Vụ Con Cưng: Yêu cầu kiểm tra quy trình công tác của quản lý thị trường

pv| 12/09/2018 21:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm tra lại quy trình công tác của lực lượng quản lý thị trường trong vụ Con Cưng.

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc kiểm tra hàng hóa của Công ty cổ phần Con Cưng gửi hai Bộ Công Thương và Thông tin & Truyền thông.

Vụ Con Cưng: Yêu cầu kiểm tra quy trình công tác của quản lý thị trường

Công văn nêu rõ, xét báo cáo của Bộ Công Thương (ngày 23/8) và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia (ngày 20/8) liên quan đến vụ việc kiểm tra hàng hóa của Công ty cổ phần Con Cưng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra lại quy trình công tác của lực lượng quản lý thị trường trong vụ Con Cưng. Phó Thủ tướng lưu ý cần phải kiểm tra lại việc tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin, xác nhận trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về báo chí, đảm bảo các thông tin truyền đạt phải trung thực, khách quan, không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về báo chí, Internet.

Liên quan đến vụ việc Con Cưng, ngày 17/8/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty Cổ phần Con Cưng của Cục Quản lý thị trường và đánh giá hoạt động của Tổ công tác triển khai Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 28 tháng 1 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018, trả lời câu hỏi của báo giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết về vụ Công ty CP Con Cưng, qua cơ sở khiếu nại của người tiêu dùng và phản ánh của báo chí về nhãn mác và xuất xứ sản phẩm của Công ty CP Con Cưng, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra sơ bộ và sau đó thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại, việc cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng.

Từ ngày 30/7 đến ngày 10/8/2018, sau khi tiến hành kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã có báo cáo cụ thể. Căn cứ vào kết quả kiểm tra các cửa hàng trong hệ thống của Công ty CP Con Cưng, về sản phẩm hàng hoá và các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của Công ty CP Con Cưng, Đoàn kiểm tra đánh giá về cơ bản Công ty CP Con Cưng đã chấp hành đúng quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cả về chất lượng hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đánh giá hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hoá nhập khẩu

Tuy nhiên, Công ty CP Con Cưng cũng đã có những hành vi chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, Công ty có vi phạm về nhãn hàng hoá, về hoạt động khuyến mại, vi phạm các quy định về thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và các Chi cục Quản lý thị trường địa phương liên quan xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đối với Công ty CP Con Cưng, Bộ Công Thương yêu cầu phải có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đã được phát hiện và tiếp tục rà soát việc chấp hành pháp luật trong các hoạt động kinh doanh của Công ty, sau đó có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Với các sản phẩm vi phạm nhãn mác, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty phải khắc phục xong các vi phạm này trước khi đưa vào lưu thông.

Thứ trưởng cho biết, về quan điểm của Bộ Công Thương, theo đúng nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền được giao thì việc kiểm tra chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là công việc quan trọng và cần thực hiện thường xuyên trên địa bàn cả nước đối với tất cả loại hình doanh nghiệp, tất cả các loại hàng hoá, sản phẩm, kể cả dịch vụ có liên quan. Tuy nhiên, việc kiểm tra đó cần phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, theo đúng quy trình, quy định và quan trọng nhất là không được gây phiền nhiễu, không được làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và phải thực hiện theo đúng pháp luật, phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Con Cưng: Yêu cầu kiểm tra quy trình công tác của quản lý thị trường