Tôi không phủ nhận chữ ký trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó là của tôi, nhưng tôi dám chắc rằng, nội dung đã được tẩy xóa và chỉnh sửa lại. Vụ việc này Công an kinh tế tỉnh Cà Mau cũng đã làm rồi, không biết vì sao lại kéo dài mãi”.
Đó là khẳng định của ông Lê Văn Miễn - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Thới Bình (Cà Mau) khi tiếp xúc với phóng viên mới đây.
Ông Miễn cho biết, trước năm 1991, ông là Chủ tịch huyện Thới Bình (Cà Mau), lãnh đạo Sở Địa chính (Sở TNMT ngày nay) có trao đổi với ông là sẽ lấy thị trấn Thới Bình làm điểm cấp sổ đỏ thí điểm cho người dân, nên hầu hết mọi công việc đều giao cho Sở Địa chính làm chứ huyện không được làm. Và, ông chỉ có trách nhiệm là ký cấp cho người dân.
Tuy nhiên, sau khi sổ đỏ làm xong thì người dân không chịu nhận, bởi trước đó khi còn đóng thuế nông nghiệp người dân đã khai khống diện tích ít hơn thực tế nhằm trốn thuế, phần nữa là người dân cảm thấy không cần thiết đến sổ đỏ nên không ai nhận, tất cả hồ sơ điều “nằm lại” ở thị trấn. Đến khi ông được điều động về tỉnh công tác (đầu năm 1991) thì năm 1993 xuất hiện sổ đỏ mang chữ ký của ông.
Ông Lê Văn Miễn trình bày với phóng viên
Ông Miễn thừa nhận, chữ ký trong sổ đỏ đó là của ông và ông cũng khẳng định rằng, nội dung trong sổ đỏ đã được tẩy xóa và chỉnh sửa từ tên người này trở thành tên người khác. “Vụ việc này, trước đó nhiều cơ quan chuyên môn, trong đó có Công an kinh tế của tỉnh Cà Mau, cụ thể là ông Nguyễn Minh Kỳ (Đội phó CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) đã xuống làm việc nhưng không biết vì sao lại kéo dài đến ngày nay”, ông Miễn băn khoăn.
Vị nguyên Chủ tịch UBND huyện này cho rằng, để tẩy xóa và chỉnh sửa được sổ đỏ như vậy không phải chỉ một người, mà có thể liên quan đến rất nhiều người, trong đó có lỗi của cả địa chính thị trấn Thới Bình, vì tất cả hồ sơ lúc đó đều nằm ở thị trấn. “Nếu bây giờ đem hồ sơ lúc đó ra so sánh thì sẽ rất rõ ràng, nhưng không biết hồ sơ còn lưu lại hay không, bởi lúc đó, anh em cán bộ làm kỹ lắm, phải đối chiếu từng hộ dân có đất giáp nhau, nếu họ đồng ý thì lập hồ sơ, biên bản có ký tên đầy đủ… Khi trình cho tôi ký, cũng kèm theo danh sách họ tên người được cấp đàng hoàng nên không bao giờ có chuyện vô lý như vậy”, ông Miễn khẳng định.
Như Báo điện tử Công lý đã thông tin trong bài viết “Chuyện lạ ở Cà Mau: Ký sổ đỏ sau gần 3 năm chuyển công tác” phản ánh về một việc làm trái pháp luật ở huyện Thới Bình (Cà Mau) đã kéo dài nhiều năm mà không có cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người và bức xúc trong dư luận.
Theo đó, ngày 12/10/1991, ông Lê Văn Miễn được điều động về công tác tại vị trí khác, nhưng đến ngày 15/01/1993, UBND huyện Thới Bình lại ban hành sổ đỏ mang chữ ký của ông. Điều đáng nói là vị trí đất trong sổ đỏ là phần đất đang tranh chấp, và người được cấp sổ đỏ không phải là người trực tiếp canh tác… Tình trạng người có chủ quyền không được canh tác và người không có chủ quyền lại canh tác và đội đơn yêu cầu kéo dài đến tận thời điểm này.
Hàng loạt nghi vấn mà dư luận đang đặt ra là tại sao lại cấp sổ đỏ trên phần đất đang tranh chấp?. Tại sao đã chuyển công tác mà ông Miễn vẫn có thể ký giấy cấp sổ đỏ?. Nếu Công an tỉnh Cà Mau đã làm rồi thì tại sao sự việc có nhiều mâu thuẫn đó vẫn tồn tại? Và, vụ cấp sổ đỏ trái pháp luật đã quá rõ ràng, nhưng lãnh đạo UBND huyện Thới Bình lại không ban hành quyết định thu hồi, phải chăng phía sau đó còn nhiều vấn đề uẩn khúc cần được làm sáng tỏ?