Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về thông tin trong vụ giải cứu dưa hấu, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã "ăn" trên lưng nông dân 2.000 đồng/kg dưa.
Thông tin ngay sau đó được lãnh đạo tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho rằng nhiều chi tiết trong bài báo không đúng sự thật, thiếu khách quan, không đánh giá đúng bản chất sự việc...
Áo tình nguyện trên những cánh đồng dưa
Cách đây không lâu, cơn mưa lũ trái mùa tháng 3 khiến hàng nghìn héc - ta hoa màu ở tỉnh Quảng Nam bị hư hỏng nặng, trong đó chủ yếu là diện tích trồng dưa hấu. Do dưa hấu chưa đến vụ thu hoạch lại ngập trong nước lũ nên bị thương lái ép giá, ùn ứ không tiêu thụ được. Ở một số nơi, tiểu thương chỉ chấp nhận mua dưa với giá 500 đồng/kg.
Với trách nhiệm của mình, tuổi trẻ Quảng Ngãi, tuổi trẻ cả nước, trong đó có tuổi trẻ Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, chung tay cùng bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm trong khi hoạn nạn.
Chứng kiến cảnh tượng người nông dân khóc ròng vì dưa mất mùa, nhiều tổ chức tình nguyện đã đứng lên hô hào cộng đồng chung tay giúp người dân Quảng Nam với khẩu hiệu “Mỗi trái dưa – một tấm lòng”.
Đón trước giá dưa rớt thê thảm ở địa phương mình, học tập mô hình từ Quảng Nam, những người trẻ Quảng Ngãi nghĩ cách giúp dân. Trước việc giá dưa hấu lao dốc còn 500 đồng một ký, nhiều bạn trẻ thuộc Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã về địa phương thu mua, lập điểm bán kêu gọi cộng đồng mua giúp nông sản cho bà con.
Vào những ngày đầu tháng 4/ 2015, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi thuê xe tải, huy động đoàn viên thanh niên về các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh) thu mua dưa hấu tại đồng ruộng, chia sẻ khó khăn cùng nông dân. Dọc đường phố, các bạn trẻ treo biển hiệu "Mỗi trái dưa - mỗi tấm lòng" và trưng bày hình ảnh nông dân khốn khó vì dưa hấu giá rẻ để kêu gọi mọi người chung tay mua giúp bà con. Những trái dưa nặng nghĩa tình, thấm ướt mồ hôi trên lưng màu áo xanh tình nguyện nhanh chóng được bán hết trong ngày.
Chị Hà Thị Anh Thư – Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi khi đó cho biết: Việc Đoàn thanh niên tham gia bán dưa cùng bà con vừa là chia sẻ khó khăn với người dân địa phương, vừa là dịp khơi dậy tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với cộng đồng. “Ngay trong tuần đầu tiên, Tỉnh Đoàn đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh bán hàng trăm tấn dưa hấu giúp dân. Những trái dưa hấu nghĩa tình từ Quảng Ngãi nắng gió theo chân nhiều tổ chức tình nguyện đã đến được với đồng bào cả nước, mang đến niềm vui vô tận cho những người nông dân nghèo quê tôi” – Chị Thư nói.
Hình ảnh những đoàn viên, thanh niên, áo xanh tình nguyện lăn lộn trên ruộng dưa bị ế, là hình ảnh rất đẹp, thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ với xã hội, là một minh chứng thể hiện tuổi trẻ lúc nào, ở đâu, thời điểm nào cũng thể hiện tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Đây cũng là hành động đẹp, đối lập với quan niệm bấy lâu vẫn cho rằng: Thanh niên hiện nay sống vô cảm, không biết làm gì, chỉ đòi hỏi và hưởng thụ...
Trong bối cảnh hàng trăm, hàng ngàn ruộng dưa đang lâm vào cảnh bế tắc, có nguy cơ thối rữa, vứt bỏ hàng tỷ đồng và bao công sức của bà con nông dân bỗng chốc trắng tay, bóng áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ như những cứu cánh, giúp bà con tháo gỡ khó khăn cấp bách. Đồng thời chính những hình ảnh này đã kết nối Đoàn gần hơn với cộng đồng xã hội, với nhân dân...
Vụ giải cứu dưa hấu của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, sau đó đã lan rộng và nhanh chóng được tiếp sức bởi các bạn trẻ cả nước, trở thành việc làm nhân văn, cao đẹp hướng về lợi ích của bà con nông dân và cộng đồng. Từ Hà Nội, Sơn La, Lai Châu đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam... tình nguyện trẻ và những tấm lòng thơm thảo đã thực sự vào cuộc vì đồng bào miền Trung thân yêu. Hàng ngàn tấn dưa hấu đã được chở đi tiêu thụ khắp các miền trên đất nước.
Theo những chuyến xe, dưa hấu miền Trung đã đến với người tiêu dùng Việt. Cùng tuổi trẻ cả nước, các thanh niên tình nguyện Thủ đô cũng đã vào cuộc. Rất nhiều người, ngay cả những công dân thành phố lớn thực sự ngỡ ngàng khi lần đầu tiên chứng kiến “hàng nội” của mình là những trái dưa to, tròn, đẹp mắt. Phần vì mong muốn ủng hộ đồng bào mình, phần vì đây thực sự là “hàng nội”, thêm vào đó là việc giá cả cũng rất hợp lý nên dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi đều bán khá chạy. Tại Hà Nội, rất nhiều tấn dưa hấu đã được tiêu thụ. Người tiêu dùng cả nước có một mùa dưa giá tương đối rẻ. Người nông dân trồng dưa có được nụ cười rạng rỡ vì đã qua cơn hoạn nạn, không phải than khóc khi sản phẩm một nắng, hai sương bị thối rữa không tiêu thụ được. Nhưng hơn hết, tất cả mọi người dân Việt ai cũng cảm thấy ấm lòng. Trong cơn hoạn nạn, tình người với người xích lại gần nhau. Nhiều người thấy những bóng áo xanh tình nguyện giúp dân còn như vỡ òa trong niềm hạnh phúc bởi họ tháo bỏ được nhưng lo lắng, trăn trở, nghi ngại về thanh niên, thế hệ con cháu của họ và của đất nước.
Chị Hà Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi.
Nhận thức lệch lạc kiểu “thầy bói xem voi” đã làm tổn thương những nghĩa cử cao đẹp
Sự việc chỉ bị đảo lộn khi gần đây có thông tin: Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi "ăn" trên lưng của nông dân 2.000 đồng/kg dưa. Theo bài báo, trong chuyến xe dưa gần cuối vụ (có trọng lượng 10 tấn dưa Hắc mỹ nhân), mỗi kg dưa, Tỉnh đoàn nói trả người dân 5.000 đồng, nhưng trên thực tế chỉ trả 3.000 đồng. Thông tin này được đưa lên báo cùng dòng tít “Họ đã "ăn" trên lưng của nông dân 2.000 đồng/kg dưa”, thực sự như một gáo nước lạnh dội xuống không chỉ Tỉnh đoàn Quảng Ngãi mà còn làm nao núng cả hệ thống tình nguyện trong vụ giải cứu dưa đã và đang diễn ra.
Hàng triệu bạn đọc, trong đó đông đảo bạn đọc trẻ đã gắng tìm để hiểu thông tin báo đưa, rồi họ theo dõi từng giờ, từng phút về sự phản hồi đúng sai của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi. Sự việc trao qua đổi lại. Sáng 9/5, lời cuối của bài viết trong chuỗi các bài báo đã đưa tin về vụ việc “Họ đã "ăn" trên lưng của nông dân 2.000 đồng/kg dưa” đăng tải: “Bên cạnh nhiệt huyết, cũng cần cách làm cẩn thận, chu đáo hiệu quả cùng sự giám sát chặt chẽ để không xảy ra những chuyện đáng tiếc”...
Không bình luận về những thông tin trên vì rất có thể “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” mà chỉ lưu ý rằng cổ nhân có câu “Hàng vàng có giá, hàng lá vô cùng”, người đưa thông tin sao không chịu hiểu rằng hàng nông sản có nhiều loại, thậm chí “tiền nào của đấy”. Đó là chưa kể “mua tươi, bán héo” là chuyện đương nhiên của mặt hàng này, rồi còn chuyện các bạn trẻ còn chịu chi phí di chuyển đi tiêu thụ, tiền mua túi đựng hàng cho khách...cũng chưa kể đến các bạn thanh niên tình nguyện không kể nắng mưa, đứng bán dưa không tính đếm công sức chỉ với mục đích tiêu thụ dưa cho bà con càng sớm càng tốt, vì mặt hàng nông sản không thể kéo dài...
Nếu nói về sự đáng tiếc, có quá nhiều đáng tiếc trong sự việc này. Một chương trình đẹp, đầy tính nhân văn của thanh niên cùng những tấm lòng thơm thảo, ai cũng muốn được nhân rộng, bỗng dưng bị vu là trục lợi và ăn chặn Những nghĩa cử cao đẹp của người trẻ với mong muốn cùng xã hội là được thổi bùng lên ngọn lửa nhân ái, giúp nhau trong cơn nguy khó, đồng thời giáo dục thanh niên biết sống có trách nhiệm, biết hy sinh, nay chỉ vì những thông tin thiếu thiện chí khiến việc tốt lại bị tổn thương. Ai cũng biết, thanh niên là những trái tim nhiệt huyết, nhưng cũng rất nhạy cảm. Chỉ một tin đồn, những chỉ trích hay sự chê bai...khiến họ lung lay, nhụt chí, rất có thể gây hiệu ứng xấu cho toàn xã hội, đúng như cổ nhân từng nói “làm phúc phải tội”.
Nhiều bạn trẻ, khi đón nhận thông tin Tỉnh đoàn Quảng Ngãi "ăn" trên lưng của nông dân 2.000 đồng/kg dưa” đã giãi bày trên mạng xã hội: Đoàn thanh niên làm được bao nhiêu việc khó trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bao nhiêu thanh niên đã hy sinh âm thầm trong thời bình để giữ bình yên, giấc ngủ ấm, gia đình vui và Tổ quốc yên bình. Thanh niên tình nguyện đã dám xông pha vào những nơi khó khăn, vất vả, nguy hiểm...Trong vụ giải cứu dưa hấu lần này, không có sự xung kích, tình nguyện, vào cuộc của tuổi trẻ, cả vạn tấn dưa đã hỏng, vứt bỏ ngoài ruộng hay lề đường...“Những thông tin vẫn còn chưa có tính đa chiều. Mình đọc mà thấy buồn và tổn thương. Thật đáng tiếc”...
Tuổi trẻ và nghị lực vươn lên
Những ngày này, dưa hấu miền Trung vẫn còn hàng trăm tấn đang chín rục trên đồng. Người nông dân miền Trung, sau vụ giải cứu dưa hấu đợt 1, 2 thành công, đang ngóng chờ thanh niên và những tấm lòng thiện nguyện. Những người trồng dưa một nắng, hai sương giờ đây cảm động, hồ hởi khi nói về thanh niên, ghi nhận công sức của thanh niên, tự hào về thanh niên vì đã có mặt kịp thời, cùng họ, đồng hành với họ trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Tỉnh Đoàn đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh bán hàng trăm tấn dưa hấu giúp dân.
Từ Quảng Ngãi, chị Hà Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Dù phải tiếp tục làm công văn giấy tờ, giải thích, trả lời các cơ quan chức năng, thông tấn báo chí về vụ "Ăn" trên lưng của nông dân 2.000 đồng/1kg dưa”, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cùng tuổi trẻ cả nước vẫn đang tiếp tục làm những công việc thiện nguyện, những công trình thanh niên nghĩa tình: Đi liên hệ để bán muối cho bà con diêm dân Sa Huỳnh (hiện đã bán được khoảng 13 tấn muối), tiếp tục hỗ trợ những chuyến dưa còn lại đi khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, thanh niên Quảng Ngãi tiếp tục duy trì quán cơm 2.000 đồng, đã bán từ hơn một năm nay. Mỗi suất cơm trị giá 10.000 đồng nhưng Tỉnh đoàn kêu gọi các nhà hảo tâm trợ giá 8.0000 đồng, chỉ còn thu 2.000 đồng, bán cho những người dân nghèo...
Với những bóng áo xanh tình nguyện, dù đâu đó có sự tổn thương, nhưng họ hiểu rằng, bổn phận của Đoàn, của tuổi trẻ vẫn phải vươn lên sống đẹp, sống có ích với bản thân và cộng đồng.
Thiết nghĩ, trước một sự việc diễn ra trong cuộc sống, mỗi cá nhân cần có lương tâm và trách nhiệm trước khi phát ngôn, đánh giá, thông tin sự việc một cách khách quan, toàn diện, đúng bản chất với cái tâm trong sáng. Trong sự việc giải cứu dưa hấu nêu trên, với trách nhiệm của mình, tuổi trẻ Quảng Ngãi, tuổi trẻ cả nước, trong đó có tuổi trẻ Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, chung tay cùng bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm trong khi hoạn nạn.
Chúng ta tin tưởng rằng, sự vô tư và động cơ trong sáng trong sự việc giúp dân tiêu thụ dưa hấu kịp thời của các bạn trẻ sẽ được cả cộng đồng đánh giá cao. Tuổi trẻ Quảng Ngãi và tuổi trẻ cả nước không vì một số thông tin chưa chuẩn xác, thiếu thiện chí, không có tinh thần xây dựng mà nhụt chí xung kích, tình nguyện. Việc làm tốt, mang ý nghĩa nhân văn, có hiệu quả thiết thực vừa qua sẽ được cộng đồng, xã hội ghi nhận. Đây cũng là minh chứng cho những việc làm xung kích, tình nguyện tốt đẹp dành cho tổ chức Đoàn.
Tuy nhiên, qua sự việc trên cũng cho thấy, cuộc sống có muôn vàn thử thách, phức tạp, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức đều phải thể hiện bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đương đầu với những khó khăn thử thách để vượt qua ngay cả với những dư luận chưa đúng, đánh giá thiếu khách quan về những việc làm tốt đẹp của tổ chức mình. Cần phải vượt qua tất cả để tiếp tục làm được nhiều việc tốt đẹp hơn cho xã hội để ích nước, lợi dân - Đó là trọng trách và kỳ vọng mà xã hội giao cho tuổi trẻ và tổ chức Đoàn.