Đối với Washington, “mạnh tay”, “cứng rắn” - đó là quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ứng xử với Arab Saudi liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại. Thế nhưng…
Muốn biết rõ “sự thật”!?
Trước khi Arab Saudi, vào ngày 20/10, chính thức thừa nhận nhà báo Khashoggi bị sát hại trong khuôn viên lãnh sự quán nước này ở Istanbul sau khi tranh cãi và xảy ra ẩu đả với một số người, nhiều nước phương Tây đã có những tuyên bố thể hiện quan điểm của mình. Anh, Đức, Nga, và Mỹ đều nêu rõ muốn biết rõ “sự thật”, chứ không chỉ là những lời nói đơn thuần được chính quyền Riyadh (Arab Saudi) hay Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa ra.
Mỹ và các nước phương Tây đều tuyên bố muốn biết rõ "sự thật" về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại trong khuôn viên lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ
Nhà báo Jamal Khasoggi sinh ngày 13/10/1958 là một nhà báo nổi tiếng người Arab Saudi và là cựu Tổng giám đốc và Tổng biên tập của Al-Arab News Channel. Ông thường viết những bài chỉ trích Chính phủ Saudi và hơn hết là Thái tử Mohammed bin Salman. Ông cũng từng đóng góp một số bài viết cho tờ báo nổi tiếng của Mỹ - The Washington Post. Jamal Khashoggi từng kết bạn với trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden trong những năm 1980 và từng nhiều lần phỏng vấn bin Laden. Được biết, Khashoggi từng thuyết phục Osama bin Laden từ bỏ các hoạt động bạo lực nhưng bất thành. Sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 tại Mỹ, Khashoggi đã tự cách ly bản thân với bin Laden. |
Về phía Mỹ, ngày 21/10, Tổng thống Donald Trump cho biết cần tìm hiểu thêm về cái chết của nhà báo này, đồng thời cho biết sẽ hợp tác với Quốc hội để đưa ra phản ứng của Mỹ. Bên cạnh đó, Washington cũng có động thái thể hiện sự hợp tác với Riyadh khi ngày 22/10, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp điều tra vụ việc.
Cũng vào ngày 22/10, Tổng thống Trump tiếp tục cho biết ông không hài lòng với những lời giải thích từ phía Riyadh liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Còn Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định, nước này muốn biết mọi chi tiết về vụ sát hại nhà báo Khashoggi và hiện Washington vẫn đang liên lạc với phía Riyadh.
Và kể cả sau đó, các quốc gia này cùng một số nước phương Tây khác đều tuyên bố : Muốn biết rõ “sự thật”! Vậy nhưng theo một số nhà phân tích, dường như các bên liên quan đang dùng vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại bên trong khuôn viên lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanbul như một quân cờ chính trị, một công cụ trong trò chơi chính trị - ngoại giao của mình để buộc tội lẫn nhau hơn là tìm ra “sự thật” về nguyên nhân cái chết của ông.
Trừng phạt “mạnh tay” hay chỉ giơ cao… đánh khẽ?
Đối với Washington, “mạnh tay”, “cứng rắn” - đó là quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ứng xử với Arab Saudi trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại. Thế nhưng, nếu xét kỹ từng phát ngôn của người đứng đầu Nhà Trắng theo diễn tiến thời gian từ khi vụ việc xảy ra, có thể thấy dường như chúng khá “lưng chừng”, “nửa vời” theo kiểu 50/50, nếu không nói là “tiền hậu bất nhất”!
“Mạnh tay”, “cứng rắn” là quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ứng xử với Arab Saudi trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại
Mới đây nhất, ngày 23/10, Mỹ phát đi thông báo sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Arab Saudi có liên quan đến vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại. Có thể nói đây là động thái cứng rắn nhất của Washington đối với Riyadh - một đồng minh thân cận của đất nước cờ hoa, sau khi Ankara thông báo đã tìm thấy thi thể của Khashoggi trong một cái giếng ở khuôn viên lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanbul. Trước đó, ngày 13/10, Mỹ cũng từng cảnh báo sẽ có biện pháp “trừng phạt mạnh” với Riyadh nếu Khashoggi thực sự bị sát hại trong lãnh sự quán của Arab Saudi.
Đó là những tuyên bố thể hiện sự “cứng rắn” của Washington trong chính sách đối ngoại đối với Riyadh liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi. Tuy nhiên, ngày 20/10, Tổng thống Trump khẳng định dù không thỏa mãn với phản ứng của Arab Saudi về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, song ông không muốn gác lại thỏa thuận vũ khí trị giá nhiều tỷ USD với quốc gia Trung Đông này. Ông cho rằng việc trì hoãn các thỏa thuận bán vũ khí cho Riyadh sẽ ảnh hưởng tới 1 triệu việc làm ở Mỹ; gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời có thể “làm lợi” cho Nga và Trung Quốc - hai quốc gia nằm trong danh sách mối đe dọa lớn của Washington.
Ông Trump vẫn khẳng định “muốn có câu trả lời rõ hơn về vấn đề này”; và đồng thời hé mở một lựa chọn khác, có thể đưa ra các biện pháp khác để thể hiện sự “mạnh tay”, chẳng hạn như trừng phạt Riyadh (?). Còn trong phát ngôn ngày 22/10, cùng với tuyên bố “không hài lòng với những lời giải thích từ phía Riyadh liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi”, người đứng đầu Nhà Trắng lại bày tỏ rằng Washington không muốn mất đi những sự đầu tư từ quốc gia Trung Đông này?!
Lợi ích nước Mỹ vẫn là số 1!
Những thương vụ vũ khí trị giá nhiều tỷ USD, những hợp đồng béo bở với Riyadh liên quan đến dầu mỏ là điều chắc chắn nước Mỹ không bao giờ muốn mất, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi bất đồng giữa Washington và Moscow - Bắc Kinh đang ngày càng lớn, thời gian để kích hoạt góp biện pháp trừng phạt thứ hai dành cho Tehran cũng đang rút ngắn dần… Chính vì thế, theo giới phân tích, dù tuyên bố mạnh mẽ, cứng rắn đến đâu, nhưng tất cả vẫn chỉ là phát ngôn chưa chính thức và cũng chưa có một văn bản nào cho thấy Nhà Trắng sẽ “mạnh tay” trong vụ Khashoggi.
Là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Arab Saudi có khả năng tác động đến giá dầu như tăng nguồn cung để giảm giá hoặc kiềm chế nguồn cung để tăng giá. Họ thường tìm giải pháp cân bằng để tối đa hóa doanh thu dầu mà không gây nguy hiểm cho thu nhập trong tương lai - điều có thể xảy ra nếu giá tăng cao đến mức làm người mua chán nản và muốn tìm giải pháp thay thế. Trong khi đó, với sự bùng nổ trong sản xuất dầu đá phiến, Mỹ ít phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu Riyadh quyết định giảm nguồn cung dầu toàn cầu và tăng giá thì điều đó có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, gây ảnh hưởng đến triển vọng tái tranh cử của Trump vào năm 2020.
Ông Donald Trump tuyên thệ tại Điện Capitol ở thủ đô Washington, chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ hôm 20/1/2017
Theo số liệu của Thomson Rueters, nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ Arab Saudi trong tháng 8 và tháng 9/2018 đạt mức cao nhất hai tháng kể từ đầu năm 2017, do các nhà máy lọc dầu tận dụng thuận lợi của giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, dòng chảy của dầu thô Arab Saudi được thúc đẩy một phần bởi những nỗ lực của chính quyền Trump áp đặt lại các lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ với Iran. Được biết, Tổng thống Trump vào ngày 29/9 đã điện đàm với Vua Arab Saudi Salman để thảo luận về nỗ lực duy trì nguồn cung nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Có thể coi đây là động thái dọn đường cho việc kích hoạt gói biện pháp trừng phạt thứ hai, dự kiến vào ngày 13/11 tới, sau khi Washington thực hiện gói biện pháp trừng phạt thứ nhất đối với Tehran (kể từ sau khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran).
Như đã nói ở trên, dù Tổng thống Trump không chỉ một lần tuyên bố “mạnh tay”, “cứng rắn” với Arab Saudi, nhưng xét đến cùng, đối với ông lợi ích nước Mỹ vẫn là số 1. Với ông Trump, “Người Mỹ trên hết” và “Người Mỹ trước hết” - như ông đã từng tuyên thệ tại Điện Capitol ở thủ đô Washington, chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ hôm 20/1/2017. Và do đó, ngọn roi mà ông muốn “quất xuống” Riyadh có lẽ cũng chỉ đơn giản là giơ cao… đánh khẽ mà thôi!
Ngày 23/10, Arab Saudi đã ký kết nhiều thỏa thuận với tổng trị giá lên tới 50 tỷ USD tại Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) diễn ra cùng ngày ở Riyadh bất chấp việc bị nhiều chính trị gia phương Tây và lãnh đạo các tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới tẩy chay sau vụ việc liên quan đến nhà báo Jamal Khashoggi. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đến từ nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều chuyên gia, quan chức trong lĩnh vực ngân hàng cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, dù thiếu vắng nhiều diễn giả cấp cao. Tuy nhiên, tại hội nghị, Saudi Arabia vẫn đã ký kết 25 thỏa thuận có tổng trị giá 50 tỷ USD trong một loạt lĩnh vực, như dầu mỏ, khí đốt, các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Trafigura, Total, Hyundai, Norinco, Schlumberger, Halliburton và Baker Hughes. Tập đoàn dầu lửa Aramco của Arab Saudi tuyên bố họ đã ký 15 biên bản ghi nhớ có tổng trị giá 34 tỷ USD. |