Sau khi báo Công lý đăng bài phản ánh việc nhiều địa phương tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) lập khống hồ sơ mua bán giống lúa DQ11 để rút tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhiều bạn đọc đã tiếp tục cung cấp thêm nhiều tài liệu, chứng cứ để chứng minh sự việc.
Qua xác minh cho thấy, việc lập khống hồ sơ mua bán giống lúa của các xã tại huyện Vĩnh Bảo có dấu hiệu câu kết của đơn vị cung ứng giống lúa là Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp và Xây dựng Hải Phòng (Cty VTNN) có địa chỉ tại số 125 Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, TP. Hải Phòng do ông Đào Mạnh Táu làm Giám đốc.
Theo đó, các xã lập khống hồ sơ theo “đề nghị” của Cty VTNN và được phía công ty này chi trả công số tiền tương đương 1.500 đồng/1kg thóc lập khống.
Theo phản ánh của cán bộ phụ trách các xã, Cty VTNN tổ chức cho các xã lập khống danh sách các hộ dân mua thóc giống, số lượng thóc giống, sau đó các xã ký hợp đồng mua thóc giống với Cty VTNN. Sau khi hoàn tất các thủ tục mua bán, UBND các xã làm tờ trình trình UBND huyện Vĩnh Bảo đề nghị chuyển trả kinh phí hỗ trợ giống lúa. Căn cứ vào tờ trình, UBND huyện Vĩnh Bảo đã có quyết định phân bổ kinh phí hỗ trợ đến các xã, sau đó, tiền hỗ trợ được chuyển trả cho Cty VTNN. Sau khi nhận được tiền thanh toán mua thóc giống (trong đó có tiền hỗ trợ) phía công ty chi cho các xã 1.500 đồng/1kg thóc lập khống, số còn lại phía công ty sử dụng.
Tờ trình đề nghị chi trả kinh phí hỗ trợ giống lúa DQ11 các xã
Theo đơn giá mà các xã tại huyện Vĩnh Bảo đã ký hợp đồng mua và thanh quyết toán với Cty VTNN năm 2014 thì thóc giống DQ11 có giá 32.000 đồng/1 kg. Để có thóc giống bán cho các xã, Cty VTNN đã ký hợp đồng mua của Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Cty Hồng Quang) có địa chỉ tại Phố 3 thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình do ông Phùng Văn Quang làm giám đốc.
Theo Hợp đồng mua bán giống cây trồng vụ mùa 2014 (HĐ số 52/2014/HĐKT) lập ngày 10/5/2014 tại Cty Hồng Quang, đơn giá giống DQ11 mà Cty VTNN mua của Cty Hồng Quang cũng là 32.000 đồng/1 kg. Như vậy, Cty VTNN đã mua, bán giống DQ11 bằng giá 32.000 đồng/kg, không có lãi. Tuy nhiên, theo công dân phản ánh thì Cty VTNN vẫn hạch toán có lãi hơn 76 triệu đồng.
Vậy số tiền lãi này ở đâu ra, phải chăng đó chính là tiền hỗ trợ của Nhà nước do lập khống hồ sơ mà có? Cũng theo phản ánh của công dân, không chỉ lập khống danh sách người mua giống, lượng thóc giống như nêu ở trên, Cty VTNN còn kê khai nâng khống đơn giá thóc giống DQ11 để rút tiền hỗ trợ của nhà nước và tiền của các cổ đông công ty.
Theo đó, Cty VTNN ký hợp đồng (HĐ số 52/2014/HĐKT, lập ngày 10/5/2014) mua thóc giống DQ11 của Cty Hồng Quang với giá 32.000 đồng/ 1kg nhưng thực tế chỉ thanh quyết toán với đơn giá 22.000 đồng/1 kg. Cụ thể, theo tài liệu do công dân cung cấp, mặc dù ký hợp đồng mua gần 40.000kg nhưng lượng thóc giống thực tế mà Cty VTNN thanh quyết toán với Cty Hồng Quang chỉ gần 22.000kg nhân với đơn giá 22.000 đồng/1 kg.
Vậy, theo số liệu trên số tiền mà Cty VTNN nâng giá khống chênh lệch trên 200 triệu đồng. Vậy, trong số gần 22.000kg thóc nêu trên có bao nhiêu lượng thóc bị lập khống hồ sơ ? Và như vậy, số tiền mà nhà nước hỗ trợ ở đó là bao nhiêu, ai là người sử dụng số tiền này, ai là người chịu trách nhiệm…?
Để tìm hiểu sự việc, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Cty Hồng Quang nhưng ông Quang không nghe điện thoại. Phóng viên cũng đã liên hệ và đăng ký nội dung làm việc với ông Đào Mạnh Táu, Giám đốc Cty VTNN nhưng phía Cty VTNN cũng khất lần, không làm việc, không cung cấp thông tin.
Được biết, Công an thành phố Hải Phòng đã vào cuộc và vụ việc đang được cơ quan Công an tiến hành điều tra, làm rõ. Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc những thông tin tiếp theo của vụ việc.