HĐTV.
- Việc Mobifone sử dụng 100% nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư dự án, không đúng với nội dung trong Dự án đầu tư báo cáo Bộ TTTT (30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay); thời gian thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG là 19 ngày (từ ngày 28/12/2015 đến 15/01/2016) có biểu hiện không bình thường.
- Mobifone hạch toán các chi phí thực hiện Dự án đầu tư vào chi phí quản lý hoạt động viễn thông với tổng số tiền 6,5 tỷ đồng, không đúng quy định tại Khoản 3 Điều 40 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, dẫn đến NSNN thất thu Thuế thu nhập doanh nghiệp 1,3 tỷ đồng.
Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Mobifone.
Như vậy, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm nêu trên của Mobifone, nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng; việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.
2. Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông
2.1. Trách nhiệm của Tổ thẩm định trong thẩm định dự án; Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp tham mưu phê duyệt Dự án đầu tư:
- Tổ thẩm định đã không xem xét, phân tích các thông tin về hạn chế, giới hạn, tính pháp lý, mức độ tin cậy của các Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo thẩm định giá và Báo cáo tư vấn mà Mobifone đã sử dụng để đàm phán giá mua 95% cổ phần AVG, thể hiện thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định Dự án đầu tư.
- Sử dụng thông tin do AVG báo cáo với Bộ TTTT về mức giá định bán cho đối tác nước ngoài là 700 triệu USD (tuy nhiên, Bộ TTTT không có tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực) nhưng vẫn dùng để so sánh, nhận xét về giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng (cho rằng Phương án giá này thấp hơn khoảng 7.000 tỷ đồng so với mức giá thấp nhất do Tổ chức thẩm định giá đưa ra và thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với mức giá AVG báo cáo định bán cho đối tác nước ngoài) là không có cơ sở; mặt khác, hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ, chưa chắc chắn nhưng đã đánh giá, nhận xét Dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế.
- Trong việc tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định dự án, Tổ trưởng đã không tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện của một số thành viên, như: về sự cần thiết phải đầu tư vào AVG, việc lựa chọn phương án đầu tư mua cổ phần, việc xác định tỷ lệ mua cổ phần AVG nhưng đã đánh giá Mobifone nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về Dự án, là thiếu khách quan, mang tính chủ quan.
- Trong khi giá mua cổ phần và hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ; Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư, nhưng Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (cũng là Tổ trưởng Tổ thẩm định) vẫn trình lãnh đạo Bộ TTTT quyết định phê duyệt Dự án đầu tư; thống nhất, tham mưu để lại 02 khoản mà AVG đã đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình là vi phạm điểm d, Khoản 3, Mục III Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; không nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Bộ TTTT, thể hiện cố ý làm trái.
Trách nhiệm đối với những vi phạm trên thuộc về Tổ thẩm định, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Tổ trưởng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp.
2.2. Trách nhiệm của Bộ TTTT trong quyết định phê duyệt Dự án đầu tư:
Bộ TTTT với vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, chịu trách nhiệm xem xét, quyết định phê duyệt Dự án đầu tư theo thẩm quyền quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13, đã có những vi phạm sau:
- Tuy Dự án đầu tư chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 Phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, vi phạm quy định tại Điều 31, Điều 34 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; phê duyệt Dự án đầu tư khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13; chưa phê duyệt Dự án đầu tư thuộc danh mục dự án nhóm A, vi phạm quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ.
- 04 kênh tần số mà Bộ TTTT đã cấp cho AVG để thực hiện thí điểm “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền” liên kết với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm). Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 04 kênh tần số này là tài nguyên Quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp NSNN nhưng Bộ TTTT đã không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng mà tại Văn bản số 209/BTTTT-QLDN ngày 28/10/2015, Bộ TTTT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ “cho phép Mobifone được tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông”, mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng tại Điều 3 của Quyết định số 236/QĐ-BTTTT phê duyệt dự án đầu tư, Bộ TTTT đã cho Mobifone tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số này là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện; vi phạm các quy định của Bộ TTTT tại: Thông tư số 26/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 về Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz; Quyết định số 80/QĐ-BTTTT ngày 22/01/2014 về Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi kênh tần số truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz giai đoạn 2014 - 2017. Do không đấu giá và chưa có giám định giá trị nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX 04 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD tương đương 2.429,9 tỷ đồng).
- Giá mua 95% cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư là 02 yếu tố trọng yếu, trong báo cáo thẩm định dự án và các văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính, mặc dù Bộ TTTT còn băn khoăn, đã nhiều lần đề nghị được trợ giúp, tuy chưa được làm rõ, nhưng Bộ TTTT vẫn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư, trong đó có 02 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG, mặc dù trước đó đã chỉ đạo Mobifone không mua 02 khoản đầu tư ngoài ngành.
- Tại Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư (mặc dù trước đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu tư); thực tế Mobifone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu vào đầu tư dự án.
Như vậy, Bộ TTTT với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định Dự án; Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.
- Việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ TTTT đã có Văn bản số 44/BTTT-QLDN ngày 05/3/2015 đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật là không đúng quy định tại Điều 5, Điều 14, Điều 17 Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
- Bộ TTTT đề nghị Bộ Công an có ý kiến về nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, thậm chí thuộc lĩnh vực của các Bộ quản lý chuyên ngành (về chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư; về vấn đề giá mua cổ phần, hiệu quả đầu tư của Dự án…) để xin ý kiến của Bộ Công an là không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Bộ TTTT không thể căn cứ vào ý kiến của Bộ Công an để cho rằng mình đã tuân thủ đúng hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Khi Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ TTTT xem xét, quyết định theo thẩm quyền được pháp luật quy định về việc giải mật hoặc tiếp tục bảo mật, Bộ TTTT đã không thực hiện, đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là không đúng quy định.
Trách nhiệm đối với những vi phạm trên thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ TTTT.
3. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò, nhiệm vụ chủ trì thẩm định, lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, nhưng đã không hướng dẫn Bộ TTTT và Mobifone thực hiện dự án đầu tư theo quy định; đã căn cứ vào đề nghị của Văn phòng Chính phủ (tại Văn bản số 2422/VPCP-ĐMDN ngày 12/11/2015 về tham gia ý kiến dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone) có Văn bản số 721/BKHĐT-KCHTĐT ngày 24/11/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án, là không đúng quy định tại Luật Đầu tư số 67/2014/QH13.
Đáng chú ý là, sau khi Mobifone đã ký hợp đồng chuyển nhượng 95% cổ phần AVG, đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng, ngày 22/01/2016 Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 27/BKHĐT-PTDN, trong đó nêu rõ ảnh hưởng trực tiếp với nhiều nguy cơ, rủi ro từ việc mua 95% cổ phần AVG trong khi Mobifone đang tiến hành cổ phần hóa: “ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cổ phần hóa, giảm giá trị cổ phiếu Mobifone khi phát hành, trực tiếp làm giảm nguồn thu của Nhà nước…, Bộ TTTT không có năng lực để thẩm định giá mua và chưa chắc chắn về hiệu quả đầu tư mua cổ phần AVG”,… và đã “đề nghị dừng thực hiện dự án”.
Các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại 02 văn bản trên là thiếu nhất quán; nội dung tại Văn bản số 27/BKHĐT-PTDN không được đưa ra kịp thời khi có Văn bản số 721/BKHĐT-KCHTĐT ngày 24/11/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ tham gia ý kiến về dự án đầu tư. Trách nhiệm thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4. Đối với Bộ Tài chính
Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện cổ phần hóa Mobifone đã không kịp thời đưa ra những phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về những tác động trực tiếp từ việc Mobifone bỏ số vốn rất lớn để đầu tư Dự án (8.889,815 tỷ đồng, chiếm gần 60% Vốn điều lệ của Mobifone) ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hóa, trong đó có việc hiện thực hóa số thu của Nhà nước khi bán cổ phần Mobifone; mặt khác, Bộ Tài chính đã nhận thấy vấn đề trọng yếu của việc đầu tư Dự án, nhất là hiệu quả đầu tư và sự ảnh hưởng của việc đầu tư Dự án làm giảm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Mobifone ngay trong giai đoạn 2015-2017 và đã đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo Mobifone tiếp tục rà soát dự án đầu tư để đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn thống nhất với đề xuất của Bộ TTTT về chủ trương đầu tư dự án… đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong khi Mobifone đang tiến hành cổ phần hóa. Trách nhiệm thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Bộ Tài chính.
5. Đối với Văn phòng Chính phủ
Theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, việc tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mặc dù dự án chưa được thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư; Văn phòng Chính phủ chưa có đầy đủ hồ sơ dự án nhưng đã gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; tổng hợp, phân tích, đưa ra ý kiến thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho Mobifone mua cổ phần của Công ty AVG để phát triển dịch vụ truyền hình; mặt khác, tại Văn bản số 209/BTT-QLDN ngày 28/10/2015, Bộ TTTT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng công ty Viễn thông Mobifone” nhưng Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ và ban hành Văn bản số 2678/VPCP-ĐMDN ngày 14/12/2015 với nội dung: “Chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ TTTT thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật” là không đúng nội dung mà Bộ TTTT đã đề nghị. Trên thực tế, Dự án chưa được thẩm định, trình và chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Trách nhiệm thuộc về cán bộ, công chức có liên quan của Văn phòng Chính phủ.
6. Đối với Bộ Công an
Qua các văn bản của Bộ Công an tham gia ý kiến với Bộ TTTT, cho thấy:
- Việc Bộ Công an có Văn bản số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, đề nghị Bộ TTTT hướng dẫn Công ty AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài, mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất; mặt khác, việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng trên cơ sở đề nghị của Bộ TTTT (Văn bản số 44/BTTT-QLDN ngày 05/3/2015), Bộ Công an có Văn bản số 418/BCA-TCAN ngày 09/3/2015, thống nhất với Bộ TTTT về việc đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ TTTT với mức độ “MẬT”, thực hiện bảo mật vụ việc mua bán, không giới hạn về thời gian bảo mật thông tin, là chưa phù hợp.
- Bộ Công an không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính nhưng có Văn bản số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015 gửi Bộ TTTT, trong đó có nội dung: Bộ Công an đánh giá quá trình, quy trình thực hiện Dự án do Bộ TTTT chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật; có điều kiện và cơ sở để giải quyết các vấn đề về an ninh như Bộ Công an đã nêu. Phương án Mobifone đầu tư 8.898,3 tỷ đồng mua 95% cổ phần của Công ty AVG như trong Công văn số 235/BTTTT-QLDN ngày 18/12/2015 của Bộ TTTT đã thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá…
Các ý kiến nêu trên của Bộ Công an là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định.
7. Đối với các công ty tư vấn
7.1. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) và Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC)
VCBS đã thuê AASC xác định giá trị AVG nhưng kết quả thẩm định giá của AASC không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, cụ thể: AASC xác định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 theo phương pháp dòng tiền chiết khấu là 33.299,48 tỷ đồng trên cơ sở dữ liệu kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận liên tục, đột biến gắn liền với kế hoạch đầu tư thêm 599 tỷ đồng, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG. Đáng chú ý là, VCBS đã cung cấp kết quả thẩm định giá của AASC cho Mobifone nhưng không có sự thỏa thuận với AASC, vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá trị AVG do AASC thực hiện là 33.299,48 tỷ đồng; do VCBS thực hiện là 24.548,19 tỷ đồng không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.
7.2. Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valu)
VCBS thuê Hanoi Valu xác định giá trị AVG, nhưng kết quả thẩm định giá của Hanoi Valu không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, cụ thể: xác định giá trị tài sản vô hình từ dữ liệu kế hoạch giai đoạn 2015-2020 do AVG lập với tốc độ tăng trưởng liên tục, đột biến, nhưng không có tài liệu chứng minh tính khả thi, không điều tra khảo sát thị trường để so sánh, đánh giá mức độ, sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG; dữ liệu do AVG lập để tính giá trị AVG không phục vụ cho mục đích thẩm định giá của Mobifone; không thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản, đánh giá lại tài sản; không thực hiện đầy đủ nội dung khảo sát thực tế, thu thập thông tin về doanh nghiệp; giá trị AVG do Hanoi Valu thẩm định tại thời điểm 31/3/2015 là 18.519,9 tỷ đồng không có cơ sở tin cậy. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Hanoi Valu và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.
7.3. Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX)
Mobifone thuê AMAX thẩm định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015; sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX theo phương pháp tài sản để đàm phán giá mua cổ phần của các cổ đông AVG, nhưng việc thẩm định giá của AMAX đã vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, cụ thể: đã sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá, trong khi số liệu này không có cơ sở; vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá. Vì vậy, giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31/3/2015 là 16.565 tỷ đồng không có cơ sở pháp lý, không tin cậy, Mobifone đã sử dụng để đàm phán với nhóm cổ đông AVG về giá mua cổ phần. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc AMAX và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.
III. KIẾN NGHỊ BIỆN PHÁP XỬ LÝ
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan các biện pháp xử lý sau:
1. Hoàn thiện về quy định của pháp luật và chấn chỉnh quản lý
- Giao Bộ Tài chính rà soát quy định của pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá, đặc biệt là các tiêu chuẩn thẩm định giá, quy trình thẩm định giá, chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức tư vấn thẩm định giá và thẩm định viên hành nghề thẩm định giá nhằm sớm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quan trọng này.
- Giao Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rà soát, bổ sung, hoàn thiện, nhằm minh bạch, đồng bộ, đúng quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ đối với các loại việc “thông báo ý kiến chỉ đạo”, “phê duyệt chủ trương”, “quyết định” về từng nhóm vấn đề hoặc từng loại việc trong chỉ đạo, điều hành, quyết định theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ.
- Giao Bộ TTTT kịp thời đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động của Mobifone kể từ sau khi thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình đến nay và có giải pháp kịp thời về tổ chức bộ máy, nhân sự và kinh doanh nhằm hạn chế những thiệt hại từ việc thực hiện Dự án đầu tư nêu trên, đặc biệt là việc thực hiện cổ phần hóa Mobifone.
2. Về xử lý hành chính
2.1. Đối với Mobifone: Căn cứ Kết luận thanh tra và kết luận xử lý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, Bộ TTTT chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Chủ tịch HĐTV, các thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán mua cổ phần và các bộ phận có liên quan về những vi phạm nêu tại điểm 1 Mục II.
2.2. Đối với Bộ TTTT:
- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ TTTT xem xét, hủy bỏ Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 Phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone; giao Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo Mobifone xử lý theo quy định của pháp luật những vấn đề phát sinh sau khi hủy bỏ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
- Căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu cụ thể tại điểm 2 Mục II.
2.3. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại điểm 3, điểm 4 Mục II.
2.4. Đối với Văn phòng Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại điểm 5 Mục II.
2.5. Đối với Bộ Công an: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành 03 văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT nêu tại điểm 6 Mục II.
2.6. Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
2.7. Đối với các công ty tư vấn: Căn cứ Kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì xử lý hoặc chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá đối với các công ty tư vấn, các thẩm định viên về những khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định giá trị AVG, tư vấn mua cổ phần AVG nêu cụ thể tại điểm 7 Mục II.
3. Về xử lý kinh tế
- Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật, Bộ TTTT và Mobifone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền mà Mobifone đã thanh toán trong việc mua 95% cổ phần AVG; thực hiện các kết luận, xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Truy thu từ Mobifone, nộp vào NSNN về Thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 1,3 tỷ đồng.
- Chủ tịch HĐTV; Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính - Kế toán của Mobifone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền 1,54 tỷ đồng chi phí tư vấn đã chi cho 02 công ty tư vấn (AMAX và VCBS).
4. Điều tra, xử lý vi phạm
Đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.