TAND Tp Hải Dương đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn Phạm Thị Hương và bị đơn Đinh Thị Bích Hợp xung quanh khoản vay nợ và trả nợ gây chú ý của dư luận trong thời gian qua.
Báo Công lý cũng như nhiều có quan báo chí khác đã từng phản ánh về vụ việc này…
5,5 tỷ và trên 33 tỷ đồng
Ngày 1/10/2013 bà Hương đã khởi kiện vợ chồng bà Hợp ra TAND Tp Hải Dương, với yêu cầu hủy “giấy bán nhà nhượng đất” đối với biệt thự Đỉnh Long và yêu cầu bị đơn hoàn trả số tiền 30 tỷ đồng, cùng số tiền lãi của số tiền này.
Về phía bà Hợp, sau khi bị bà Hương khởi kiện hủy giấy bán nhà và đòi lại tiền, cũng đã có đơn gửi cơ quan điều tra - Công an tỉnh Hải Dương, tố cáo bà Hương về tội: “Cho vay lãi nặng” và “Cưỡng đoạt tài sản”, đồng thời gửi đơn đến nhiều cơ quan báo chí đề nghị xác minh, viết bài phản ánh sự việc.
Việc vay nợ, trả nợ vốn chỉ hai bên biết với nhau đã được phơi ra ánh sáng. Theo đó, bà Hợp và bà Hương có quan hệ bạn bè thân thiết và góp vốn kinh doanh bất động sản với nhau. Từ năm 2006, bà Hợp đã vay của bà Hương 7,5 tỷ đồng. Ngày 25/1/2013, bà Hương chốt nợ gốc và lãi khoản vay là 33 tỷ 127 triệu đồng.
Con số “khủng” này do tiền lãi được bà Hương tính không phải là 2%/tháng như thoả thuận ban đầu, mà là 1.500 đồng/triệu/ngày. Cứ hết tháng lại cộng dồn tiền lãi vào tiền gốc và tiếp tục tính lãi cả khoản tiền này. Lãi mẹ đẻ lãi con nên tổng cộng lên đến hơn 33 tỷ đồng. Không thể cưỡng lại được nên bà Hợp phải ký nhận. Bà Hương buộc bà Hợp phải trả nợ bằng hai tài sản là biệt thự 4 tầng theo kiến trúc Pháp ở khu đô thị Đỉnh Long phía Tây TP Hải Dương, tổng diện tích hơn 400m2; một căn hộ chung cư cao cấp tại khu Ciputra Hà Nội, diện tích 119m2.
Khối tài sản trên được hai bên nhất trí định giá là 35 tỷ. Bà Hương đã trả cho bà Hợp 2 tỷ tiền mặt để nhận khối tài sản trên. Ngày 26/3/2013 vợ chồng bà Hợp đã viết “Giấy bán nhà nhượng đất” cho bà Hương. Về phía mình, bà Hương viết “Biên nhận thoả thuận công nợ và bán nhà” với nội dung: “Chị Hợp trả cho tôi hai căn nhà... để trừ vào số nợ là 33 tỷ đồng”. Các bên làm các thủ tục hợp đồng ủy quyền và chuyển nhượng tài sản.
Ngày 23/7/2013 bà Hương tiếp nhận ngôi biệt thự rồi thế chấp để vay 27 tỷ đồng của ông Phạm Phùng Long và bà Nguyễn Thị Ngát ở TP Hải Dương. Căn hộ ở Ciputra bà Hương cho người khác thuê. Gán nợ xong, bà Hợp đòi bà Hương trả lại giấy biên nhận nợ nhưng bà Hương khất lần không trả.
Vụ việc tưởng như khép lại thì bất ngờ ngày 10/9/2013, mẹ con bà Hương đã mang giấy nhận nợ cũ đến nhà bà Hợp đòi trả nhà, lấy lại số tiền 30 tỷ đồng, với lý do ngôi biệt thự không sang tên được. Vì bà Hợp không đồng ý nên đến ngày 1/10/2013, bà Hương đã khởi kiện vợ chồng bà Hợp ra tòa, với yêu cầu hủy “giấy bán nhà nhượng đất” và hoàn trả số tiền 30 tỷ đồng, cùng số tiền lãi của số tiền này.
Hội đồng xét xử làm rõ
Ngày 21/3/2014, TAND Tp Hải Dương đã đưa vụ án ra xét xử, nhưng do nguyên đơn Phạm Thị Hương vắng mặt không có lý do nên phiên tòa bị hoãn. Đến ngày 1/4/2014 TAND Tp Hải Dương đã mở lại phiên tòa xét xử vụ án này.
Trước khi mở phiên tòa, hai bên nguyên đơn và bị đơn đã thống nhất hủy bỏ hợp đồng mua bán nhà, bà Hợp nhận lại ngôi biệt thư và trả nợ cho bà Hương. Tuy nhiên, bà Hợp chỉ đồng ý trả số tiền thực, lãi suất phù hợp, chứ không phải con số trên 33 tỷ đồng mà bà Hương đưa ra. Do đó, HĐXX tập trung làm rõ số tiền này.
Tại phiên tòa, bà Hương khai rằng việc vay trả diễn ra nhiều lần nên không nhớ đã cho bà Hợp vay cụ thể bao nhiêu tiền và cụ thể mỗi lần bao nhiêu cũng không có chứng từ, tài liệu, chỉ căn cứ vào giấy chốt nợ ngày 25/1/2013 bà Hợp đã ký là 33 tỷ 127 triệu đồng. Giấy này do bà Hương đánh máy sẵn nội dung, bỏ trống chỗ ký tên và bà Hợp đã ký vào văn bản này.
Bà Đinh Thị Bích Hợp và căn biệt thự gán nợ không thành.
Trái lại, bị đơn cung cấp đầy đủ các giấy biên nhận vay tiền cho từng lần vay, giấy biên nhận đều do bà Hương viết. Tổng cộng số tiền từ năm 2006 đến năm 2011 là 7,5 tỷ đồng, khớp với nội dung bà Hợp đã tố cáo đến Công an cũng như cung cấp tại Tòa. Trong số đó bị đơn khai, năm 2011 đã trả cho nguyên đơn 2,5 tỷ, chỉ còn lại 5 tỷ đồng.
Trong phần tranh luận, bên này bác bỏ lời khai của bên kia. Bà Hương không công nhận việc bà Hợp đã trả một phần nợ vào năm 2011, phía bà Hợp cũng không đưa ra được tài liệu chứng minh việc này. Có thể nói, việc tranh tụng được HĐXX chú trọng, luật sư bên nguyên đơn thực hiện đầy đủ vai trò của mình trước phiên tòa. Phía bị đơn không có luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
HĐXX sau khi xem xét khách quan và toàn diện vụ án đã công bố bản án sơ thẩm, quyết định chấp nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất tại khi đô thị Đỉnh Long, Tp Hải Dương; tuyên bố hợp đồng ủy quyền ngày 28/3/2013 giữa vợ chồng bà Hợp và bà Hương vô hiệu; chấp nhận một phần yêu cầu của bà Hương, buộc vợ chồng bà Hợp phải trả cho bà Hương số tiền gốc là 7,7 tỷ đồng và tiền lãi hơn 2,5 tỷ đồng, tổng cộng là hơn 10 tỷ đồng. Như vậy, Tòa không chấp nhận yêu cầu của bà Hương đòi bà Hợp phải trả số tiền 30 tỷ đồng theo yêu cầu khởi kiện.
Dư âm
Trong quá trình tranh chấp giữa hai bên, nhiều người vay tiền của bà Hương trước đây cũng lên tiếng tố cáo bà Hương cho vạy nặng lãi, nhiều cựu chiến binh ở Hải Dương cũng có đơn tố cáo tương tự và lên tiếng ủng hộ bà Hợp… Có thể thấy vụ việc này là phần nổi của tảng băng tín dụng đen phức tạp, âm ỉ đã lâu ở Hải Dương. Báo chí cũng có nhiều bài phản ánh, phân tích vụ tranh chấp này. Vì thế, phiên tòa sơ thẩm được rất nhiều người dân quan tâm.
Một người đàn ông theo dõi phiên tòa (không muốn nêu tên) cảm nhận: Tôi thấy tòa xử như thế là công bằng. Tòa căn cứ vào tài liệu, chứng cứ các bên cung cấp để tìm ra sự thật của vụ án. Nếu tòa không khách quan, chỉ căn cứ vào giấy chốt nợ cuối cùng, không xác định rõ quá trình hình thành nên con số đó, thì người vay nợ luôn luôn thua kiện và những người cho vay nặng lãi, dùng nhiều thủ đoạn để buộc con nợ phải ký nhận, luôn luôn thắng kiện. Theo dõi phiên tòa này tôi thấy vui vì công lý được sáng tỏ, niềm tin vào Tòa án của chúng tôi cũng tăng.