Hành vi của hai hành khách nam hành hung nữ nhân viên tại sân bay và động thái can thiệp của “soái ca áo đen” theo clip ghi lại có vi phạm pháp luật hay không và có thể bị xử lý như thế nào? PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư xung quanh vấn đề này.
Khoảng 14h ngày 18/10, tại khu C, tầng 2 - nhà ga hành khách T1 Nội Bài đã xảy ra việc hai hành khách nam hành hung một nữ nhân viên sân bay.
Theo thông tin và clip trích xuất từ camera sân bay thì hai hành khách nam là anh Đào Vịnh Thuấn (SN 1979) và anh Trần Dương Tùng (SN 1984) đều trú tại Hà Nội là hành khách đi trên chuyến bay VN 7265 chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh do bị chậm chuyến bay nên đã to tiếng chửi bới, lăng mạ nhân viên làm thủ tục tại quầy số 38.
Thấy vậy, chị Quỳnh Anh là một nữ nhân viên hàng không đã dùng điện thoại di động quay lại toàn bộ hình ảnh trên. Khi phát hiện chị Quỳnh Anh quay clip, anh Thuấn đã đi đến dùng tay túm vai áo yêu cầu chị Quỳnh Anh xóa toàn bộ clip, còn anh Tùng dùng túi cầm tay đánh nhiều lần vào đầu người phụ nữ này.
Sau đó, một người đàn ông áo đen đang có mặt tại sân bay do bất bình đã chạy đến đạp và đấm khiến kẻ đang tấn công ngã xuống sàn.
Sau sự việc trên, chị Quỳnh Anh đã được nhân viên sân bay đưa đi Bệnh viện Xanh Pôn để kiểm tra, đội an ninh sân bay cũng đã yêu cầu hai hành khách về đồn để làm việc.
Hiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc.
Nữ nhân viên bị hai người đàn ông hành hung ngay tại Sân bay Nội Bài. Ảnh cắt từ clip
Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Báo Công lý đã có buổi trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla dưới góc độ pháp lý.
PV: Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định “Cấm vận chuyển bằng đường hàng không 12 tháng đối với hành khách Trần Dương Tùng và 6 tháng đối với hành khách Đào Vịnh Thuấn. Vậy ngoài hình thức xử lý này, anh Thuấn và anh Tùng còn có thể bị xử lý bằng hình thức nào khác đối với hành vi vi phạm của mình hay không thưa luật sư?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Trước hết, ở đây để xác định anh Thuấn và anh Tùng có thể bị xử lý bằng các hình thức khác hay không cần phải xác định các hành vi mà hai người này đã thực hiện. Cụ thể ở đây, theo thông tin đã được đăng tải, hai hành khách này đã có các hành vi sau:
Hành vi lăng mạ, chửi bới nhân viên làm thủ tục tại quầy số 38.
Hành vi gây tổn hại tới sức khỏe đối với chị Quỳnh Anh (gây tổn thương phần mềm và khiến chị Quỳnh Anh bị choáng váng phải vào Bệnh viện Xanh Pôn để kiểm tra sức khỏe). Đây là các hành vi trái quy định pháp luật xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của các nhân viên hàng không.
Thêm vào đó, hành vi hành hung chị Quỳnh Anh của hai hành khách cũng làm ảnh hưởng tới hoạt động của Đội dịch vụ hành khách, Trung tâm kiểm soát khai thác Nội Bài thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (nơi chị Quỳnh Anh đang làm việc). Vì vậy, với các hành vi trên, anh Tùng và anh Thuấn có thể bị xử phạt hành chính về một hoặc nhiều hành vi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/201/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự an toàn xã hội.
Mặt khác, tùy theo mức độ vi phạm, tỷ lệ thương tật mà ông Tùng đã gây ra cho chị Quỳnh Anh, hai hành khách cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 121 BLHS), tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS), tội Gây rối trật tự công cộng (Điều 245 BLHS) nếu thỏa mãn cấu thành tội phạm của các tội này.
Theo quy định này thì trong trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% song đã gây cố tật nhẹ nạn nhân thì người có hành vi cố ý gây thương tích sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 BLHS. Tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” được hiểu là làm mất một bộ phận cơ thể; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân… (Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP).
Về tội làm nhục người khác: Tại Điều 121 BLHS quy định:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Như vậy, trường hợp hành vi lăng mạ, chửi bới nhân viên tại quầy số 38 của anh Tùng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi hành vi đó xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nhân viên đó. Mức độ nghiêm trọng của hành vi sẽ được đánh giá dựa trên thái độ, nhận thức, mục đích của người phạm tội (mong muốn làm nhục người khác) cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; môi trường diễn ra hành vi xúc phạm, sự tác động của hành vi đối với người bị hại (bị ảnh hưởng về tâm lý ) …
Về tội Gây rối trật tự công cộng: Khoản 1 Điều 245 BLHS quy định như sau:
“Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì...”.
“Gây rối trật tự công cộng” là hành vi gây náo động, hò hét gây mất trật tự hoặc gây lộn, hành hung người khác ở những nơi công cộng như ngoài đường phố, khu dân cư, trường học, công viên, quảng trường, sân bay… Hành vi này có thể gây nên sự xáo trộn, hoảng sợ cho những người xung quanh.
Hành vi được coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” nếu thuộc một trong các trường hợp như: Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên …(tiểu mục 5.1 Mục 5 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP).
PV: Thưa luật sư, theo clip ghi lại thì có một người đàn ông áo đen đã lao vào đánh một trong hai hành khách để “giải cứu” cho chị Quỳnh Anh, luật sư có đánh giá như thế nào về hành vi của hành khách áo đen này?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo quy định tại Hiến pháp và Bộ luật Dân sự thì cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể.
Mặt khác, mọi công dân khi phát hiện, chứng kiến đều có quyền ngăn chặn người đang có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe thân thể của người khác. Tuy nhiên, việc ngăn chặn này phải ở trong một mức độ phù hợp, tương xứng với hành vi đang được thực hiện và không xâm phạm tới các quan hệ được pháp luật bảo vệ.
Xem xét đối với sự việc này: Theo clip ghi lại, nữ nhân viên hàng không khi đó đang bị hành hung, chưa có ai can thiệp, do đó hành động lao vào giải cứu của người đàn ông áo đen là hành động hoàn toàn hợp tình.
Xét về lý, hành vi của người đàn ông có thể coi là hành vi phòng vệ chính đáng bởi tại khoản 12 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định như sau:
“Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên”.
Ở đây, đánh giá một cách khách quan qua hình ảnh trong clip thì hành vi của người đàn ông áo đen chống trả lại hành khách Tùng khá mạnh (chạy đến đạp và đấm khiến kẻ đang tấn công ngã xuống sàn). Tuy nhiên, đây là hành vi phòng vệ chính đáng bởi:
Thứ nhất, tại thời điểm người đàn ông áo đen có hành vi chống trả để bảo vệ nữ nhân viên hàng không thì nhân viên an ninh sân bay chưa tới để can thiệp, có một người đàn ông đang ngăn cản nhưng không thể ngăn được hai hành khách tiếp tục hành hung nữ nhân viên;
Thứ hai, người đàn ông áo đen đang chống trả lại hai hành khách có hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe của nữ nhân viên hàng không;
Thứ ba, việc chống trả là cần thiết và trong phạm vi cho phép bởi hai hành khách khi đó một người đang giữ không cho nữ nhân viên chống cự (làm giảm khả năng tự bảo vệ mình của nữ nhân viên), một người đang dùng ví (chưa rõ trong đó đựng những vật gì) đánh mạnh vào vùng đầu là vùng có khả năng gây chấn thương nguy hiểm cho tính mạng của nữ nhân viên. Vì hành khách đang hành hung vừa kéo vừa đánh nữ nhân viên nên việc xô ngã hành khách này để giải thoát cho nữ nhân viên là hoàn toàn trong phạm vi cho phép.
Như vậy, có thể khẳng định không có căn cứ để xử lý hành chính hoặc hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đối với người áo đen đã giúp đỡ nữ nhân viên hàng không.
Xin cảm ơn luật sư!