Vụ cụ ông hơn 19 năm mang đơn đi tìm công lý: Nhiều khuất tất cần làm rõ

Mạnh Cường - Hương Trà| 28/08/2015 23:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như Công lý đã có bài phản ánh việc ông Nguyễn Luận ngụ thôn Phú Bình (Gia Lai) gần 20 năm mang đơn đi khắp nơi mong nhận lại tài sản của gia đình, nhưng hiện tại vụ việc vẫn không được giải quyết.

Nhiều quyết định khó hiểu

Nội dung đơn tố cáo của ông Luận thể hiện: Vào tháng 7-1990, vợ chồng ông Nguyễn Bá Đường và bà Lê Thị Kim Cúc có bán lại nhà trên thửa đất có chiều rộng 30m và chiều dài 70m (giáp với nhà ông Luận) cho gia đình ông Huỳnh Lợi và có giấy tờ mua bán. Đến tháng 10- 1990, ông Huỳnh Lợi đã dỡ nhà chính chuyển về thôn 5, xã Ia Le, Chư Puh, Gia Lai.  Sau đó vợ chồng ông Huỳnh Lợi đã bán ngôi nhà với kiến trúc còn lại trên thửa đất đã mua của vợ chồng ông Đường - bà Cúc cho ông Nguyễn Luận và có viết giấy mua bán.

Sau khi mua kiến trúc trên đất của ông Huỳnh Lợi, ông Nguyễn Luận đã dựa vào những kiến trúc đó gồm: nhà bếp, chuồng heo, mái hiên sau và một nền nhà xi măng, nâng cấp lên thành ngôi nhà có diện tích 100m2 và cho con trai cả ra ở riêng. Trong quá trình sử dụng, gia đình ông Luận đã đăng ký quyền sử dụng đất và có đóng thuế nhà, đất, việc này đã được ông Nguyễn Văn Dạng (hiện là Chủ tịch UBND xã Ia Le) xác nhận vào ngày 4-11-2009. Từ khi ông Luận mua tài sản trên đất và nâng cấp thành ngôi nhà với diện tích 100m2, sau đó cho vợ chồng con trai ở hợp pháp từ năm 1990 đến năm 1996, bất ngờ vợ chồng ông Đường - bà Cúc quay trở lại chặt phá cây cối của gia đình ông Luận và đòi lại mảnh đất với lý do trước kia bán kiến trúc trên đất chứ không bán đất.

 Vụ cụ ông hơn 19 năm mang đơn đi tìm công lý: Nhiều khuất tất cần làm rõ

Giấy biên nhận có mượn giấy sang nhượng giữa ông Nguyễn Luận và ông Huỳnh Lợi do ông Dạng ký và đóng dấu treo của UBND xã.

UBND xã Ia Le đã ra Quyết định số 12 với nội dung buộc con trai ông Luận phải ra khỏi căn nhà trên và gia đình bà Cúc - ông Đường cũng không được tùy tiện xây nhà và hoạt động trên mảnh đất trên khi chưa giải quyết tranh chấp xong và chưa được sự xác nhận của UBND xã Ia Le. Quyết định là vậy, song chỉ 5 ngày sau, gia đình bà Cúc ngang nhiên chở vật liệu đến mảnh đất trên để xây nhà. Thậm chí, gia đình bà Cúc “phớt lờ” sự can thiệp của chính quyền địa phương và ngôi nhà “trái phép” hiện vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Điều đáng nói ở đây, trong suốt thời gian qua gia đình, con cái ông Luận lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Tin vào pháp luật và tin vào lẽ phải nên ông Luận đã “cõng đơn” đi khắp nơi, vậy nhưng gần 20 năm qua ông vẫn chưa nhận được hướng giải quyết thấu đáo của chính quyền địa phương.

Ông Luận đã gửi đơn khiếu nại của mình lên UBND huyện Chư Sê (huyện Chư Sê sau này tách ra thành hai huyện Chư Puh - Chư Sê) sau thời gian khiếu nại đến ngày 27-10-1997, UBND huyện Chư Sê có ra Quyết định số 303/QĐ/CTUB với nội dung không thừa nhận việc sử dụng đất của ông Nguyễn Luận. Trong Quyết định 303/QĐ/CTUB có nêu rõ: "Không đồng ý với quyết định trên", ông Nguyễn Luận đã khởi kiện ra TAND huyện Chư Sê về quyết định trên của UBND huyện Chư Sê. Ngày 29-4-1998, UBND huyện Chư Sê ra Quyết định số 98/QĐ/CTUB thu hồi nội dung Quyết định 303/QĐ/CTUB đối với ông Luận và phần của vợ chồng bà Cúc, UBND xã Ia Le thì vẫn giữ nguyên, buộc phải thực hiện theo Quyết định 303/QĐ/CTUB, vì trong Quyết định 98/QĐ/CTUB không hề nhắc đến phần bà Cúc và UBND xã Ia Le.

Thế nhưng, sau khi Quyết định 303/QĐ/CTUB ban hành, ngoài việc ông Luận khiếu nại về quyền lợi của mình vì UBND xã Ia Le đã không làm tròn trách nhiệm của mình, vì bà Cúc không hề khiếu nại về Quyết định số 303/QĐ/CTUB, nhưng UBND xã Ia Le đã không có một động thái nào để xử lý căn nhà trái phép của vợ chồng bà Cúc.

Sau đó, ông Luận tiếp tục khiếu kiện khắp nơi để đòi quyền lợi chính đáng cho gia đình mình, đến ngày 15-11-2000, UBND huyện Chư Sê ra Quyết định số 463/QĐ-UB không thừa nhận nội dung khiếu nại về tranh chấp đất của ông Nguyễn Luận vì nghi ngờ giấy tờ mua bán và tài liệu ông Luận cung cấp có sự giả mạo. Quyết định 463/QĐ/UB có nội dung yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan Công an huyện để phối hợp với Phòng KTHS Công an tỉnh Gia Lai giám định và có kết luận về con dấu, chữ ký để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 1/5/1996, UBND xã đại diện là ông Nguyễn Văn Dạng có viết giấy xác nhận, có mượn sang nhượng đất giữa ông Luận và ông Huỳnh Lợi để đưa đi giám định. Không chấp nhận với Công văn số 221 của Công an tỉnh Gia Lai, kết quả giám định chữ ký, chữ viết và Quyết định số 463/QĐ/CT nên ông Luận đã khởi kiện quyết định trên ra TAND huyện Chư Sê. Đến ngày 30/10/2003, UBND huyện Chư Sê đã ra Quyết định số 550/QĐ-CT nhằm thu hồi Quyết định số 463/QĐ-CT và yêu cầu Chánh văn phòng, các cơ quan ban ngành liên quan và ông Nguyễn Luận chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 Vụ cụ ông hơn 19 năm mang đơn đi tìm công lý: Nhiều khuất tất cần làm rõ

Ngôi nhà xây dựng trái phép của bà Cúc - ông Đường vẫn đang tồn tại cho đến nay.

Như vậy, trong vòng từ năm 1996 đến năm 2003,  qua quá trình xử lý đơn khiếu nại của ông Nguyễn Luận, UBND huyện Chư Sê đã nhiều lần ra quyết định không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Luận và cũng nhiều lần ra quyết định thu hồi lại các quyết định đã đưa ra. Điều khó hiểu ở đây, cứ sau một lần ra quyết định và ông Luận khởi kiện, thì lại có quyết định “ra đời” để thu hồi quyết định đã ra trước đó. Và không biết trong vụ việc này sẽ còn bao nhiêu quyết định ra đời và lại thu hồi như vậy nữa? Theo lẽ thường, việc tranh chấp trên phải có bên đúng, bên sai dựa trên hành lang pháp lý và phải có hồi kết vì có sự can thiệp công minh, khách quan của cơ quan chức năng. Vậy thì lý do gì mà vụ việc lại kéo dài hơn 19 năm qua?.

Các đơn vị chức năng cần khẩn trương, ráo riết vào cuộc

Ngày 1/5/1996, UBND xã Ia Le - đại diện là ông Nguyễn Văn Dạng (Chủ tịch xã Ia Le) có viết giấy mượn của ông Luận tờ giấy sang nhượng giữa ông Luận và ông Huỳnh Lợi về mảnh đất trên. Ông Luận yêu cầu phía UBND xã Ia Le trả lại giấy sang nhượng đã mượn của ông trước đó, nhưng mười mấy năm qua, UBND xã vẫn chưa hoàn lại giấy tờ đã mượn của ông Luận để ông làm cơ sở đi tìm quyền lợi cho gia đình mình. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Và ai phải chịu trách nhiệm cho quyền lợi của ông Luận?

Mới đây, UBND xã Ia Le có mời ông Luận lên giải quyết vấn đề tranh chấp, ông Luận yêu cầu cấp quyền sử dụng đất cho gia đình ông và dỡ bỏ căn nhà trái phép của gia đình bà Cúc. Không biết UBND xã vô tình hay cố ý vẫn hướng dẫn cho ông Luận làm hồ sơ yêu cầu cấp quyền sử dụng đất, trong khi vẫn biết rằng, đất đang tranh chấp thì không được cấp quyền sử dụng đất. Mặt khác, thay vì UBND xã tập trung giải quyết tranh chấp thì UBND xã chỉ trả lời cho gia đình ông rằng, hồ sơ thiếu giấy sang nhượng và đang tranh chấp. Hơn ai hết UBND xã biết giấy sang nhượng này đang ở đâu và ai giữ, nhưng vẫn trả lời một cách thiếu trách nhiệm, điều này cho thấy cách làm việc của UBND xã đang đi ngược quy trình và không đúng với quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Nguyễn Văn Dạng đã xác nhận việc UBND xã có mượn tờ giấy sang nhượng kiến trúc trên đất của ông Luận và ông Huỳnh Lợi. Ông Dạng cũng cho biết, hiện cơ quan Công an đang cất giữ, ông sẽ làm việc với họ lấy lại giấy sang nhượng trả cho ông Luận. Tuy nhiên, sau nhiều lần phóng viên nhắc lại vấn đề này, ông Dạng chuyển từ hẹn sang “nói càn”… cho rằng, căn cứ vào Công văn 221 của cơ quan Công an thì tờ giấy đó là sự giả mạo nên không có giá trị. Ông không trả giấy sang nhượng nói trên cho ông Luận, còn thách thức ông Luận muốn đi kiện thì cứ việc, ông sẵn sàng hầu kiện. Một điều đáng nói ở đây, ông Dạng chỉ căn cứ vào quyết định giám định chữ ký giả để đưa ra lý lẽ “chữa cháy” cho việc không giao trả giấy sang nhượng nói trên cho ông Luận, nhưng lại không hề căn cứ vào quyết định sau đó là đã hủy, thu hồi đối với quyết định này (?).

Nhiều câu hỏi đặt ra ở đây, liệu giấy sang nhượng của ông Luận có bị “biến mất”. Về vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết đồng thời quy trách nhiệm đối với cá nhân đứng ra viết giấy mượn. Bởi trên thực tế, giấy sang nhượng được xem tương đương một tài sản của người dân, trong trường hợp không trả thì yêu cầu phải bồi thường ngang bằng giá trị tài sản đó. 

Vụ việc trên kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm đang gây nên một luồng dư luận xấu trong nhân dân. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ, giải quyết vấn đề triệt để, tránh tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài, như trường hợp của ông Nguyễn Luận hiện nay đã ở độ tuổi bên kia con dốc nhưng vẫn mòn mỏi đi tìm công lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cụ ông hơn 19 năm mang đơn đi tìm công lý: Nhiều khuất tất cần làm rõ