Bộ GTVT đã chính thức sửa Thông tư 58 quy định việc đổi giấy phép lái xe từ vật liệu giấy sang nhựa. Tuy nhiên, đối với những cá nhân tập thể tham mưu ban hành Thông tư này có bị xử lý theo quy định?
Quy định về lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET (nhựa) của Bộ GTVT vừa bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì không có cơ sở pháp lý, không đảm bảo tính thống nhất, hợp pháp và gây rắc rối, phiền hà cho người dân.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đã đưa ra kết luận kiểm tra về Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT ngày 29/10/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là trái pháp luật và thiếu cơ sở pháp lý.
Bộ GTVT đã chính thức sửa Thông tư 58 sau khi bị Bộ Tư pháp "tuýt còi"
Theo ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật cho hay: “Sở dĩ chúng tôi đề nghị Bộ GTVT xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức tham mưu là căn cứ vào Điều 134, Nghị định số 34 của Chính phủ. Nghị định 34 có quy định, nếu văn bản có nội dung trái quy định của pháp luật thì xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan tham mưu, người ban hành văn bản trái pháp luật đó”.
Ngay sau khi tiếp nhận văn bản của Bộ Tư Pháp, Bộ GTVT đã chính thức sửa Thông tư 58 quy định việc đổi giấy phép lái xe từ vật liệu giấy sang nhựa. Tuy nhiên, đối với những cá nhân tập thể tham mưu ban hành thông tư này có bị xử lý theo quy định?
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tại Điều 7 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành VBQPPL quy định: “người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện”.
Điều 134 nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết biện pháp thi hành luật ban hành văn bản pháp luật về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật quy định:“Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ trái pháp luật của văn bản và hậu quả của nội dung trái pháp luật gây ra đối với xã hội và trên cơ sở tính chất, mức độ lỗi của cơ quan, người đã ban hành, tham mưu ban hành văn bản đó”.
Việc xem xét trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân được quy định, cụ thể: Đối với cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật: Tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật.
Đối với cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật: Tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.Thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ, công chức thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Cơ quan, người ban hành văn bản khi nhận được kết luận kiểm tra, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản mà không thực hiện việc xem xét, xử lý văn bản trái pháp luật hoặc không thực hiện thông báo kết quả xử lý theo quy định thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.