Vụ học sinh trường Gateway tử vong do bỏ quên trên xe ô tô: Trách nhiệm thuộc về ai?

Đỗ Việt| 07/08/2019 19:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo luật sư, để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vụ học sinh trường Gateway bị bỏ quên trên xe ô tô dẫn đến tử vong cần phải làm rõ quy chế nhà trường với việc quản lý học sinh, hợp đồng giữa nhà trường và công ty đưa đón các em học sinh.

Tử vong sau 9 tiếng bỏ quên trên xe ô tô

Sự việc học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón học sinh tại Trường quốc tế Gateway xảy ra vào ngày 6/8 đã khiến người dân hết sức bàng hoàng và phẫn nộ. Đến trưa ngày 7/8, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ việc.

Vụ học sinh trường Gateway tử vong do bỏ quên trên xe ô tô: Trách nhiệm thuộc về ai?

Hàng trăm cơ quan báo chí tham dự cuộc họp báo thông tin về vụ việc học sinh trường Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô

Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, khoảng 6h ngày 6/8, tài xế Doãn Quý Phiến (SN 1966, trú tại Cầu Giấy) là nhân viên lái xe hợp đồng với Công ty TNHH Ngân Hà đưa đón học sinh của Trường quốc tế Gateway điều khiển xe ô tô từ bãi gửi xe ở khu vực Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến đón chị Nguyễn Bích Quy, nhân viên đưa đón học sinh của Trường quốc tế Gateway.

Khoảng 6h55, xe đã đón cháu L.H.L (6 tuổi) tại điểm đón tòa nhà Trung Yên Plaza, số 1 phố Trung Hòa. Khi học sinh lên hết xe, chị Nguyễn Bích Quy đã kiểm số lượng có 13 học sinh trên xe. Lúc này học sinh L.H.L ngồi ở hàng ghế cuối cùng trên xe.

Tại cổng trường, khi dừng xe, có 2 học sinh đi học ngày đầu tiên khóc rất nhiều nên chị Quy đã đưa 2 cháu vào trường và lên phòng ăn. Chị Quy không kiểm tra và không đếm lại số lượng học sinh rời xe. Trên tài liệu bàn giao với nhà trường khi trả học sinh từ chị Quy ghi nhận không có vấn đề gì xảy ra.

Lúc 7h25, ông Phiến điều khiển xe ô tô về bãi gửi xe của ký túc xá Trường Học Viện Báo chí và Tuyên truyền và gửi xe ô tô tại đó. Trên lớp, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy - phụ trách lớp 1 Tokyo điểm danh học sinh vào lúc 7h50 và đã nhập thông tin vào phần mềm Sycamore có 1 học sinh vắng mặt. Nhà trường đã không liên lạc với phụ huynh học sinh để trao đổi về việc học sinh vắng mặt.

Đến 15h30 cùng ngày, ông Phiến đi đến bãi xe điều khiển ô tô đến trường Gateway đón các cháu học sinh. Đến khoảng 16h, chị Quy đưa các cháu ra cổng để lên xe ô tô thì không thấy cháu L nên nhờ các cô giáo đi tìm cháu.

Chị Quy đưa 12 cháu lên xe ô tô, khi lên xe phát hiện cháu L nằm ngửa dưới sàn, phía sau ghế lái, người tím tái. Một cán bộ của nhà trường đã nhanh chóng đưa cháu vào phòng y tế của trường. Hai nhân viên y tế làm các biện pháp sơ cấp cứu, đồng thời liên lạc với phụ huynh học sinh và gọi 115.

Qua trao đổi với bác sĩ bệnh viện E Hà Nội được biết, cháu L vào viện trong trạng thái thân thể tím tái, đồng tử giãn, phản xạ ánh sáng không còn, mạch không, huyết áp không, đã tiến hành cấp cứu mạch tuần hoàn. Sau 30 phút không có kết quả đã thông báo cho gia đình cháu đã tử vong.

Như vậy, tính từ thời điểm cháu L lên chiếc xe ô nhãn hiệu Ford Transit, BKS: 29B- 069.56. đến lúc phát hiện ra sự việc là 9 giờ đồng hồ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Tại cuộc họp báo thông tin về việc học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô tại Trường Quốc tế Gateway, ông Trần Văn Hóa - Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án vô ý làm chết người theo Điều 128- BLHS.

Vụ học sinh trường Gateway tử vong do bỏ quên trên xe ô tô: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway 

Về trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan dẫn đến cái chết thương tâm cho cháu L.H.L, trao đổi với phóng viên, luật sư Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, như thế nào thì cần phải làm rõ quy chế nhà trường đối với việc quản lý học sịnh, cần làm rõ hợp đồng giữa nhà trường và công ty đưa đón các em học sinh.

Theo luật sư Hòe- Văn phòng luật sư Interla, trước hết là trách nhiệm của nhà trường trong việc quy định quyền hạn nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm cũng như giáo viên phụ trách đưa đón các em học sinh. Ngoài việc giáo viên phụ trách đưa đón các em đã không thực hiện nhiệm vụ của mình là kiểm tra số lượng học sinh đón-trả, thì còn cần làm rõ ai là người có trách nhiệm liên lạc với phụ huynh học sinh. Việc học sinh vắng học thì ai là người có nghĩa vụ phải thông báo cho phụ huynh? Liệu cô giáo chủ nhiệm, hay cô giáo chủ nhiệm chỉ có trách nhiệm nhập thông tin học sinh vắng học vào phần mềm và nhà trường sẽ có cán bộ phụ trách việc liên lạc với phụ huynh hay không? Việc làm rõ trách nhiệm này để tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên.

Đối với trách nhiệm của tài xế lái xe luật sư Hòe cho rằng, trước khi xác định trách nhiệm của tài xế lái xe, cần phải xác định nhiệm vụ của tài xế lái xe là gì? Tại hợp đồng giữa nhà trường với Công ty TNHH vận tải Ngân Hà quy định quyền hạn và trách nhiệm giữa các bên như thế nào? Liệu lại xe chỉ có trách nhiệm đưa đón học sinh an toàn hay còn có trách nhiệm kiểm trả số lượng học sinh đón- trả học sinh?

Nhìn nhận về tính pháp lý vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm nêu quan điểm, tùy theo kết quả điều tra, thu thập các chứng cứ thì hành vi của người giáo viên phụ trách đưa đón các cháu bằng xe ô tô sẽ có dấu hiệu phạm tội Vô ý làm chết người hoặc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu có đủ căn cứ xác định người giáo viên phạm tội Vô ý làm chết người thì thuộc lỗi vô ý vì cẩu thả. Đó là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự kể trên thì nhà trường và các cá nhân có liên quan còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Trong đó, chi phí bao gồm toàn bộ thiệt hại liên quan đến cho phí y tế, chi phí mai táng và tổn thất về tính mạng và về tinh thần... Việc bồi thường như thế nào, mức độ bồi thường bao nhiêu thì trước hết pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên. "Trong trường hợp một trong hai bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc bồi thường. Lúc này, Tòa án sẽ áp dụng các quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để quyết định mức bồi thường trong trường hợp này".

Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ học sinh  trường Gateway tử vong

Về vụ việc cháu bé 6 tuổi tử vong trên xe ô tô đưa đón của Trường tiểu học quốc tế Gateway, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc học sinh tử vong trên xe ô tô đưa đón của Trường quốc tế Gateway gửi đến Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc làm cháu bé tử vong, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học; hướng dẫn, quy định cụ thể dịch vụ đưa đón học sinh, bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu, không để tái diễn sự việc tương tự.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ học sinh trường Gateway tử vong do bỏ quên trên xe ô tô: Trách nhiệm thuộc về ai?